Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 05/2007/QĐ-BNN sửa đổi Quyết định 38/2006/QĐ-BNN quy định phòng chống bệnh Lở mồm long móng gia súc do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 05/2007/QĐ-BNN
Ngày ban hành 22/01/2007
Ngày có hiệu lực 16/02/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05/2007/QĐ-BNN

Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2007 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI QUYẾT ĐỊNH SỐ 38/2006/QĐ-BNN NGÀY 16/5/2006 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÒNG CHỐNG BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG GIA SÚC

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29 tháng 4 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12 tháng 11 năm 1996; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thú y,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Sửa đổi Điều 9, điểm b, c khoản 3, khoản 5 Điều 10 và Điều 11 của quy định về phòng chống bệnh Lở mồm long móng gia súc ban hành kèm theo Quyết định số 38/2006/QĐ-BNN ngày 16/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như sau:

"Điều 9. Công bố dịch

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định công bố xã có dịch khi dịch xuất hiện ở 1 thôn trở lên và có đủ điều kiện công bố dịch theo quy định tại Điều 17 của Pháp lệnh Thú y.

2. Cơ quan thú y có thẩm quyền thông báo kết quả xét nghiệm bệnh tại xã có dịch.

Điều 10. Xử lý ổ dịch

1. Cách ly và nuôi nhốt gia súc mắc bệnh

Chủ nuôi gia súc khi phát hiện gia súc nhiễm bệnh phải nuôi cách ly và báo ngay cho trưởng thôn hoặc nhân viên thú y.

2. Xác minh và chẩn đoán

Khi nhận được thông báo, trong phạm vi một ngày cán bộ thú y huyện phải tiến hành xác minh và lấy mẫu chẩn đoán bệnh.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm

a) Chỉ đạo trưởng thôn và nhân viên thú y kiểm tra, giám sát chủ nuôi gia súc thực hiện cách ly gia súc mắc bệnh với gia súc khỏe, nhốt trâu, bò, lợn, dê, cừu tại chuồng hoặc nơi cố định; giúp cán bộ thú y huyện lấy mẫu bệnh phẩm; thống kê số lượng, loài gia súc mắc bệnh, số hộ gia đình có gia súc mắc bệnh, tổng đàn gia súc cảm nhiễm trong thôn.

b) Lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên các trục đường giao thông chính ra vào xã có dịch và vùng khống chế với sự tham gia của lực lượng thú y, công an, dân quân tự vệ… trực 24/24 giờ nhằm ngăn chặn không đưa gia súc, sản phẩm gia súc ra ngoài xã có dịch. Đặt biển báo khu vực có dịch, hướng dẫn tránh đi qua xã có dịch. Tổ chức phun khử trùng các phương tiện vận chuyển từ xã có dịch đi ra ngoài.

c) Thực hiện tiêu hủy gia súc mắc bệnh trong xã có dịch

- Đối tượng tiêu hủy

+ Tiêu hủy bắt buộc toàn bộ số lợn, dê, cừu, hươu, nai trong cùng một ô chuồng nếu trong ô chuồng đó có con mắc bệnh với triệu chứng lâm sàng điển hình mà không phải chờ kết quả xét nghiệm. Trường hợp còn nghi ngờ phải nuôi cách ly chờ kết quả xét nghiệm, nếu kết quả dương tính thì tiêu hủy. Việc tiêu hủy gia súc bệnh phải thực hiện theo hướng dẫn và giám sát của cơ quan thú y;

+ Tiêu hủy bắt buộc trâu bò mắc bệnh trong các trường hợp sau:

* Trâu, bò mắc bệnh trong ổ dịch xuất hiện lần đầu tiên tại thôn;

* Trâu, bò mắc bệnh với týp vi rút LMLM mới hoặc týp vi rút đã lâu không xuất hiện trên địa bàn tỉnh.

+ Đối với trâu, bò không thuộc diện nêu trên thì khuyến khích tiêu hủy hoặc có thể nuôi giữ nhưng phải quản lý chặt chẽ như sau:

* Đánh dấu và có sổ sách theo dõi theo hướng dẫn của Cục Thú y;

* Nuôi cách ly với đàn gia súc chưa mắc bệnh và theo dõi sức khỏe thường xuyên, tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng;

* Được giết mổ tiêu thụ tại xã theo hướng dẫn của thú y;

* Được phép vận chuyển ra khỏi xã để tiêu thụ sau hai năm tính từ ngày con vật khỏi triệu chứng lâm sàng.

[...]