Quyết định 5106/QĐ-UBND-CN năm 2011 phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đến năm 2020

Số hiệu 5106/QĐ-UBND-CN
Ngày ban hành 24/11/2011
Ngày có hiệu lực 24/11/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Hồ Đức Phớc
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5106/QĐ-UBND-CN

Nghệ An, ngày 24 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH GIAO THÔNG VẬN TẢI HUYỆN ĐÔ LƯƠNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng; Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 về việc quy hoạch xây dựng; số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 và số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Quyết định số 1590/QĐ-BGTVT ngày 08/7/2011 của Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt Chiến lược phát triển giao thông nông thôn Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030;

Căn cứ Quyết định số 60/2009/QĐ-UBND ngày 30/6/2009 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Nghệ An đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Giao thông vận tải Văn bản số 1823/SGTVT-KHTH ngày 14/11/2011 về việc báo cáo thẩm định Quy hoạch giao thông vận tải huyện Đô Lương đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải với các nội dung như sau:

1. Tên đồ án: Quy hoạch giao thông vận tải huyện Đô Lương đến năm 2020.

2. Chủ đầu tư: UBND huyện Đô Lương.

3. Quan điểm phát triển

- Giao thông vận tải là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cần được ưu tiên đầu tư phát triển tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phục vụ cho việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn của huyện, đảm bảo đạt các tiêu chí quốc gia về giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

- Quy hoạch hệ thống giao thông phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành khác của huyện cũng như của tỉnh.

- Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ huyện Đô Lương phải hợp lý, đảm bảo sự kết nối thuận lợi từ mạng lưới đường bộ địa phương gồm đường tỉnh, đường huyện, đường chuyên dùng, đường xã, đường nội thị đến mạng lưới đường bộ quốc gia (Quốc lộ) nằm trên địa bàn huyện cũng như cân đối với các loại hình giao thông khác (như đường thuỷ, đường sắt), giữa các vùng chuyên canh sản xuất, vùng nguyên liệu với các tụ điểm công nghiệp chế biến, giữa sản xuất - chế biến và tiêu thụ.

- Chú trọng công tác bảo trì, đảm bảo khai thác hiệu quả, bền vững cơ sở hạ tầng giao thông hiện có. Đồng thời đẩy mạnh việc nâng cấp và xây dựng mới các công trình cơ sở hạ tầng giao thông, trước hết là các tuyến đường huyện, đường chuyên dùng, đường xã, các trục giao thông có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội.

- Huy động tối đa mọi nguồn lực phát triển giao thông vận tải trên địa bàn, từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, tiềm năng to lớn của nhân dân, của các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tập trung đầu tư các công trình giao thông có trọng điểm, đúng quy hoạch và phải có giải pháp để tạo nguồn vốn đầu tư phù hợp với điều kiện thực tế, không dàn trải, kéo dài.

- Tổ chức đưa các loại hình vận tải hành khách, hàng hóa và phương tiện vận tải phù hợp với điều kiện địa phương vào hoạt động khai thác, nhằm tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa, hành khách.

- Tích cực đưa khoa học kỹ thuật, vật liệu mới, sử dụng vật liệu tại chỗ, công nghệ thi công đơn giản, dễ thực hiện để đông đảo nhân dân tự quản lý, tự làm có sự hướng dẫn về kỹ thuật.

- Dành quỹ đất hợp lý để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và đảm bảo hành lang an toàn giao thông. Quy hoạch sử dụng đất cho cơ sở hạ tầng giao thông cần có sự thống nhất và phối hợp thực hiện đồng bộ, chặt chẽ giữa các Sở, ban, ngành ở tỉnh cũng như các phòng, ban của huyện.

4. Mục tiêu phát triển

- Có một mạng lưới đường hợp lý, liên hoàn, thông suốt bao gồm các tuyến Quốc lộ 7, Quốc lộ 46, Quốc lộ 15, đường tỉnh 533, đường vào nhà máy xi măng Đô Lương, các tuyến đường quan trọng của tỉnh, các tuyến đường huyện, đường nội thị, đường chuyên dùng, đường xã, đường thôn xóm. Gắn kết hệ thống giao thông của huyện với hệ thống giao thông Quốc gia, của tỉnh, giao thông các huyện lân cận; khai thác tối đa các tuyến Quốc lộ và đường tỉnh.

- Về quy mô: Đưa dần hệ thống đường giao thông nông thôn vào cấp kỹ thuật, đường huyện đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp V, đường xã tối thiểu đạt cấp VI theo TCVN 4054-2005, đoạn qua đô thị theo quy hoạch đô thị. Hệ thống cầu cống trên các tuyến đường huyện, đường xã được xây dựng kiên cố, phù hợp với cấp đường quy hoạch. Đường thôn xóm đạt loại A theo 22 TCN 210-92, trở lên. Phát triển giao thông nội đồng để đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

- Về kết cấu mặt đường:

+ Đến năm 2015: 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa. 100% đường huyện, tối thiểu 70% đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa, tối thiểu 50% đường thôm xóm được cứng hóa.

+ Đến năm 2020: 100% đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa, tối thiểu 70% đường thôm xóm được cứng hóa.

- Đường giao thông nông thôn phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 491/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

[...]