THỦ TƯỚNG
CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 442/QĐ-TTg
|
Hà Nội ngày 22
tháng 5 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG
CẢNG BIỂN VIỆT NAM THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức
Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm
2015;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có
liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội
về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về
quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập
và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;
Căn cứ Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Quốc
hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính
phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch
và Nghị định số 56/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6
năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
liên quan đến lĩnh vực giao thông vận
tải trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của 37 luật có liên quan đến quy hoạch;
Theo đề nghị của Bộ Giao
thông vận tải tại Tờ trình số 4783/TTr-BGTVT ngày 06 tháng 5 năm 2024 về việc
phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam
thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày
22 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát
triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
như sau:
1. Sửa đổi
gạch đầu dòng thứ nhất và thứ hai mục I.2a Điều 1 như sau:
“- Về năng lực: đáp ứng
nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, giao thương giữa các vùng, miền trong cả nước
và hàng trung chuyển, quá cảnh cho các nước trong khu vực cũng như nhu cầu vận
tải hành khách nội địa và quốc tế. Hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng
hàng hóa từ 1.249 đến 1.494 triệu tấn (trong đó hàng container từ 46,3 đến 54,3
triệu TEU, chưa bao gồm hàng trung chuyển quốc tế); hành khách từ 17,4 đến 18,8
triệu lượt khách.
- Về kết cấu hạ tầng: ưu tiên
phát triển các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép -
Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), xây dựng khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
(cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - Thành phố Hồ Chí Minh). Nghiên cứu cơ chế
chính sách phù hợp phát triển từng bước cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong
(Khánh Hòa) để khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý. Quy
hoạch định hướng phát triển bến cảng Trần Đề (Sóc Trăng) phục vụ đồng bằng sông
Cửu Long để có thể triển khai đầu tư khi có đủ điều kiện; các cảng biển quy mô
lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng; các bến cảng
khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; các bến cảng quy mô
lớn phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp; các bến cảng tại các huyện đảo phục
vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển đảo.”.
2. Sửa đổi
gạch đầu dòng thứ hai mục I.2b Điều 1 như sau:
“- Năng lực hệ thống cảng
biển đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng
từ 4,2 đến 4,8%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,2 đến 1,3
%/năm.”.
3. Sửa đổi,
bổ sung gạch đầu dòng thứ hai mục II.2 Điều 1 như sau:
“- Cảng biển loại I (15 cảng
biển): cảng biển Quảng Ninh, cảng biển Thanh Hóa, cảng biển Nghệ An, cảng biển
Hà Tĩnh, cảng biển Thừa Thiên Huế, cảng biển Đà Nẵng, cảng biển Quảng Nam, cảng
biển Quảng Ngãi, cảng biển Bình Định, cảng biển Khánh Hòa, cảng biển Thành phố
Hồ Chi Minh, cảng biển Đồng Nai, cảng biển Cần Thơ, cảng biển Long An, cảng biển
Trà Vinh. Các cảng biển Thanh Hóa, cảng biển Đà Nẵng, cảng biển Khánh Hòa, cảng
biển Thành phố Hồ Chí Minh quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt.”.
4. Sửa đổi,
bổ sung mục II.4 Điều 1 như
sau:
“a) Nhóm cảng biển số 1 Đến năm
2030 hàng hóa thông qua từ 322 đến 384 triệu tấn (hàng container từ 13 đến 16
triệu TEU); hành khách từ 281 đến 302 nghìn lượt khách.
Tầm nhìn đến năm 2050: đáp ứng
nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 5,0 đến
5,3 %/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,5 đến 1,6%/năm. Hoàn
thành đầu tư khu bến cảng Lạch Huyện, Cái Lân và di dời các bến cảng trên sông
Cấm phù hợp với quy hoạch phát triển thành phố Hải Phòng; đầu tư phát triển các
bến cảng tại khu bến Nam Đồ Sơn - Văn Úc, Cẩm Phả, Hải Hà.
b) Nhóm cảng biển số 2
Đến năm 2030 hàng hóa thông qua
từ 182 đến 251 triệu tấn (hàng container từ 0,4 đến 0,6 triệu TEU); hành khách
từ 374 đến 401 nghìn lượt khách.
Tầm nhìn đến năm 2050: đáp ứng
nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,6 đến
4,5%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 0,4 đến 0,5%/năm. Hoàn thiện
đầu tư, phát triển cụm cảng Nghi Sơn - Đông Hồi, Vũng Áng và Sơn Dương - Hòn
La.
c) Nhóm cảng biển số 3
Đến năm 2030 hàng hóa thông qua
từ 160 đến 187 triệu tấn (hàng container đạt từ 2,5 đến 3,1 triệu TEU, chưa bao
gồm hàng trung chuyển quốc tế); hành khách từ 3,4 đến 3,9 triệu lượt khách.
Tầm nhìn đến năm 2050: đáp ứng
nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4,5 đến
5,5 %/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,7 đến 1,8%/năm. Hoàn
thành đầu tư toàn bộ khu bến cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) và hình thành cảng phục
vụ hàng hóa trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (Khánh Hòa).
d) Nhóm cảng biển số 4
Đến năm 2030 hàng hóa thông qua
từ 500 đến 564 triệu tấn (hàng container từ 29 đến 33 triệu TEU, chưa bao gồm
hàng trung chuyển quốc tế); hành khách từ 2,8 đến 3,1 triệu lượt khách.
Tầm nhìn đến năm 2050: đáp ứng
nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,5 đến
3,8 %/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 0,9 đến 1,0 %/năm. Hoàn
thành đầu tư các bến cảng Cái Mép Hạ, tiếp tục đầu tư khu bến cảng trung chuyển
quốc tế Cần Giờ Thành phố Hồ Chí Minh để hình thành cụm cảng trung chuyển quốc
tế quy mô lớn có tầm cỡ khu vực Châu Á và quốc tế tại cửa sông Cái Mép (bao gồm
khu bến Cái Mép và Cần Giờ), hoàn thành công tác di dời các bến cảng trên sông
Sài Gòn và tiếp tục nghiên cứu di dời các khu bến khác phù hợp với phát triển
không gian đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.
đ) Nhóm cảng biển số 5
Đến năm 2030 hàng hóa thông qua
từ 86 đến 108 triệu tấn (hàng container từ 1,3 đến 1,8 triệu TEU); hành khách từ
10,5 đến 11,2 triệu lượt khách.
Tầm nhìn đến năm 2050: đáp ứng
nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 5,5 đến
6,1%; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,1 đến 1,25%. Hình thành cảng
cửa ngõ khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
(Quy mô kết cấu hạ tầng
các cảng biển, khu bến cảng đến năm 2030 chi tiết tại Phụ lục kèm theo Quyết định
này).”.
5. Sửa đổi,
bổ sung mục III Điều 1 như sau:
“Tổng nhu cầu sử dụng đất
theo quy hoạch đến 2030 khoảng 33.600 ha và tổng nhu cầu sử dụng mặt nước phát triển
hệ thống cảng biển theo quy hoạch đến 2030 khoảng 606.000 ha (chưa bao gồm diện
tích vùng đất, vùng nước của khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ).”.
6. Sửa đổi,
bổ sung mục V Điều 1 như sau:
“Nhu cầu vốn đầu tư các bến
cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa thuộc hệ thống cảng biển đến năm 2030
khoảng 313.000 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng
hóa, chưa bao gồm vốn đầu tư khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ) được
huy động chủ yếu từ nguồn vốn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn
hợp pháp khác. Nguồn vốn ngân sách nhà nước tập trung cho hạ tầng hàng hải công
cộng; khu vực trọng điểm, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư.”.
7. Sửa đổi,
bổ sung mục VI.2 Điều 1 như
sau:
“Đầu tư các bến tiếp theo
thuộc khu bến Lạch Huyện; bến khởi động khu bến Nam Đồ Sơn (Hải Phòng);
các bến tại khu bến Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu);
khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh); các bến cảng
chính thuộc cảng biển loại I; các bến khách quốc tế gắn với các vùng động lực
phát triển du lịch; các bến cảng quy mô lớn gắn trung tâm điện lực than, khí,
xăng dầu, luyện kim; các bến phục vụ khu kinh tế ven biển; kêu gọi đầu tư các bến
cảng tại các cảng biển tiềm năng Vân Phong và Trần Đề.”.
8. Sửa đổi, bổ sung một số nội
dung về “Quy mô kết cấu hạ tầng các cảng biển, khu bến cảng và kết cấu hạ tầng
hàng hải công cộng” tại Phụ lục kèm theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng
Chính phủ: chi tiết tại Phụ lục kèm theo Quyết định này.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Bộ
trưởng Bộ Giao thông vận tải; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương; Thủ trưởng các ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Cục Hàng hải Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, CN (2b).
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Trần Hồng Hà
|
PHỤ LỤC
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ “QUY MÔ KẾT CẤU HẠ TẦNG
CÁC CẢNG BIỂN, KHU BẾN CẢNG VÀ KẾT CẤU HẠ TẦNG HÀNG HẢI CÔNG CỘNG”
(Kèm theo Quyết định số /QĐ-TTg
ngày tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)
1. Sửa đổi,
bổ sung mục I.3b như sau:
“- Phạm vi quy hoạch:
vùng đất và vùng nước khu vực cửa Trà Lý.
- Chức năng: phục vụ trực tiếp
các cơ sở công nghiệp, đóng sửa tàu biển và dịch vụ ven sông trong khu kinh tế
Thái Bình; có bến tổng hợp, hàng rời, container, hàng lỏng/khí phục vụ Trung
tâm Điện - Khí LNG Thái Bình phù hợp với Quy hoạch tổng thể về năng lượng và
Quy hoạch phát triển điện lực.
- Cỡ tàu: tàu tổng hợp, hàng rời,
container trọng tải đến 2.000 tấn hoặc đến 5.000 tấn nếu đủ điều kiện; tàu hàng
lỏng/khí đến 150.000 tấn.”.
2. Sửa đổi,
bổ sung mục II.2c như sau:
“- Phạm vi quy hoạch: vùng
đất và vùng nước khu vực từ mũi Đông Hồi (giáp tỉnh Thanh Hóa) đến phía Bắc mũi
Đầu Rồng (núi Cháy).
- Chức năng: phục vụ phát triển
kinh tế - xã hội liên vùng; có bến tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí. Phát triển
với lộ trình thích hợp, kết hợp với khu bến Nghi Sơn để hình thành cụm cảng
Nghi Sơn - Đông Hồi. Trước mắt tập trung đầu tư xây dựng các bến cảng phục vụ
trực tiếp các cơ sở công nghiệp tại Đông Hồi, các khu công nghiệp khác vùng Bắc,
Tây Bắc Nghệ An và phụ cận.
- Cỡ tàu: tàu hàng rời, tổng hợp
trọng tải 50.000 đến 70.000 tấn; tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn.”.
3. Bổ sung
mục II.4.đ như sau:
“đ) Bến cảng và khu neo
chuyển tải phục vụ khai thác khoáng sản tại huyện Lệ Thủy được phát triển phù hợp
với điều kiện tại khu vực và năng lực nhà đầu tư.”.
4. Sửa đổi,
bổ sung mục II.6a như sau:
“- Phạm vi quy hoạch:
vùng đất và vùng nước vịnh Chân Mây (trong khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô).
- Chức năng: phục vụ trực tiếp
khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Đông Bắc Vương Quốc Thái Lan; có các bến tổng hợp,
container, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế.
- Cỡ tàu: tàu tổng hợp, hàng rời
trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000 TEU hoặc lớn hơn khi
đủ điều kiện; tàu khách quốc tế đến 225.000 GT; tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến
150.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện và phù hợp với các quy hoạch về điện,
năng lượng quốc gia.”.
5. Sửa đổi
mục II.6c như sau:
“- Phạm vi quy hoạch:
vùng đất và vùng nước ven biển tại huyện Phong Điền.
- Chức năng: phục vụ nhà máy xi
măng, khu công nghiệp huyện Phong Điền và vùng phụ cận; có bến tổng hợp, hàng rời,
hàng lỏng/khí.
- Quy mô cỡ tàu: tàu tổng hợp,
hàng rời trọng tải đến 50.000 tấn; tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn
hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.”.
6. Sửa đổi,
bổ sung mục III.6a như sau:
“- Phạm vi quy hoạch:
vùng đất và vùng nước phía Bắc vịnh Vân Phong.
- Chức năng: phục vụ phát triển
kinh tế - xã hội liên vùng; tiềm năng phát triển thành cảng trung chuyển quốc tế;
có bến container, tổng hợp, hàng rời, bến cảng khách quốc tế.
- Cỡ tàu: tàu container trọng tải
đến 24.000 TEU (250.000 tấn), tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn
hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện; tàu khách quốc tế đến 225.000 GT.”.
7. Sửa đổi,
bổ sung mục III.8a như sau:
“- Phạm vi quy hoạch:
vùng đất và vùng nước thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong.
- Chức năng: phục vụ trực tiếp
trung tâm điện lực Vĩnh Tân, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận và một
phần hàng hóa khu vực Tây Nguyên; có bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng.
- Cỡ tàu: trọng tải đến 100.000
tấn.”.
8. Sửa đổi,
bổ sung mục III.8c như sau:
“- Bến cảng Kê Gà: Phạm
vi quy hoạch vùng nước ngoài khơi Kê Gà. Chức năng phục vụ nhà máy điện khí LNG
Kê Gà phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực. Cỡ tàu phát triển phù hợp theo
nhu cầu và năng lực nhà đầu tư.
- Bến cảng Tuy Phong: Phạm vi
quy hoạch tại vùng đất, vùng nước huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Chức năng
phục vụ nhu cầu kho xăng dầu, LPG Hòa Phú. Cỡ tàu trọng tải đến 20.000 tấn hoặc
lớn hơn khi đủ điều kiện.
- Các bến ngoài khơi (các mỏ: Hồng
Ngọc, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Thăng Long - Đông Đô) là các bến dầu khí được phát
triển phù hợp với nhu cầu hoạt động khai thác mỏ.
- Bến Phan Thiết, Phú Quý phục
vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương và tuyến từ bờ ra đảo, tiếp nhận tàu
khách, tàu hàng trọng tải đến 5.000 tấn.”.
9. Sửa đổi,
bổ sung mục IV.1a như sau:
“- Phạm vi quy hoạch:
vùng đất và vùng nước trên sông Đồng Nai, đoạn từ ngã ba rạch Ông Nhiêu đến thượng
lưu ngã ba mũi Đèn Đỏ.
- Chức năng: phục vụ phát triển
kinh tế - xã hội khu vực phía Nam, liên vùng, cả nước và trung chuyển hàng cho
Vương quốc Cam pu chia; có bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng; khai thác
với quy mô hiện hữu, không mở rộng, nâng cấp.
- Cỡ tàu: trọng tải 30.000 tấn
đến 45.000 tấn giảm tải phù hợp với điều kiện khai thác của các tuyến luồng
hàng hải và tĩnh không thông thuyền của công trình vượt sông.”.
10. Bổ
sung mục IV.1đ1 như sau:
“đ1) Khu bến cảng trung
chuyển quốc tế Cần Giờ
- Phạm vi quy hoạch: vùng đất
và vùng nước tại cửa sông Cái Mép (bên trái luồng Vũng Tàu - Thị Vải).
- Chức năng: trung chuyển
container quốc tế, phát triển phù hợp với khả năng thu hút nguồn hàng trung
chuyển container quốc tế, kết hợp với khu bến Cái Mép để hình thành cụm cảng
trung chuyển quốc tế có quy mô lớn tại cửa sông Cái Mép phục vụ trung chuyển
hàng hóa cho các cảng biển trong cả nước và các nước trong khu vực.
- Cỡ tàu: trọng tải đến 24.000
TEU (250.000 tấn) hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.”.
11. Sửa đổi,
bổ sung mục IV.2g như sau:
“- Phạm vi quy hoạch:
vùng đất và vùng nước khu vực Bến Đầm.
- Chức năng: đầu mối giao lưu với
đất liền và phát triển kinh tế - xã hội huyện đảo, có bến tổng hợp, hàng lỏng, bến
khách, bến du thuyền, bến phục vụ quốc phòng - an ninh.
- Cỡ tàu: trọng tải 2.000 ÷
5.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện; phát triển bến khách quốc tế phù hợp với
quy hoạch xây dựng huyện đảo.”.
12. Sửa đổi,
bổ sung mục IV.3c như sau:
“- Phạm vi quy hoạch:
vùng đất và vùng nước bên phải tuyến luồng Đồng Nai (phía hạ lưu cầu Đồng Nai).
- Chức năng: vệ tinh, đầu mối
gom hàng cho các cảng biển trong khu vực và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
địa phương, có bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí.
- Cỡ tàu: trọng tải đến 5.000 tấn.”.
13. Sửa đổi,
bổ sung mục IV.5b như sau:
“- Phạm vi quy hoạch:
vùng đất và vùng nước trên sông Vàm Cỏ, đoạn từ ngã ba sông Soài Rạp đến hạ lưu
cầu Mỹ Lợi.
- Chức năng: phục vụ trực tiếp
nhu cầu cho khu công nghiệp, có bến cảng tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí.
- Cỡ tàu: trọng tải đến 20.000
tấn phù hợp với điều kiện khai thác của tuyến luồng sông Vàm Cỏ.”.
14. Sửa đổi,
bổ sung mục V.1c như sau:
“- Phạm vi quy hoạch:
vùng đất và vùng nước bên trái luồng Định An - Cần Thơ đoạn từ hạ lưu cầu Cần
Thơ đến rạch Cái Cui.
- Chức năng: phục vụ phát triển
kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long kết hợp tiếp chuyển hàng cho
Vương quốc Cam pu chia theo tuyến sông Hậu; có bến tổng hợp, container, hàng lỏng/khí,
bến khách.
- Cỡ tàu: trọng tải đến 20.000
tấn.”.
15. Sửa đổi,
bổ sung mục V.12e như sau:
“- Chức năng: phục vụ
phát triển kinh tế - xã hội thành phố Phú Quốc; có bến tổng hợp, hàng lỏng/khí,
bến khách, phà biển, bến du thuyền.
- Cỡ tàu: trọng tải đến 3.000 tấn.”.