Quyết định 445/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 445/QĐ-TTg
Ngày ban hành 07/04/2010
Ngày có hiệu lực 07/04/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 445/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 07 tháng 04 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ CHỐNG THAM NHŨNG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Quyết định số 950/2009/QĐ-CTN ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng;
Căn cứ Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Tổng Thanh tra,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích: nhằm xác định nội dung, lộ trình nội luật hóa các quy định của Công ước, góp phần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng; làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành hoặc việc thực hiện các giải pháp về phòng, chống tham nhũng; triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Công ước phù hợp với các nguyên tắc Hiến pháp, pháp luật và điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam.

2. Yêu cầu: quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch phải chủ động, kịp thời, đồng bộ, có lộ trình cụ thể, phù hợp với Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC

1. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tham nhũng và nội dung Công ước

- Việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng và Công ước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, gắn với việc tuyên truyền nội dung và kết quả triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.

- Xây dựng Đề án tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về pháp luật phòng, chống tham nhũng và những nội dung cơ bản của Công ước. Trong Đề án phải thể hiện rõ mục tiêu, nội dung, hình thức, phương thức tuyên truyền, phổ biến; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tuyên truyền.

2. Nội luật hóa các quy định để đáp ứng yêu cầu của Công ước

Pháp luật của Việt Nam về cơ bản đã phù hợp với nội dung của Công ước, nhưng còn thiếu cụ thể và chưa đồng bộ. Trong Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, Chính phủ đã có kế hoạch sửa đổi, bổ sung, ban hành mới dự án luật, nghị định, thông tư, quyết định …Tuy nhiên để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Công ước, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật ở các nội dung sau:

a) Các biện pháp phòng ngừa

- Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định về tổ chức, hoạt động của các cơ quan phòng, chống tham nhũng chuyên trách, tăng cường tính độc lập cần thiết cho các cơ quan phòng, chống tham nhũng để chủ động thực hiện tốt các chức năng phòng, chống tham nhũng và sự phối hợp trong công tác này;

- Tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý hành chính công, trong hoạt động tổ chức thực hiện chức năng và quá trình ra quyết định của cơ quan nhà nước liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân; đơn giản hóa thủ tục hành chính; thông tin, báo cáo định kỳ về tình hình tham nhũng và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan hành chính nhà nước;

Hoàn thiện cơ chế, quy định về công khai, minh bạch, kiểm tra, giám sát về thực hiện mua sắm công nhằm minh bạch, cạnh tranh và khách quan trong khâu thẩm định, ra quyết định để phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả.

- Hoàn thiện quy định về cơ chế đảm bảo các tổ chức tài chính, tín dụng ngân hàng đáp ứng yêu cầu giám sát, kiểm tra, điều tra thích hợp và thực hiện các quy định về bí mật ngân hàng; tăng cường hoạt động thu thập thông tin tài chính, kiểm soát giao dịch tài chính đáng ngờ, chống rửa tiền;

- Hoàn thiện quy định về tuyển dụng, sử dụng, đề bạt, trả lương, hưu trí công bằng và quản lý, đào tạo, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức; cung cấp các điều kiện, trang bị phương tiện vật chất và có chương trình đào tạo cho cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; quy định khen thưởng với người có thành tích trong phòng, chống tham nhũng và người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng; hoàn thiện quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức theo lĩnh vực và ngành nghề;

- Hoàn thiện chuẩn mực kiểm toán Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện kinh tế của Việt Nam; minh bạch sổ sách, chứng từ, báo cáo tài chính và kiểm soát phòng ngừa hành vi giả mạo; hoàn thiện quy định về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức;

- Nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá, đo lường tham nhũng và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; công khai kết quả đánh giá thực trạng tham nhũng và kết quả thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Việt Nam.

b) Bổ sung tội danh tham nhũng và thực thi pháp luật

- Nghiên cứu, đề xuất xử lý bằng biện pháp hình sự đối với hành vi đưa và nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác có liên quan đến công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế vì mục đích vụ lợi và một số hành vi tham nhũng được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng;

- Nghiên cứu, đề xuất điều kiện áp dụng: bổ sung hành vi tham nhũng trong khu vực tư về tội danh đưa, nhận hối lộ và tham ô tài sản trong khu vực tư; bổ sung quy định pháp nhân là chủ thể của hành vi tham nhũng; hành vi làm giàu bất hợp pháp của công chức nếu có tài sản tăng lên đáng kể so với thu nhập hợp pháp;

- Nghiên cứu, đề xuất việc cụ thể hóa và hoàn thiện quy định về bảo vệ nhân chứng, chuyên gia và nạn nhân là người đã cung cấp lời khai, cung cấp thông tin liên quan đến tố giác tham nhũng; quy định về sự hợp tác quốc tế về bảo vệ nhân chứng.

c) Hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng

[...]