Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 493/QĐ-TLĐ năm 2017 về Quy định thẩm quyền và thủ tục xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 493/QĐ-TLĐ
Ngày ban hành 09/03/2017
Ngày có hiệu lực 09/03/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Bùi Văn Cường
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------

Số: 493/QĐ-TLĐ

Hà Nội, ngày 09 tháng 3 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH THẨM QUYỀN VÀ THỦ TỤC XỬ LÝ KỶ LUẬT TRONG TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN

ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Căn cứ Luật Công đoàn số 12/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Điều lệ Công đoàn Việt Nam;

Căn cứ Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn họp vào ngày 05-01- 2017;

Theo đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định thẩm quyền và thủ tục xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương, công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn, công đoàn các cấp có trách nhiệm thi hành Quyết định./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các đ/c Uỷ viên ĐCT TLĐ;
- Lưu UBKT và VP TLĐ.

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
CHỦ TỊCH




Bùi Văn Cường

 

QUY ĐỊNH

THẨM QUYỀN VÀ THỦ TỤC XỬ LÝ KỶ LUẬT TRONG TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 493/QĐ-TLĐ ngày 09 tháng 3 năm 2017 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng

1- Quy định này quy định thẩm quyền và thủ tục xử lý kỷ luật đối với tổ chức, tập thể ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra, cán bộ công đoàn giữ chức vụ bầu cử hoặc bổ nhiệm vi phạm Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định của công đoàn, các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Trường hợp vi phạm nhưng chưa có trong Quy định này thì căn cứ vào quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để xem xét xử lý kỷ luật cho phù hợp.

2- Cán bộ vi phạm trong quá trình đảm nhiệm, nhưng sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận; nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải tiến hành kỷ luật theo đúng quy định của Công đoàn, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và những nội dung nêu trong Quy định này.

3- Đối với cán bộ công đoàn chuyên trách không giữ chức vụ hoặc giữ chức vụ bổ nhiệm nếu vi phạm kỷ luật thì thực hiện theo Luật Cán bộ công chức hoặc Luật Viên chức.

4- Đối với viên chức (hợp đồng lao động) thuộc các đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế của công đoàn thực hiện theo Luật Viên chức và các quy định của Nhà nước về xử lý kỷ luật.

Điều 2. Nguyên tắc xử lý kỷ luật

1- Tất cả cán bộ đều bình đẳng trước kỷ luật của công đoàn. Cán bộ ở bất cứ cương vị, lĩnh vực công tác nào, nếu vi phạm kỷ luật đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh.

2- Việc thi hành kỷ luật cán bộ vi phạm phải thực hiện đúng nguyên tắc, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của công đoàn. Việc xem xét, xử lý kỷ luật phải khẩn trương, không để chậm trễ, kéo dài, gây khó khăn cho việc kiểm tra, xác minh, kết luận, xử lý. Khi tổ chức công đoàn có thẩm quyền quyết định kỷ luật phải công bố và trao quyết định đó cho đối tượng vi phạm.

Chương II

THẨM QUYỀN XỬ LÝ KỸ LUẬT

[...]