Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Quyết định 4647/QĐ-UBND năm 2023 giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và giải pháp chủ yếu chỉ đạo,điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 do tỉnh Bình Định ban hành

Số hiệu 4647/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/12/2023
Ngày có hiệu lực 14/12/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Phạm Anh Tuấn
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4647/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 14 tháng 12 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

GIAO CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị quyết số 75/NQ-HĐND ngày 06/12/2023 của HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 14 (khóa XIII) về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Phạm Anh Tuấn

 

GIAO CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Quyết định số 4647/QĐ-UBND
ngày 14/12/2023 của UBND tỉnh)

Năm 2024 là năm tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Dự báo trong năm 2024, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng còn nhiều rủi ro, thách thức; lạm phát tuy có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới tăng trưởng thấp; bên cạnh đó, xung đột giữa các nước lớn vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Kế thừa những thành quả đã đạt được năm 2023 và để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh uỷ và HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2024, góp phần thực hiện hoàn thành đạt và vượt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra, các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát là: Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh và huy động tổng hợp các nguồn lực cho đầu tư phát triển, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) khoảng 7,5% - 8%. Trong đó, tập trung triển khai Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi đối với các thành phần kinh tế. Tiếp tục thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; tập trung đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; chú trọng ứng dụng công nghệ số; phát triển giáo dục, đào tạo nhân lực, tạo việc làm; quan tâm công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, các hoạt động văn hoá, thể thao và bảo vệ môi trường; tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2024, với các giải pháp, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và một số nhiệm vụ cụ thể sau đây:

A. VỀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH

- Các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục đổi mới phong cách chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện nhiệm vụ theo hướng “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, địa phương, cơ sở; làm việc cụ thể, thực chất, chủ động theo sát cơ sở; ưu tiên dành thời gian tập trung nghiên cứu đổi mới, đề xuất ý tưởng sáng tạo phát triển kinh tế - xã hội và tập trung giải quyết các nút thắt, điểm nghẽn, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ.

- Toàn bộ hệ thống chính quyền Chuyển đổi tư duy từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ”; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất phát triển kinh tế trong khuôn khổ quy định pháp luật. Quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ để người dân chuyển đổi phương thức sản xuất mới, hiệu quả để vươn lên làm giàu bền vững.

- Các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã bằng hệ thống các chỉ số, chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã được lượng hóa, có liên thông, liên kết theo từng tháng, từng quý, 6 tháng và cả năm. Triển khai thực hiện kịp thời, chất lượng, hiệu quả các Văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, nhất là Chương trình công tác trọng tâm năm 2024 và các nhiệm vụ thường xuyên được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao.

- Các sở, ban, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc được giao; trong đó, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ giải quyết hồ sơ, thủ tục cho người dân, doanh nghiệp nhanh chóng, thấu tình đạt lý và phù hợp theo quy định của Nhà nước.

- Các sở, ban, ngành, địa phương tập trung theo dõi sát, phân tích, dự báo tình hình trong thời gian đến; chủ động xử lý theo thẩm quyền và kịp thời báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh định hướng, chỉ đạo các giải pháp phù hợp trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, phấn đấu đạt kế hoạch của cả năm 2024.

I. VỀ KINH TẾ

Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp khôi phục và đẩy mạnh phát triển kinh tế, phấn đấu mức tăng trưởng GRDP đạt 7,5 - 8,0%, trong đó: Nông, lâm, thuỷ sản tăng 3,2 - 3,6%, Công nghiệp và xây dựng tăng 10,3 - 10,9% (trong đó công nghiệp tăng 9,2 - 9,7%, xây dựng tăng 12,2 - 13,0%), Dịch vụ tăng 7,9 - 8,4%, Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9 - 9,5%. Cụ thể như sau:

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản

- Tập trung chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách, đề án, dự án, kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025.

- Duy trì phát triển toàn diện sản xuất nông, lâm, thủy sản; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và triển khai sản xuất các vụ trong năm 2024 đạt hiệu quả, phù hợp với điều kiện nguồn nước tưới, sử dụng cơ cấu cây trồng, vật nuôi chất lượng, hiệu quả; tăng cường chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây giống cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với chế biến, bảo quản, thị trường tiêu thụ và an toàn dịch bệnh; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm, đảm bảo an toàn thực phẩm; kêu gọi đầu tư, xây dựng các Nhà máy chế biến gia súc, gia cầm, thực phẩm, nông sản, lâm sản, thủy sản,…

- Tiếp tục thực hiện các dự án trồng rừng theo kế hoạch. Khuyến khích trồng rừng kinh tế theo mô hình kinh doanh cây gỗ lớn và thường xuyên tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng.

[...]