Quyết định 54/2001/QĐ-BNN/TY về phòng chống bệnh lở mồm long móng gia súc do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 54/2001/QĐ-BNN/TY
Ngày ban hành 11/05/2001
Ngày có hiệu lực 26/05/2001
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Ngô Thế Dân
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Thể thao - Y tế

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 54/2001/QĐ-BNN/TY

Hà Nội, ngày 11 tháng 05 năm 2001 

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG CHỐNG BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG GIA SÚC

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN 

Căn cứ Nghị định số 73/CP ngày 1/11/1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn;
Căn cứ Pháp lệnh Thú y ban hành ngày 15/ 02 /1993, Nghị định số 93/CP ngày 27/11/1993 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Thú y;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thú y.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành “ Quy định về phòng chống bệnh Lở mồm long móng gia súc”.

Điều 2. Cục trưởng Cục Thú y có nhiệm vụ hướng dẫn chi tiết việc thi hành bản quy định này.

Điều 3. Quy định này có hiệu lực kể từ 15 ngày sau khi ký.

Điều 4. Chánh văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Thú y, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan và Giám đốc các Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm thi hành Quy định này.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
THỨ TRƯỞNG




Ngô Thế Dân

QUY ĐỊNH

VỀ PHÒNG CHỐNG BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG GIA SÚC
( Ban hành theo Quyết định số 54/2001/QĐ-BNN-TY ngày 11/05 /2001 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT) 

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đặc điểm chung của bệnh Lở mồm long móng gia súc

1. Bệnh Lở mồm long móng gia súc (viết tắt là LMLM) là bệnh truyền nhiễm lây lan mạnh nhất, gây ra bởi 7 typ vi rút: A, O, C, Asia1, SAT1, SAT2, SAT3, với hơn 60 biến chủng (sub-typ).

ở khu vực Đông Nam á thường thấy 3 typ là O, A và Asia1, riêng ở Philippines có cả typ C. ở Việt Nam đã phát hiện typ O typ A và Asia1, nhưng typ thường hay gặp là typ O.

Bệnh lây từ nước này sang nước khác qua biên giới theo đường vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ở dạng tươi sống (kể cả thịt ướp đông, xông khói, da xương, sừng, móng, sữa . . .).

2. Động vật mắc bệnh LMLM là các loài móng guốc chẵn như: trâu, bò, lợn, dê, cừu, hươu, nai . . .

Thời kỳ ủ bệnh thường từ 2 - 5 ngày, nhiều nhất là 21 ngày. Khi bệnh có triệu chứng thì trong hai, ba ngày đầu sốt cao trên 40oC, kém ăn hoặc bỏ ăn, miệng gia súc chảy nhiều nước bọt. Viêm dạng mụn nước ở lợi, lưỡi, vành mũi, vành móng và kẽ móng. Mụn nước vỡ ra làm lở loét mồm và dễ long móng, nhất là ở lợn.

Sau khi phát bệnh 10 - 15 ngày, con vật khỏi bệnh nhưng gia súc vẫn mang trùng hàng tháng, thậm chí hàng năm.

Bệnh chưa có thuốc chữa đặc hiệu, chỉ có vắc xin phòng bệnh. Bệnh LMLM được Tổ chức dịch tễ thế giới (OIE) xếp đầu tiên ở bảng A (gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất cho chăn nuôi và hạn chế thương mại đối với động vật, sản phẩm động vật cũng như nông sản nói chung).

3. Vi rút LMLM dễ bị diệt bởi ánh nắng mặt trời, nhiệt độ cao (như đun sôi 100oC), các chất có độ toan cao (pH ( 3) và các chất kiềm mạnh như xút (pH ( 9). Vi rút sống, nhiều ngày trong các chất mùn hữu cơ ở chuồng nuôi, các chất có độ kiềm nhẹ (pH từ 7,2-7,8). Trong thịt ướp đông, vi rút tồn tại sau nhiều tháng.

Điều 2. Trách nhiệm thực hiện.

1.Tổ chức, cá nhân chăn nuôi, mua bán, giết mổ, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật dễ nhiễm bệnh LMLM trong vùng có dịch LMLM, vùng bị dịch uy hiếp hoặc đi qua vùng dịch đều phải tuân theo quy định này.

2. Cơ quan Thú y có trách nhiệm hướng dẫn địa phương áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng bệnh lây lan và chống dịch bệnh LMLM.

3. UBND các cấp chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, cấp kinh phí phục vụ chống dịch .

[...]