Quyết định 44/2007/QĐ-UBND về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 16/2007/NQ-CP và Chương trình hành động 12-CTr/TU về chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới do tỉnh Tây Ninh ban hành

Số hiệu 44/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 17/12/2007
Ngày có hiệu lực 27/12/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tây Ninh
Người ký Võ Hùng Việt
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 44/2007/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 17 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA UBND TỈNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 16/2007/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VÀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 12-CTR/TU CỦA TỈNH ỦY TÂY NINH VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH LỚN ĐỂ NỀN KINH TẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG KHI VIỆT NAM LÀ THÀNH VIÊN CỦA TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới;

Căn cứ Chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Tỉnh ủy Tây Ninh về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch tại Tờ trình số 957/TTr-STMDL ngày 30 tháng 11 năm 2007.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình hành động số 12-CTr/TU của Tỉnh ủy Tây Ninh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Hùng Việt

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 16/2007/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VÀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 12-CTR/TU CỦA TỈNH ỦY TÂY NINH VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH LỚN ĐỂ NỀN KINH TẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG KHI VIỆT NAM LÀ THÀNH VIÊN CỦA TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 44 /2007/QĐ-UBND ngày 17 tháng 12 năm 2007 của UBND tỉnh Tây Ninh)

I. CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC

1. Cơ hội

a) Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (gọi tắt là WTO), cả nước nói chung và Tây Ninh nói riêng sẽ có nhiều cơ hội và tác động tích cực nhất định tới sự phát triển kinh tế - xã hội, làm tăng xuất khẩu một số sản phẩm nông nghiệp, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng đầu tư vốn và công nghệ vào sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu, thị trường cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các ngành kinh tế; thúc đẩy các doanh nghiệp, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Quá trình mở rộng kinh tế thị trường ngày càng hoàn thiện, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thuận lợi, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư của nhiều thành phần kinh tế sẽ thu hút được nhiều nguồn vốn từ nước ngoài vào các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau của tỉnh.

b) Tây Ninh nằm giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Phnôm Pênh trên tuyến giao thông Xuyên Á, có 240 km đường biên giới giáp Vương quốc Campuchia, với hai cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát và hệ thống các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ là cơ hội để tổ chức khai thác thị trường Campuchia, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu với Campuchia và các nước trong khối ASEAN bằng đường bộ.

c) Là tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, và Bình Phước; đất đai bằng phẳng, ít thiên tai, giao thông đường bộ và đường thủy thuận lợi cho phát triển kinh tế; đã hình thành ổn định vùng chuyên canh cây công nghiệp.

d) Tây Ninh có nhiều thế mạnh di tích lịch sử và văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, các công trình kỹ thuật như: Căn cứ Trung ương cục Miền Nam, Núi Bà Đen, Tòa Thánh, Hồ nước Dầu Tiếng, Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát… Đây là nguồn tài nguyên dồi dào để phát triển du lịch.

2. Thách thức

a) Xuất phát điểm của Tây Ninh khi bước vào hội nhập còn thấp; kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá nhưng chưa bền vững. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp còn chậm và gắn kết với thị trường chưa cao. Khu vực nông thôn và lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chịu nhiều sức ép về giá cả đầu vào, đầu ra và còn chậm phát triển, các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh mới chỉ dừng lại ở sản phẩm thô, sức cạnh tranh thấp. Năng suất và thu nhập của phần lớn lao động nông thôn còn thấp.

b) Sản xuất công nghiệp chưa thu hút được các ngành có công nghệ cao, trình độ và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh nhìn chung còn thấp .

c) Lĩnh vực thương mại, dịch vụ chưa phát triển, chất lượng dịch vụ chưa cao dẫn đến khả năng cạnh tranh thấp. Công tác xúc tiến thương mại - du lịch, hình thành hiệp hội, xây dựng thương hiệu…chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa. Mặt khác, phần lớn doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến việc quảng bá hình ảnh sản phẩm, thương hiệu hàng hóa của mình. Trong lĩnh vực đầu tư, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài chưa tương xứng với tiềm năng; vốn viện trợ và vay ưu đãi nước ngoài còn nhỏ bé.

d) Trong lĩnh vực lao động, do phải sắp xếp lại sản xuất, một bộ phận lao động trước mắt sẽ bị mất việc làm và cần có công việc mới. Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, gia nhập WTO sẽ góp phần thúc đẩy tốc độ dịch chuyển lao động từ các vùng nông thôn đến thị xã, thị trấn, các khu công nghiệp, sức ép về việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cũng tăng thêm.

e) Về mặt quản lý nhà nước, việc Việt Nam trở thành thành viên WTO đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước nhiều nhiệm vụ nặng nề trong việc cải cách hành chính, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong điều kiện mới; tư duy của một bộ phận công chức, doanh nghiệp, nhân dân chậm đổi mới, thiếu sáng tạo, chưa chủ động, năng động để theo kịp yêu cầu phát triển trong tình hình mới; so với thực tế cán bộ tư pháp, các chuyên gia tư vấn pháp luật, đội ngũ luật sư trong tỉnh còn hạn chế về năng lực, chưa đáp ứng yêu cầu tham gia trên lĩnh vực pháp luật quốc tế.

[...]