Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 5126/QĐ-BYT năm 2014 về Kế hoạch hành động phòng chống dịch hạch tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 5126/QĐ-BYT
Ngày ban hành 10/12/2014
Ngày có hiệu lực 10/12/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thanh Long
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5126/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG PHÒNG CHỐNG DỊCH HẠCH TẠI VIỆT NAM

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31/8/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch hành động phòng chống dịch hạch tại Việt Nam”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ; Vụ trưởng, Cục trưởng các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế; Viện trưởng các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur, Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng; Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế; Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng; Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét; Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng y tế các Bộ, ngành; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- PTTg. Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- BT. Nguyễn Thị Kim Tiến (để báo cáo);
- Các Đ/c Thứ trưởng Bộ Y tế (để phối hợp);
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Bộ: GTVT, NN& PTNT, TT&TT, TC (để phối hợp);
- Cổng TTĐT Bộ Y tế;
- Lưu: VT, DP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Long

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG PHÒNG CHỐNG DỊCH HẠCH TẠI VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5126/QĐ-BYT ngày 10/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm A, tối nguy hiểm bởi diễn tiến bệnh nhanh, tốc độ lây lan mạnh và tỷ lệ tử vong cao; bệnh thuộc diện kiểm dịch và khai báo quốc tế theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới. Bệnh do trực khuẩn Yersinia pestis gây nên và lưu hành trong quần thể động vật thuộc bộ gặm nhấm (Rodentia), chủ yếu là các loại chuột sống gần người như Rattus rattus, Rattus norvegicusRattus exulans và bọ chét ký sinh trên chúng, từ đó lây truyền sang các loại súc vật khác và sang người. Bệnh lưu hành trong các ổ dịch thiên nhiên của các loài gặm nhấm và lây truyền qua trung gian bọ chét sống ngoại ký sinh. Trên thế giới, dịch hạch luôn luôn là một mối hiểm họa tiềm tàng bùng phát thành dịch lớn bởi vì mầm bệnh vẫn tồn tại rất rộng rãi trên các quần thể gặm nhấm hoang dã và có sự giao lưu rất thường xuyên giữa các loài gặm nhấm hoang dã này với quần thể chuột nhà.

I. TÌNH HÌNH BỆNH DỊCH HẠCH TRÊN THẾ GIỚI VÀ TẠI VIỆT NAM

1. Trên thế giới

Lịch sử loài người đã ghi nhận 3 vụ đại dịch vào các thế kỷ thứ VI, XIV và XIX với hàng trăm triệu người tử vong, đặc biệt đại dịch lần thứ hai với tỷ lệ tử vong lên tới 70-80% đã cướp đi sinh mạng của khoảng 1/3 dân số Châu Âu. Bệnh dịch hạch được mệnh danh là “Cái chết đen” bởi người bệnh khi qua đời cơ thể thường trở nên đen sì.

Từ 1954 - 2001, Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận có 38 quốc gia trên thế giới xảy ra bệnh dịch hạch gồm 89.651 trường hợp mắc và 7.715 bệnh nhân tử vong. Nhiều nhất là 6.014 bệnh nhân xảy ra năm 1967 và thấp nhất là 200 trường hợp vào năm 1981. Trong thời gian này, có 7 quốc gia trên thế giới bệnh xảy ra hàng năm là Brazil, Cộng hòa dân chủ Công Gô, Madagascar, Myanmar, Pê Ru, Hoa Kỳ và Việt Nam. Từ 2005 đến tháng 7/2010, bệnh Dịch hạch vẫn còn xuất hiện nhiều nơi trên thế giới như Công Gô, Trung Quốc, Pêru,... với những diễn biến phức tạp có chiều hướng gia tăng và gây nhiều hậu quả đến an ninh, kinh tế, văn hóa, chính trị.

Sau một thời gian dài lắng dịu và xảy ra rải rác ở một vài quốc gia, ngày 21 tháng 11 năm 2014, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo về dịch hạch xảy ra tại Madagascar. Ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào ngày 31/8/2014 là bệnh nhân nữ, tử vong ngày 3/9/2014. Đến ngày 16/11/2014, đã ghi nhận 119 trường hợp mắc trong đó có 40 trường hợp tử vong. Chỉ 2% các ca bệnh là thể phổi. Các ca bệnh được ghi nhận tại 16 quận thuộc 7 khu vực. Antananarivo, thủ đô và thành phố lớn nhất ở Madagascar cũng ghi nhận 2 trường hợp mắc, bao gồm 1 tử vong. Hiện tại, có nguy cơ lây lan nhanh của bệnh ở Madagascar bởi mật độ dân số cao và hệ thống y tế yếu kém. Tình trạng trở nên phức tạp hơn bởi có sự kháng Deltamethrin ở mức độ cao của bọ chét đã xuất hiện ở nước này.

Ngoài ra, tại Trung Quốc ghi nhận 01 trường hợp mắc bệnh dịch hạch thể phổi tại tỉnh Cam Túc. Theo Tổ chức Y tế thế giới, ngày 17/7/2014 Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và Y tế Trung Quốc thông báo ghi nhận 01 trường hợp bệnh tử vong có kết quả dương tính với dịch hạch. Điều tra dịch tễ cho thấy bệnh nhân làm nghề chăm sóc vật nuôi và có tiền sử phơi nhiễm với một động vật thuộc loài gặm nhấm trước đó. Tại Mỹ ghi nhận 04 trường hợp mắc bệnh dịch hạch (trong đó 03 trường hợp có triệu chứng viêm phổi và một trường hợp không rõ triệu chứng) tại hạt Adam, bang Clorado. Cả 04 bệnh nhân đều tiếp xúc với con chó bị ốm và chết ngày 26/6. Trước đó, con chó này có biểu hiện lâm sàng và bệnh lý của bệnh dịch hạch thể phổi và có thể có liên quan tới bệnh dịch hạch trên động vật trong số loài sóc chó (Bắc Mỹ) gần nhà các bệnh nhân.

Tổ chức Y tế thế giới chưa khuyến cáo hạn chế giao lưu qua lại giữa các quốc gia trên thế giới.

2. Tại Việt Nam

Dịch hạch được ghi nhận lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1898 tại Nha Trang do tàu, thuyền từ Hồng Kông xâm nhập vào trong bối cảnh vụ đại dịch hạch thế giới lần thứ 3. Có thể chia tiến trình bệnh dịch hạch ở Việt Nam làm 5 thời kỳ dịch tễ học

a) Thời kỳ xâm nhập và lây lan nội địa 1898-1922

Dịch ở Nha Trang 1898, Sài Gòn 1906, Hà Nội 1908, Lạng Sơn 1909, Hải Phòng 1917, đánh dấu sự xâm nhập của bệnh dịch hạch vào Việt Nam. Dịch xâm nhập chủ yếu theo hàng hóa của người Trung Hoa. Sau khi xâm nhập dịch lây lan đến những nơi khác như Bắc Ninh, Hòn Gai, Phan Thiết, Phan Rang, Sóc Trăng .... Dịch tại những nơi xâm nhập đều có tính chất tạm thời trừ Sài Gòn và Phan Thiết có chiều hướng trở thành vùng dịch lưu hành dai dẳng. Vào năm 1911 có vụ dịch lớn tại Châu Đốc, Long Xuyên, Thủ Dầu Một với nhiều bệnh nhân dịch hạch thể phổi và 886 người tử vong.

b) Thời kỳ lắng dịu và trở thành dịch lưu hành địa phương 1923-1960

Giai đoạn 1923-1960 không ghi nhận trường hợp mắc bệnh ở miền Bắc. Tại miền Nam dịch giảm dần, chỉ còn lưu hành chủ yếu ở Sài Gòn và Phan Thiết và có lúc dịch lan rộng ra một số địa phương như Đà Lạt (năm 1947, năm 1948, năm 1950), Bình Long (năm 1955, năm 1956), Tây Ninh (năm 1955, năm 1956).

[...]