Quyết định 14/2008/QĐ-UBND chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An thực hiện Nghị quyết 16/2007/NQ-CP về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới

Số hiệu 14/2008/QĐ-UBND
Ngày ban hành 02/04/2008
Ngày có hiệu lực 12/04/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Long An
Người ký Đỗ Hoàng Việt
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2008/QĐ-UBND

Tân An, ngày 02 tháng 4 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA UBND TỈNH LONG AN THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 16/2007/NQ-CP NGÀY 27/02/2007 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH LỚN ĐỂ NỀN KINH TẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG KHI VIỆT NAM LÀ THÀNH VIÊN CỦA TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết 16/2007/NQ-CP của Chính phủ ngày 27/02/2007 về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới;

Căn cứ kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại văn bản số 156-KL/TU ngày 07/01/2008 về Chương trình hành động của UBND tỉnh Long An thực hiện Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ngày 27/02/2007 của Chính phủ;

Theo đề nghị của Sở Thương mại và Du lịch - Thường trực Ban Hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh tại văn bản số 286/STMDL-KHTH ngày 27/3/2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của UBND tỉnh Long An thực hiện Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ngày 27/02/2007 của Chính phủ về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Điều 2. Giao Sở Thương mại và Du lịch-Thường trực Ban Hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở Ban ngành Đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Công Thương;
- Cục kiểm tra VBQPPL-Bộ Tư pháp;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- Như Điều 4;
- Phòng NCTH;
- Lưu: VT, STMDL.H.

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Hoàng Việt

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA UBND TỈNH LONG AN

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 16/2007/NQ-CP NGÀY 27/02/2007 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH LỚN ĐỂ NỀN KINH TẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG KHI VIỆT NAM LÀ THÀNH VIÊN CỦA TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 14 /2008/QĐ-UBND ngày 02 tháng 4 năm 2008 của UBND tỉnh Long An)

Thực hiện Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ngày 27/02/2007 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 30/7/2007 của Tỉnh ủy về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X (tại Hội nghị lần thứ 4); UBND tỉnh Long An ban hành Chương trình hành động với những nội dung như sau:

I. MỘT SỐ THUẬN LỢI, CƠ HỘI VÀ KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC CHỦ YẾU ĐỐI VỚI LONG AN KHI VIỆT NAM LÀ THÀNH VIÊN CỦA WTO.

1. Thuận lợi, cơ hội.

a) Long An có lợi thế tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh-là một trong những trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học kỹ thuật của cả nước, là thành viên của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Vùng KTTĐPN) và Vùng đồng bằng sông Cửu Long (Vùng ĐBSCL); có một số tuyến đường giao thông huyết mạch của quốc gia đã và đang mở ra đi qua địa bàn Long An, có 2 sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây nổi tiếng, có cửa sông Soài Rạp hướng ra biển Đông, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc phát huy tối đa tiềm năng đất đai, lao động và lợi thế về vị trí địa lý để có thể hội nhập nhanh hơn, sâu rộng hơn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng, khu vực và cả nước.

b) Long An có đường biên giới giáp với Campuchia khá dài (137,7 km), có 5 huyện giáp với tỉnh Svây Riêng-Campuchia, có 2 cửa khẩu quốc gia là Bình Hiệp, Mỹ Quý Tây và 3 cửa khẩu phụ là cơ hội để phát triển hoạt động biên mậu, tổ chức khai thác tốt thị trường Campuchia.

c) Long An có nguồn tiềm năng với hệ sinh thái vùng Đồng Tháp Mười, đa dạng và phong phú về chủng loại động vật và thực vật, có nhiều di sản văn hóa cấp quốc gia tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái và nhân văn, đặc biệt là Khu di tích lịch sử cách mạng Bình Thành (huyện Đức Huệ), Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen được thế giới công nhận (huyện Tân Hưng), Khu du lịch sinh thái làng nổi Tân Lập và Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười (huyện Mộc Hóa), Đồn Rạch Cát (huyện Cần Đước-là một di tích kiến trúc quân sự của Pháp ở vùng Đông Nam Á), Lễ hội Làm Chay (huyện Châu Thành), Di tích lịch sử Vàm Nhật Tảo (huyện Tân Trụ),.v.v...

d) Những thành quả từ việc thực hiện 4 chương trình trọng điểm của tỉnh (chương trình Phát huy mọi nguồn lực đầu tư vào vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh; chương trình Dân sinh vùng lũ; chương trình Giải quyết việc làm, giảm nghèo và chương trình Đào tạo và phát huy nguồn nhân lực) có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, hình thành các khu-cụm công nghiệp, thu hút mạnh các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tính đến cuối quý I năm 2008, toàn tỉnh có 16 khu công nghiệp với tổng diện tích 6.907 ha, và 46 cụm công nghiệp với tổng diện tích 6.960 ha; thu hút được 209 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đầu tư 2.028 triệu USD (kể cả các trường hợp điều chỉnh tăng vốn); đã có 3.636 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 20.180 tỷ đồng (kể cả các trường hợp điều chỉnh tăng vốn). Tăng trưởng kinh tế năm 2007 đạt 13,5%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch khá nhanh: khu vực I năm 2000 chiếm 48,06%, đến năm 2007 là 36,4%, khu vực II tăng tương ứng là 33,7% và khu vực III là 29,9%.

e) Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp tỉnh có thêm cơ hội thu hút đầu tư, phát triển thị trường xuất khẩu và có điều kiện soát xét lại thể chế đổi mới đồng bộ hơn trên địa bàn tỉnh.

2. Khó khăn, thách thức.

a) Nền kinh tế của tỉnh chịu ảnh hưởng chung về sức ép cạnh tranh gay gắt trên tất cả các lĩnh vực, nhất là nông nghiệp, thu hút đầu tư, nguồn nhân lực,v.v...; có nguy cơ phát triển với tốc độ chậm hơn so với các địa phương trong Vùng KTTĐPN, Vùng ĐBSCL và cả nước.

b) Tăng trưởng kinh tế của tỉnh khá cao nhưng chưa thật sự bền vững. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng khu vực công nghiệp và thương mại-dịch vụ còn chậm. Khu vực nông thôn và lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chịu nhiều sức ép về giá cả chênh lệch đầu vào-đầu ra, nhiều loại nông sản hàng hóa còn ở dạng sản phẩm thô nên sức cạnh tranh thấp. Năng suất sản xuất và thu nhập của phần lớn lao động nông thôn còn thấp.

[...]