Quyết định 41/2007/QĐ-UBND ban hành Chương trình hành động về người cao tuổi tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2007 - 2010 do Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành

Số hiệu 41/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 26/11/2007
Ngày có hiệu lực 06/12/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tây Ninh
Người ký Phạm Văn Tân
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số: 41/2007/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 26 tháng 11 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG VỀ NGƯỜI CAO TUỔI TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2007 - 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 301/2005/QĐ-TTg ngày 21/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2005 - 2010;
Căn cứ Quyết định số 925/2006/QĐ - UBND ngày 06/10/2006 của UBND tỉnh Tây Ninh về ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương, thời kỳ ổn định ngân sách năm 2007 - 2010;
Xét Tờ trình số 1114/SLĐTBXH-BTXH ngày 11/9/2007 của Sở Lao động Thương binh và Xã hội về việc ban hành Chương trình hành động về người cao tuổi tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2007 - 2010
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động về người cao tuổi tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2007 - 2010.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- VPCP;
- Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- LĐVP, CVKVX-NV;
- Lưu: VT, VPUBND tỉnh.
(QĐUB-vx-TNhan-CTHĐnguoicaotuoi)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Văn Tân

 

CHƯƠNG TRÌNH

HÀNH ĐỘNG VỀ NGƯỜI CAO TUỔI TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2007 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 41/2007/QĐ-UBND ngày 26/11/2007 của UBND tỉnh Tây Ninh)

Phần 1

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN PHÁP LỆNH NGƯỜI CAO TUỔI GIAI ĐOẠN 2001 - 2005

I. TÌNH HÌNH CHUNG:

Theo số liệu thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 74.114 người cao tuổi, chiếm tỷ lệ 7,09 % dân số của tỉnh, trong đó có trên 1.000 cụ từ 90 tuổi trở lên, 03 cán bộ lão thành cách mạng, 25 cán bộ tiền khởi nghĩa, 415 bà mẹ Việt Nam Anh hùng (53 mẹ còn sống), 4.286 thân nhân liệt sĩ, 1.425 gia đình có công giúp đỡ cách mạng, 5.776 thương bệnh binh, 4.298 cán bộ hưu trí, mất sức lao động được hưởng các chế độ chính sách hiện hành, có mức sống ổn định. Đa số người cao tuổi sống cùng con cháu, một số ít phải tự lực cánh sinh. Trong những năm gần đây, nền kinh tế của tỉnh phát triển, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện rõ rệt đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phụng dưỡng, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi. Đặc biệt là sau khi Pháp lệnh Người cao tuổi có hiệu lực đã tạo hành lang pháp lý, chuẩn mực đạo đức để mọi người dân, gia đình người cao tuổi, cộng đồng xã hội và Nhà nước cùng tham gia chăm sóc người cao tuổi. Tuy nhiên, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người cao tuổi vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng đều, trên thực tế vẫn còn một số người cao tuổi, nhất là người cao tuổi ở nông thôn, vùng sâu đời sống của nhiều gia đình còn nhiều khó khăn, nên phần đông người cao tuổi phải cùng con cháu lao động, như: Chăn nuôi, làm nông nghiệp, buôn bán nhỏ,… còn một số người cao tuổi cô đơn, đời sống không ổn định, khó khăn, thiếu sự chăm sóc, phải tự kiếm sống.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN PHÁP LỆNH NGƯỜI CAO TUỔI TỪ NĂM 2001 - 2005:

1. Tình hình triển khai thực hiện Pháp lệnh:

Thực hiện Pháp lệnh Người cao tuổi và Nghị định số 30/2002/NĐ-CP ngày 26/3/2002 của Chính phủ; Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh và các sở, ngành, đoàn thể tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Pháp lệnh, Nghị định số 30/2002/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương sau khi có Pháp lệnh Người cao tuổi như: Thông tư số 16/2002/TT-BLĐTBXH ngày 09/12/2002 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Nghị định số 168/2004/NĐ-CP ngày 20/9/2004 của Chính phủ và nhiều văn bản khác cũng đã được triển khai thực hiện đầy đủ cho các ngành, đoàn thể, địa phương từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời thông qua các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, những nội dung cơ bản của Pháp lệnh Người cao tuổi và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Trung ương đã được quán triệt đầy đủ đến hầu hết các tầng lớp cán bộ và nhân dân trong tỉnh.

2. Thực hiện chính sách trợ cấp, nuôi dưỡng:

Thực hiện các Nghị định của Chính phủ số 07/2000/NĐ-CP ngày 09/3/2000 về chính sách cứu trợ xã hội, số 168/2004/NĐ-CP ngày 20/9/2004 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2000/NĐ-CP và số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, toàn tỉnh đã thực hiện trợ cấp xã hội thường xuyên từ ngân sách địa phương với mức trợ cấp tối thiểu là 120.000 đồng/người/tháng cho hơn 800 người cao tuổi tàn tật, cô đơn không nơi nương tựa sinh sống tại cộng đồng; 5 cơ sở bảo trợ xã hội trong tỉnh thực hiện chức năng này cho 304 người cao tuổi, trong đó có 33 cụ được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội từ ngân sách tỉnh, mức nuôi dưỡng 240.000 đồng/người/tháng (chưa kể các khoản sinh hoạt khác). Số người cao tuổi còn lại được một số cơ sở dưỡng lão của các tôn giáo nhận nuôi dưỡng, chăm sóc ổn định đời sống, như: Trại dưỡng lão ở chùa Cẩm Phong, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu; Trại dưỡng lão Vinh Sơn, thị trấn Châu Thành; Trại dưỡng lão Trí Giác Cung và Trường Tây; cơ sở dưỡng lão Phước Thiện xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành, kinh phí phụng dưỡng các cụ được huy động từ sự đóng góp của xã hội và bản thân người cao tuổi tự lực.

3. Thực hiện chế độ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe:

Người cao tuổi thuộc diện chính sách ưu đãi người có công, cán bộ hưu trí, người nghèo chuẩn Trung ương, đối tượng bảo trợ xã hội, nhân dân xã thuộc Chương trình 135 và người cao tuổi từ đủ 85 tuổi trở lên được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được ưu tiên trong khám, chữa bệnh, được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các cơ sở y tế của Nhà nước. Đến nay, tỉnh đã cấp 3.120 thẻ bảo hiểm y tế cho người cao tuổi từ đủ 90 tuổi trở lên và người cao tuổi sống ở các xã thuộc Chương trình 135.  Nhiều địa phương đã thực hiện tốt việc khám, chữa bệnh tại nhà cho các cụ cao tuổi ốm đau nặng; đồng thời phát triển phong trào tập luyện thể dục dưỡng sinh, các môn thể thao phù hợp, giữ gìn sức khỏe cho người cao tuổi.

4. Tình hình tổ chức và hoạt động của Hội người cao tuổi:

Tổ chức Hội Người cao tuổi vững mạnh là yếu tố quan trọng để phát huy vai trò người cao tuổi. Xác định ý nghĩa và tầm quan trọng đó, trong thời gian qua, các cấp Hội Người cao tuổi trong tỉnh luôn được quan tâm củng cố và kiện toàn. Đến nay, các cấp Hội Người cao tuổi từ tỉnh đến huyện, xã đều đã thành lập (1 Ban đại diện tỉnh, 9 Ban đại diện huyện, thị xã và 95 Ban chấp hành Hội Người cao tuổi ở xã, phường, thị trấn). Hoạt động Hội Người cao tuổi ở cơ sở hàng năm đều có sơ kết, đánh giá theo các chỉ tiêu đăng ký đầu năm, chất lượng từng năm có nâng lên rõ rệt, đa số Hội Người cao tuổi các cấp hoạt động tốt, có hiệu quả, góp phần chăm sóc đời sống người cao tuổi trong tỉnh. Qua 5 năm hoạt động nhiều tập thể được các cấp, các ngành khen thưởng.

III. NHỮNG TỒN TẠI:

- Một số quy định trong Pháp lệnh Người cao tuổi chưa được các Bộ, ngành Trung ương cụ thể hóa bằng các văn bản hướng dẫn, nên hầu hết ở cơ sở còn lúng túng trong quá trình thực hiện.

[...]