Chỉ thị 16/2006/CT-TTg về biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng ở gia súc do Thủ tướng chính phủ ban hành

Số hiệu 16/2006/CT-TTg
Ngày ban hành 04/05/2006
Ngày có hiệu lực 25/05/2006
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Thể thao - Y tế

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16/2006/CT-TTG

Hà Nội, ngày 04 tháng 05 năm 2006 

 

CHỈ THỊ

VỀ BIỆN PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG Ở GIA SÚC

Hiện nay, bệnh dịch lở mồm long móng đang lây lan nhanh trên đàn trâu, bò, lợn và đàn dê ở nhiều địa phương trong cả nước; ngoài một số týp vi rút trước đây đã xuất hiện thêm týp vi rút mới. Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến năng suất của đàn gia súc, gây thiệt hại cho người chăn nuôi và nền kinh tế. Bệnh diễn biến rất phức tạp, có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng, gây khó khăn, tốn kém cho công tác phòng, chống dịch. Nguyên nhân của tình trạng này là do các ổ dịch cũ chưa được dập tắt và xử lý triệt để, nhiều địa phương không tổ chức thực hiện tốt việc tiêm phòng cho đàn gia súc theo quy định; việc giám sát, phát hiện bệnh không chặt chẽ, kịp thời; khi bệnh dịch xảy ra chưa thực hiện các biện pháp kiên quyết để bao vây khống chế, dập tắt các ổ dịch; việc vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc không được kiểm soát chặt chẽ về thú y.

Để nhanh chóng dập tắt các ổ dịch, không để bệnh dịch tiếp tục lây lan ra diện rộng, Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị:

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng dẫn và chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn về thú y, các cấp, các ngành, người chăn nuôi gia súc theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch trên địa bàn, nhất là các ổ dịch cũ; tổ chức tiêm phòng vắc xin bắt buộc cho đàn gia súc xung quanh vùng dịch và vùng có nguy cơ cao; vệ sinh tiêu độc chuồng trại và môi trường; kiểm soát chặt chẽ về thú y đối với việc vận chuyển gia súc ra khỏi vùng ổ dịch;

b) Các địa phương khi có dịch xảy ra trên địa bàn phải công bố dịch theo quy định hiện hành của pháp luật về thú y. Tập trung chỉ đạo kiên quyết và huy động mọi nguồn lực của địa phương để triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và quy định của pháp luật về thú y; xác định công tác phòng, chống dịch lở mồm long móng ở gia súc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp;

c) Chỉ đạo cơ quan thú y và các cơ quan: hải quan, quản lý thị trường, bộ đội biên phòng, công an kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia súc, sản phẩm gia súc dễ cảm nhiễm với bệnh lở mồm long móng, nhất là ở các vùng có dịch, các tỉnh có biên giới đường bộ với các nước láng giềng. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới và các trường hợp vi phạm về vận chuyển, buôn bán gia súc, sản phẩm gia súc, giết mổ gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh.

d) Chủ động sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách dự phòng của địa phương về phòng chống thiên tai, dịch bệnh để phòng, chống dịch lở mồm long móng và hỗ trợ người chăn nuôi có gia súc bị giết hủy hoặc giết mổ bắt buộc.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan chuyên môn về thú y triển khai cụ thể các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, có hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng;

b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các địa phương tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và thanh toán bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2006-2010 đã được phê duyệt;

c) Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh bổ sung một số nội dung của Chương trình quốc gia khống chế và thanh toán bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2006-2010 cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh hiện nay.

3. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối kinh phí để triển khai thực hiện chương trình quốc gia khống chế và thành toán bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2006-2010, trước mắt bảo đảm đủ kinh phí yêu cầu phòng chống dịch năm 2006.

4. Bộ Văn hóa-Thông tin phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan thông tin có hình thức đưa tin phù hợp, chính xác diễn biến dịch bệnh; thông tin tuyên truyền cho người dân hiểu rõ sự nguy hại của bệnh dịch này và có trách nhiệm chủ động, tích cực tham gia các biện pháp phòng, chống dịch.

5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình bệnh dịch, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị này và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ./.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG



 
Nguyễn Tấn Dũng