Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 1126/QĐ-BYT năm 2013 phê duyệt “Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A(H7N9) tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 1126/QĐ-BYT
Ngày ban hành 05/04/2013
Ngày có hiệu lực 05/04/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thanh Long
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1126/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 05 tháng 4 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT “KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM A(H7N9) TẠI VIỆT NAM”

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31/8/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A(H7N9) tại Việt Nam”.

Điều 2. Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A(H7N9) tại Việt Nam là căn cứ để các địa phương xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể tại từng địa phương và trình UBND tỉnh, thành phố đầu tư kinh phí để thực hiện.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 4. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ; Vụ trưởng; Cục trưởng; Tổng Cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế; Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố; Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế các tỉnh, thành phố; Thủ trưởng y tế các Bộ, ngành; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- PTTg. Nguyễn Thiện Nhân (để báo cáo);
- BT. Nguyễn Thị Kim Tiến (để báo cáo);
- Văn phòng Trung ương Đảng (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ NNvà PTNT, Bộ CT (để phối hợp);
- Các Đ/c Thứ trưởng Bộ Y tế (để phối hợp);
- Các thành viên BCĐ PCD nguy hiểm và mới nổi;
- Cục KCB, ATTP, QLMTYT;
- Vụ KHTC, TT-TĐKT; HTQT (để thực hiện);
- Các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur (để thực hiện);
- Các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế (để thực hiện);
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố (để thực hiện);
- Trung tâm YTDP, KDYTQT các tỉnh, thành phố (để thực hiện);
- Lưu: VT, DP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Long

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM A(H7N9) TẠI VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1126 /QĐ-BYT ngày 05/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

1. Trên thế giới

Theo WHO, từ ngày 29/3/2013 đến ngày 04/4/2013, Trung Quốc đã phát hiện 11 trường hợp nhiễm cúm A(H7N9), trong đó có 5 trường hợp tử vong tại TP. Thượng Hải (3/2), An Huy (1/0), Giang Tô (4/0) và Triết Giang (3/2). Các trường hợp mắc đều có triệu chứng viêm đường hô hấp tiến tới viêm phổi và suy hô hấp. Phòng xét nghiệm CDC Trung Quốc xác định các trường hợp trên dương tính với cúm A(H7N9) có gen từ nguồn gốc gia cầm. Điều tra 400 người tiếp xúc gần với bệnh nhân chưa phát hiện thêm trường hợp mắc mới.

Đây là những trường hợp đầu tiên nhiễm vi rút cúm A(H7N9) gây bệnh nặng trên người và chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người. Nguồn bệnh và phương thức lây truyền chưa rõ, WHO đang tích cực triển khai điều tra để xác định.

Tổ chức Y tế thế giới chưa khuyến cáo hạn chế giao lưu qua lại giữa các quốc gia trên thế giới.

2. Tại Việt Nam

Đến ngày 04/4/2013, nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do cúm A(H7N9).

3. Nhận định, dự báo

Căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, nguy cơ dịch có thể xâm nhập vào Việt Nam cũng như có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống do:

1. Bệnh cúm A(H7N9) do nhiễm chủng vi rút cúm A(H7N9) có nguồn gốc từ gia cầm.

2. Nguồn lây bệnh chưa được xác định rõ ràng, chưa xác định được các yếu tố dịch tễ liên quan giữa các trường hợp mắc bệnh, mặc dù 02 trường hợp cúm A(H7N9) tại Thượng Hải (Trung Quốc) cùng một gia đình.

3. Đặc tính của vi rút cúm A là thường xuyên biến đổi có thể thành chủng mới dễ dàng lây truyền sang người.

4. Lịch sử trên thế giới đã ghi nhận các dịch cúm A(H7) với nhiều trường hợp mắc và tử vong ở người.

5. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu dựa vào vệ sinh cá nhân và ngăn ngừa lây truyền tại cộng đồng.

[...]