Quyết định 950/2009/QĐ-CTN phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng do Chủ tịch nước ban hành

Số hiệu 950/2009/QĐ-CTN
Ngày ban hành 30/06/2009
Ngày có hiệu lực 30/06/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Chủ tịch nước
Người ký Nguyễn Minh Triết
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHỦ TỊCH NƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 950/2009/QĐ-CTN

Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ CHỐNG THAM NHŨNG

CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 103 và Điều 106 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10;
Căn cứ vào Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005;
Xét đề nghị của Chính phủ tại Tờ trình số 104/TTr-CP ngày 10/6/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo lưu khoản 2, Điều 66 Công ước này.

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có bản tuyên bố kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có trách nhiệm làm thủ tục đối ngoại về việc Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê chuẩn Công ước nói trên và thông báo cho các cơ quan hữu quan ngày có hiệu lực của Công ước.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Bộ Ngoại giao;
- Chủ nhiệm VPCTN;
- Lưu VT, Vụ PL.

CHỦ TỊCH
NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM




Nguyễn Minh Triết

 

TUYÊN BỐ CỦA CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

(Kèm theo Quyết định số 950/2009/QĐ-CTN ngày 30 thàng 6 năm 2009 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam)

- Phù hợp với nguyên tắc của pháp luật Việt Nam, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố không bị ràng buộc bởi các quy định về hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp (Điều 20, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng) và quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân (Điều 26 của Công ước trên).

- Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố không áp dụng trực tiếp các quy định của Công ước trên; việc thực hiện các quy định của Công ước trên sẽ theo nguyên tắc Hiến pháp và pháp luật thực định của Việt Nam, trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương với nước khác và nguyên tắc có đi có lại.

- Căn cứ Điều 44 của Công ước trên, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố không coi Công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp về dẫn độ; Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện dẫn độ theo quy định của pháp luật Việt Nam, trên cơ sở các hiệp định về dẫn độ và nguyên tắc có đi có lại.

 

CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC

VỀ CHỐNG THAM NHŨNG

Lời nói đầu

Các Quốc gia thành viên Công ước này,

Lo ngại về tính nghiêm trọng của các vấn đề cũng như những mối đe dọa do tham nhũng gây ra đối với sự ổn định và an ninh xã hội, xói mòn các thể chế và các giá trị dân chủ, các giá trị đạo đức, công lý và gây tổn hại đến sự phát triển bền vững và chế độ,

Cũng lo ngại về sự liên kết giữa tham nhũng với các loại tội phạm khác, đặc biệt là tội phạm có tổ chức và tội phạm kinh tế, kể cả tẩy rửa tiền,

Lo ngại thêm về các vụ tham nhũng liên quan đến số lượng lớn tài sản mà những tài sản này đóng một phần quan trọng nguồn lực của các quốc gia, và rằng các vụ tham nhũng này sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ổn định chính trị và phát triển bền vững của các nước đó,

Tin tưởng cho rằng không còn là một vấn đề, tham nhũng là hiện tượng hiện đang vượt qua các biên giới quốc gia và ảnh hưởng đến mọi xã hội và nền kinh tế, nên hợp tác quốc tế nhằm ngăn ngừa và kiểm soát tham nhũng là yêu cầu cấp thiết,

[...]