Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 412/QĐ-TTg năm 2007 phê duyệt Danh mục đầu tư một số dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, thiết yếu giai đoạn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 412/QĐ-TTg
Ngày ban hành 11/04/2007
Ngày có hiệu lực 11/04/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Đầu tư,Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 412/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 04 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DANH MỤC ĐẦU TƯ MỘT SỐ DỰ ÁN KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG QUAN TRỌNG, THIẾT YẾU GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 290/2006/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Định hướng thu hút và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức thời kỳ 2006 – 2010”;
Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (văn bản số 1350 BKH/KCHT&ĐT ngày 05 tháng 3 năm 2007 và số 1811 BKH/KCHT&ĐT ngày 20 tháng 3 năm 2007), Bộ Giao thông vận tải (văn bản số 1444/BGTVT-KHĐT ngày 21 tháng 3 năm 2007), Bộ Xây dựng (văn bản số 546/BXD-XL ngày 23 tháng 3 năm 2007), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (văn bản số 2360/NHNN-TD ngày 21 tháng 3 năm 2007), Bộ Tài chính (văn bản số 4356/BTC-ĐT ngày 29 tháng 3 năm 2007),

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Danh mục đầu tư một số dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, thiết yếu giai đoạn đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm:

- Huy động các nguồn lực để xây dựng hoàn chỉnh một bước kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn đến năm 2020, trong đó tập trung đầu tư xây dựng các dự án quan trọng, thiết yếu nhằm góp phần đẩy mạnh thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

- Song song với việc đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, thiết yếu, cần duy trì, nâng cấp để tận dụng tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện có nhằm phát triển đồng bộ và từng bước hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của đất nước giai đoạn đến năm 2020.

- Làm cơ sở để vận động, thu hút các nguồn vốn đầu tư (vốn ODA, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, các nguồn vốn trong nước và các nguồn vốn khác (cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

- Làm cơ sở để bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch phát triển giao thông vận tải.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Giai đoạn đến năm 2010

+ Đường bộ xây dựng mới một số đoạn thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam (Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ), một số tuyến đường bộ cao tốc thuộc 2 Hành lang và 1 Vành đai kinh tế Việt Nam – Trung Quốc và tại các vùng kinh tế trọng điểm; thông tuyến đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết của Quốc hội; nâng cấp, mở rộng một số đoạn trên quốc lộ 1 để nâng cao năng lực thông xe, giảm ách tắc.

+ Đường sắt: Từng bước nâng cao năng lực, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc – Nam hiện có, cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên – Lào Cai; đẩy nhanh công tác chuẩn bị để khởi công tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam và tuyến đường sắt phục vụ khai thác, sản xuất alumin - nhôm tại các tỉnh Tây Nguyên.

+ Đường biển: xây dựng cảng trung chuyển container quốc tế tại Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa (giai đoạn khởi động và vùng cửa ngõ phía Bắc tại Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng; xây dựng luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu.

+ Đường hàng không: xây dựng nhà ga hành khách cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và nhà ga T2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài, xây dựng cảng hàng không Dương Tô, đảo Phú Quốc; đẩy nhanh công tác chuẩn bị xây dựng cảng hàng không quốc tế tại Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

- Giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2020.

+ Đường bộ: tiếp tục xây dựng các trạm ưu tiên thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, hoàn thành xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc thuộc 2 Hành lang và 1 Vành đai kinh tế Việt Nam – Trung quốc; xây dựng tuyến đường bộ cao tốc từ Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai đi Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, tiếp tục nâng cấp, mở rộng một số đoạn thuộc quốc lộ 1 để đảm bảo vẫn là trục giao thông huyết mạch của đất nước giai đoạn đến năm 2020.

+ Đường sắt: triển khai xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Đồng Đăng – Hà Nội thành đường đôi; hoàn thành xây dựng tuyến đường sắt phục vụ khai thác và sản xuất alumin – nhôm tại các tỉnh Tây Nguyên.

+ Đường biển: tiếp tục đầu tư tăng cường năng lực cảng trung chuyển container quốc tế tại Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa và cảng cửa ngõ phía Bắc tại Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng theo quy hoạch.

+ Đường hàng không: xây dựng cảng hàng không quốc tế tại Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

3. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển:

Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển cho các dự án Danh mục dự kiến khoảng 67.570 triệu USD trong đó đã xác định được nguồn vốn là 4.418 triệu USD (bao gồm các dự án đã có Quyết định đầu tư hoặc đã ký kết Hiệp định vay vốn).

4. Danh mục một số dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, thiết yếu giai đoạn đến năm 2020 (phụ lục kèm theo).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Giao thông vận tải:

a) Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch về phát triển giao thông vận tải để đảm bảo phù hợp với các quy hoạch khác có liên quan. Ưu tiên hoàn chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống đường bộ cao tốc và đường sắt cao tốc giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020; tiến hành quy hoạch chi tiết tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam và tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam.

[...]