Quyết định 38/2005/QĐ-BYT về kế hoạch hành động phòng chống đại dịch cúm ở người tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 38/2005/QĐ-BYT
Ngày ban hành 24/11/2005
Ngày có hiệu lực 05/01/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Trần Thị Trung Chiến
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 38/2005/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG PHÒNG CHỐNG ĐẠI DỊCH CÚM Ở NGƯỜI TẠI VIỆT NAM

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Quyết định số 297/QĐ-TTg ngày 19/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút;
Theo đề nghị của Ông Chánh Văn phòng Bộ Y tế, Ông Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài Chính và Ông Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này “Kế hoạch hành động phòng chống đại dịch cúm ở người tại Việt Nam”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.

Điều 3. Các Ông, Bà Chánh Văn Phòng, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Việt Nam, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng các Cục thuộc Bộ Y tế, các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia viêm đường hô hấp cấp do vi rút, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

BỘ TRƯỞNG




Trần Thị Trung Chiến

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG PHÒNG CHỐNG ĐẠI DỊCH CÚM Ở NGƯỜI TẠI VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo  Quyết định số 38/2005/QĐ-BYT ngày 24 tháng 11 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Phần I :

BỆNH CÚM VÀ ĐẠI DỊCH CÚM

1.1. Bệnh cúm và đại  dịch cúm

Cúm là bệnh của cơ quan hô hấp do vi rút có tính chất lây nhiễm cao gây nên, bệnh có nguy cơ đe doạ sức khoẻ cộng đồng vì lây lan nhanh, từ các vụ dịch nhỏ nhanh chóng lan tràn ra cộng đồng, làm số lượng lớn dân cư bị nhiễm bệnh cùng với các biến chứng nặng như viêm phổi bội nhiễm do vi khuẩn hoặc vi rút và có thể gây tử vong.

Vi rút cúm A bao gồm 2 loại kháng nguyên, kháng nguyên Haemagglutinin (H) và kháng nguyên Neuraminidase (N). Những kháng nguyên bề mặt này liên quan đến khả năng gây nhiễm trên vật chủ và tạo ra chủng vi rút mới. Kháng nguyên H liên quan tới quá trình bám dính của vi rút vào tế bào, còn kháng nguyên N hỗ trợ cho vi rút trong quá trình phá vỡ tế bào nhiễm vi rút để giải phóng ra hàng loạt các vi rút mới. Với vi rút cúm A, người ta đã biết đến 16 loại H (được đánh số từ H1 đến H16) và 9 loại N (được đánh số từ 1 đến 9).

Dịch cúm, vi rút cúm có tỷ lệ đột biến cao và kháng nguyên bề mặt luôn có xu hướng biến đổi. Chỉ cần những đột biến nhỏ đã dẫn tới sự biến đổi kháng nguyên, tạo ra một chủng cúm A mới. Về bản chất, đây chỉ là những biến đổi nhỏ trên các vi rút đã lưu hành trên thế giới. Hàng năm, quá trình này gây nên dịch cúm trên diện rộng, thường xảy ra vào cuối thu và đầu xuân. Trong những mùa dịch này, tỷ lệ tấn công thường phụ thuộc vào lứa tuổi và phụ thuộc vào liệu người đó đã từng tiếp xúc với chủng lưu hành này trước đây chưa?

Đại dịch cúm, Đại dịch cúm thường liên quan tới sự thay đổi cơ bản gen ở vi rút cúm A tạo nên một phân típ vi rút mới. Kháng nguyên bề mặt không bị biến đổi mà được thay thế bằng một kháng nguyên mới hoàn toàn khác biệt. Khi đột biến gen xảy ra, toàn bộ cộng đồng chưa có  miễn dịch đối với phân típ vi rút cúm mới đó. Ví dụ, năm 1957, một phân típ cúm A mới là H2N2 thay thế cho phân típ H1N1 đã lưu hành trên người trong gần 4 thập kỷ. Cho đến nay, chỉ có vi rút cúm A được biết đến là nguyên nhân của các vụ đại dịch.

Các yếu tố gây nên đại dịch cúm bao gồm: sự xuất hiện của một phân típ mới, khả năng vi rút lây nhiễm một cách mạnh mẽ từ người sang người; và tính độc lực của vi rút đủ để gây bệnh ở người. Các nhà khoa học chưa dự đoán được chính xác khi nào thì đại dịch cúm tiếp theo sẽ xảy ra, nó sẽ kéo dài trong bao lâu. Tuy nhiên, cứ trong bình 30 – 32 năm thì có một đại dịch cúm xảy ra, tính đến nay đã 35 năm kể từ đại dịch cúm cuối cùng xảy ra trên thế giới, thì nguy cơ theo chu kỳ một đại dịch cúm tiếp theo sẽ xảy ra trong tương lai gần.

ổ chứa thiên nhiên của vi rút cúm gia cầm là các loài thuỷ cầm di cư, chủ yếu là vịt trời, và các loài chim này cũng là loài có sức đề kháng cao với vi rút cúm. Các gia cầm, bao gồm gà và gà tây rất nhạy cảm với vi rút cúm. Sự tiếp xúc giữa đàn gia cầm với loài thuỷ cầm hoang dại di cư là nguyên nhân của các vụ dịch cúm xảy ra và cũng đóng vai trò quan trọng làm lan truyền dịch.

 Nhìn chung, vi rút cúm gia cầm chỉ gây bệnh ở loài chim và lợn. ở Hồng Kông năm 1997, trường hợp nhiễm vi rút cúm gia cầm trên người đầu tiên được ghi nhận. Nhiễm chủng vi rút cúm A(H5N1) đã gây thể bệnh nhiễm trùng hô hấp nặng ở 18 người, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Hiện tượng này trùng lặp với dịch cúm ở gia cầm do cùng một chủng vi rút cúm gia cầm có khả năng gây bệnh cao ở Hồng Kông.

  Người ta thấy rằng tiếp xúc trực tiếp với các gia cầm nhiễm vi rút còn sống là nguyên nhân dẫn đến nhiễm bệnh cúm gia cầm ở người. Các nghiên cứu về gen cho thấy vi rút đã chuyển trực tiếp từ chim sang người. Sự giảm đáng kể quần thể gia cầm ở Hông Kông được cho là nguyên nhân làm giảm khả năng lây nhiễm trực tiếp sang người và có thể đã làm thay đổi mức độ đại dịch.

1.2. Các giai đoạn đại dịch cúm:

         Theo Tổ chức Y tế thế giới phân chia các giai đoạn đại dịch cúm như sau:   

1.2.1. Các giai đoạn đại dịch cúm

Các giai đoạn dịch

Các hoạt động ứng phó thuộc lĩnh vực sức khoẻ cộng đồng

Giai đoạn tiền đại dịch

 

Giai đoạn 1: Chưa phát hiện phân típ vi rút cúm mới ở người. Phân típ vi rút cúm gây bệnh ở người có thể gây bệnh ở động vật. Ngược lại, nếu vi rút xuất hiện và gây bệnh ở động vật, nguy cơ người bị nhiễm hoặc mắc bệnh là rất nhỏ

Tăng cường kế hoạch chuẩn bị ứng phó với đại dịch ở phạm vi toàn cầu, khu vực, quốc gia, và lãnh thổ.

Giai đoạn 2: Chưa phát hiện phân típ vi rút cúm mới ở người. Tuy nhiên, việc lưu hành vi rút cúm ở động vật dẫn đến nguy cơ nhất định gây bệnh ở người

Giảm thiểu tối đa nguy cơ lây truyền sang người; phát hiện và báo cáo ngay các trường hợp người mắc bệnh nếu có.

Giai đoạn cảnh báo đại dịch

 

Giai đoạn 3: Xuất hiện phân típ mới gây bệnh ở người, nhưng không có lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc gần.

Mô tả nhanh các phân típ vi rút mới, đảm bảo xác định, thông báo và có biện pháp ứng phó với các trường hợp mắc kịp thời.

Giai đoạn 4: Các ổ dịch nhỏ có sự lây nhiễm giới hạn từ người sang người  nhưng có tính chất khu trú địa phương. Vi rút có thể chưa đáp ứng tốt với vật chủ người.

Phòng chống vi rút trong giới hạn ổ dịch hoặc trì hoãn việc lan truyền để có được thời gian và thực hiện biện pháp chuẩn bị ứng phó, bao gồm cả sản xuất vắc xin.

Giai đoạn  5: Xuất hiện các ổ dịch lớn hơn nhưng sự lây truyền từ người sang người vẫn giới hạn khu trú. Vi rút đã trở nên thích ứng tốt hơn với vật chủ người, nhưng chưa đủ để có khả năng lây nhiễm hiệu quả (Nguy cơ trung bình xảy ra đại dịch).

Tăng cường tối đa nỗ lực kiểm soát hoặc trì hoãn sự lan truyền và xảy ra đại dịch, và có thời gian để thực hiện các biện pháp ứng phó đại dịch.

Giai đoạn đại dịch

 

Giai đoạn 6: Đại dịch: Lây truyền duy trì và gia tăng ở cộng đồng.

Hạn chế tối thiểu ảnh hưởng của đại dịch

[...]