ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 392/QĐ-UB
|
Long Xuyên, ngày
09 tháng 7 năm 1994
|
QUYẾT ĐỊNH
V/V
BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ HỘ KHẨU TRONG PHẠM VI TỈNH AG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND được Quốc hội
thông qua ngày 30/6/1989;
Căn cứ Nghị định 04/HĐBT ngày 7/1/1988 của Hội đồng
Bộ trưởng ban hành điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu và Thông tư 05-TT/BNV
ngày 4/6/1988 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định trên;
Căn cứ Nghị quyết kỳ họp thứ 18 HĐND Tỉnh An
giang (khóa IV) về một số yêu cầu trong quản lý Nhà nước, quản lý xã hội của tỉnh;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc
Công an Tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về đăng ký
và quản lý hộ khẩu trong phạm vi Tỉnh An giang.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các quy định trước
đây trái với nội dung quy định trong Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Giám đốc Công an Tỉnh chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra,
đôn đốc thực hiện Quyết định này.
Điều 4. Các ông Chánh văn phòng UBND Tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban
ngành, Đoàn thể trong tỉnh, Chủ tịch UBND các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm
vụ được giao có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
|
ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Phú Hội
|
BẢN QUY ĐỊNH
VỀ
ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ HỘ KHẨU TRONG PHẠM VI TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo quyết định số 392/QĐ-UB ngày 9/7/1994 của UBND Tỉnh An
Giang)
Để cải tiến một bước thủ tục hành chính, giảm bớt
phiền hà cho nhân dân trong thực hiện việc đăng ký và quản lý hộ khẩu. Nay UBND
Tỉnh An giang quy định cụ thể việc đăng ký, quản lý hộ khẩu trong tỉnh như sau:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đăng ký và quản lý hộ khẩu là biện pháp quan trọng của Nhà
nước để quản lý xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia, gìn giữ trật tự an toàn xã hội,
xác định việc cư trú hợp pháp để thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân.
Điều 2. Mọi công dân đều được quyền và có trách nhiệm đăng ký hộ
khẩu thường trú tại nơi ở thường xuyên của mình, không được đăng ký hộ khẩu ở
hai nơi hoặc đăng ký hộ khẩu ở nơi này nhưng lại ở nơi khác.
a) Mỗi người từ 15 tuổi trở lên phải tự khai một bản
khai nhân khẩu đầy đủ, chính xác theo mẫu thống nhất do Bộ Nội vụ phát hành.
b) Hộ gia đình: gồm những người có quan hệ về gia
đình hoặc thân thuộc cùng sống chung một hộ, một phòng, có 1 người làm chủ hộ.
c) Nhà tập thể: gồm những người của các cơ quan Nhà
nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội… (gọi chung là cơ quan và tổ chức) mà ở
chung một nhà, một phòng tập thể thì đăng ký là nhân khẩu tập thể, có 1 đại diện
được cử ra để đôn đốc những người ở trong nhà tập thể chấp hành những quy định
về đăng ký, quản lý hộ khẩu.
Điều 3.
a) Cán bộ, chiến sĩ Quân đội
nhân dân, Công an nhân dân ở tập thể trong doanh trại quân đội, nhà tập thể
công an thì không thuộc đối tượng đăng ký và quản lý theo quy định này.
b) Những sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của Quân
đội, Công an hàng ngày ngoài giờ làm việc về sinh sống với cha mẹ, vợ chồng,
con, cùng trong một huyện, thị xã thì được đăng ký hộ khẩu thường trú cùng với
hộ gia đình. Việc đăng ký phải được sự đồng ý của các Tổng cục, Vụ, Viện, Trường
hoặc cấp tương đương, Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng, BCH Quân sự Tỉnh, Giám đốc
Công an Tỉnh, BCH Quân sự huyện, thị, Trưởng Công an huyện, thị.
c) Những người không phải là bộ đội, công an mà ở
trong doanh trại quân đội, nhà tập thể công an đều phải thực hiện việc đăng ký,
quản lý hộ khẩu theo quy định này.
Điều 4. Khi có sự thay đổi về hộ khẩu thì đương sự hoặc chủ hộ phải
trực tiếp đến cơ quan đăng ký, quản lý hộ khẩu để báo và làm các thủ tục theo
quy định.
Chương II
TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC ĐĂNG
KÝ, QUẢN LÝ
Điều 5. Đăng ký chuyển đi.
1. Chuyển đi trong phạm vi một huyện, thị xã: Đương
sự mang hộ khẩu gia đình (nếu có) và giấy báo thay đổi nơi thường trú (theo mẫu
thống nhất do cơ quan công an quy định) đến công an xã, thị trấn đăng ký làm thủ
tục chuyển đi (riêng các phường nội ô thị xã đăng ký trực tiếp tại công an thị
xã).
2. Chuyển đi ngoài phạm vi huyện, thị, đương sự
mang hộ khẩu và giấy báo thay đổi nơi thường trú đến công an xã, phường, thị trấn
đăng ký để được giới thiệu đến công an huyện, thị làm thủ tục chuyển đi.
3. Các trường hợp đi bộ đội, công an, xuất cảnh ra
cư trú ở nước ngoài, đi công tác, lao động, học tập dài hạn ở nước ngoài thì chủ
hộ hoặc người trong hộ đến công an xã, thị trấn để xin xóa tên trong sổ hộ khẩu.
4. Các trường hợp đương sự chấp hành án phạt tù
giam, tập trung cải tạo, đi trường phổ thông công nông nghiệp, lao động bắt buộc
ở các trường, trung tâm xã hội… chủ hộ hoặc người trong hộ đến công an xã, thị
trấn để xin xóa tên trong hộ khẩu.
- Các trường hợp quy định ở điểm 3, 4 nói trên, nếu
thường trú ở các phường nội ô thị xã thì trực tiếp đến công an thị xã xin xóa
tên.
5. Sau khi chuyển đến nơi ở mới, nếu có yêu cầu
chính đáng cần trở lại nơi ở cũ thì cơ quan đăng ký, quản lý hộ khẩu phải có
trách nhiệm đăng ký lại cho đương sự.
- Cơ quan đăng ký, quản lý hộ khẩu có trách nhiệm
tiếp nhận giải quyết trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận thủ tục. Khi được
cấp giấy chứng nhận chuyển đi sau 5 ngày đối với thị xã, 7 ngày đối với nông
thôn, chủ hộ hoặc người trong hộ phải đến công an xã, thị trấn hoặc công an huyện,
thị xã nơi chuyển đến để đăng ký. Cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác hộ khẩu
phải có thái độ nhiệt tình hướng dẫn giúp dân về thủ tục, nghiêm cấm mọi biểu
hiện cửa quyền, hách dịch gây phiền hà nhân dân.
Điều 6. Đăng ký chuyển đến.
A. CHUYỂN ĐẾN NỘI Ô THỊ XÃ LONG XUYÊN – CHÂU ĐỐC.
- Tiêu chuẩn:
1. Cán bộ, công nhân, nhân viên bao gồm cả công
nhân, nhân viên quốc phòng, công nhân của công an, học sinh tốt nghiệp các trường
đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề được cấp có thẩm quyền
ra quyết định điều động hoặc tuyển dụng vào biên chế của cơ quan, xí nghiệp
theo quy chế điều động tuyển dụng.
2. Cán bộ, công nhân viên công tác ở các tỉnh giáp
ranh thường xuyên về ở với vợ, chồng là nhân khẩu thường trú ở thị xã.
3. Những người đã là nhân khẩu thường trú ở nội ô
thị xã đi NVQS, đi công tác, đi lao động đi học tập ở nơi khác kể cả trong và
ngoài nước đã làm xong nhiệm vụ hoặc nghỉ hưu, phục viên, nghỉ mất sức, được xuất
ngũ, thôi việc.
4. Những người già yếu, hết tuổi lao động đến ở với
vợ hoặc chồng, con là nhân khẩu thường trú để nương tựa.
5. Những người dưới 18 tuổi chưa tự lập được, những
người bị bệnh tật không còn khả năng tự lập được, không có người nuôi dưỡng về ở
với cha, mẹ, ông, bà hoặc anh, chị em ruột là nhân khẩu thường trú.
6. Những người đến ở với vợ hoặc chồng là nhân khẩu
thường trú.
7. Những người đã là nhân khẩu thường trú ở nội ô
thị xã bị bắt buộc lao động tập trung, đi trường phổ thông công nông nghiệp, đi
tập trung cải tạo, thi hành án phạt tù giam đã hết hạn mà không thuộc diện phải
thi hành lệnh cấm cư trú, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy cho về.
8. Những người có nhà cửa hợp pháp trong nội ô thị
xã.
9. Những trường hợp được UBND Tỉnh xét duyệt cho
phép đăng ký hộ khẩu vào nội ô thị xã.
- Thủ tục:
- Đơn xin chuyển đến.
- Giấy báo thay đổi nơi thường trú.
- Sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận đăng ký
nhân khẩu tập thể.
- Các loại giấy tờ khác có liên quan: quyết định xuất
ngũ, về hưu, nghỉ việc, ra trường, điều động, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng
nhận sở hữu nhà, giấy ra trại, lệnh tha.
Sau khi có đủ thủ tục nêu trên, đương sự trực tiếp
đến công an phường nơi xin chuyển đến để được xác nhận và chuyển lên công an thị
xã giải quyết. Các trường hợp khác do UBND Tỉnh giải quyết thì công an thị xã
xác nhận chuyển lên UBND Tỉnh quyết định.
- Thẩm quyền:
+ Trưởng công an thị xã Long xuyên, Châu Đốc được
quyền xem xét cho đăng ký vào nội ô thị xã 8 trường hợp nói trên, các trường hợp
khác do UBND Tỉnh quyết định.
+ Thời gian giải quyết cho mỗi trường hợp không quá
10 ngày kể từ ngày nhận đơn.
B. CHUYỂN ĐẾN CÁC XÃ BIÊN GIỚI:
- Đối tượng:
1. Những người đến khu vực biên giới để xây dựng
kinh tế theo quy hoạch chung của tỉnh.
2. Những người đến khu vực biên giới để sinh sống
cùng cha, mẹ, vợ, chồng, con có hộ khẩu ở khu vực biên giới.
3. Cán bộ, công nhân viên của cá cơ quan, đơn vị
kinh tế, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang đã đăng ký hộ khẩu ở khu vực biên
giới, nay nghỉ hưu, thôi việc… muốn ở lại thường trú ở khu vực biên giới.
- Thủ tục:
- Đơn xin cư trú ở khu vực biên giới (được công an
xã, thị trấn nơi đến xác nhận đúng điều kiện, hoàn cảnh như 1 trong 3 trường hợp
theo đối tượng trên).
- Văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về quy
hoạch, xây dựng vùng kinh tế mới tại xã biên giới xin đến.
- Các giấy tờ khác có liên quan như: quyết định nghỉ
hưu, nghỉ việc, phục viên…
Thẩm quyền:
1. Giám đốc công an tỉnh xét duyệt cấp giấy phép
cho đăng ký cư trú ở khu vực biên giới đối với những trường hợp đối tượng xin đến
là người ngoài tỉnh.
2. Trưởng công an các huyện, thị xã biên giới xét
duyệt cấp giấy phép cho đăng ký cư trú ở khu vực biên giới đối với những trường
hợp đối tượng xin đến là người trong tỉnh.
- Thời gian giải quyết cho mỗi trường hợp không quá
10 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ.
C. CHUYỂN ĐẾN CÁC NƠI KHÁC TRONG TỈNH:
Thủ tục:
- Giấy báo thay đổi nơi thường trú (không cần có sự
đồng ý của cơ quan đăng ký quản lý hộ khẩu nơi đến).
- Giấy chứng nhận chuyển đi.
- Sổ hộ khẩu thường trú (nếu có).
Thẩm quyền:
1. Trưởng công an xã, thị trấn: giải quyết các trường
hợp chuyển đến trong phạm vi 1 huyện, thị xã.
2. Trưởng công an huyện, thị giải quyết các trường
hợp chuyển đến ngoài phạm vi huyện, thị xã.
Thời gian giải quyết mỗi trường hợp không quá 5
ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ.
Điều 7. Đăng ký hộ khẩu cho trẻ em mới sinh.
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có giấy khai
sinh, chủ hộ hoặc người trong hộ mang hộ khẩu gia đình (nếu có) và giấy khai
sinh đứa trẻ đến công an xã, thị trấn để đăng ký hộ khẩu cho đứa trẻ đó (các
phường nội ô thị xã đăng ký trực tiếp công an thị xã).
- Cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm đăng ký không
quá 2 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ.
Điều 8. Xóa tên trong hộ khẩu cho người chết.
- Trong thời hạn 30 ngày, chủ hộ hoặc người trong hộ
đến công an xã, thị trấn báo để xóa tên trong hộ khẩu cho người đã chết (các
phường nội ô thị xã đến trực tiếp công an thị xã).
- Thủ tục gồm: Sổ hộ khẩu, giấy chứng tử.
Điều 9. Điều chỉnh sổ hộ khẩu sau khi có sự cải chính về hộ tịch.
- Những thay đổi về tên, họ, chữ lót, ngày, tháng,
năm sinh. Sau khi đã hoàn thành thủ tục cải chính về hộ tịch thì đương sự trực
tiếp đến công an xã, thị trấn đăng ký đề nghị điều chỉnh trong sổ hộ khẩu (các
phường nội ô trực tiếp đến công an thị xã).
- Thủ tục:
+ Sổ hộ khẩu gia đình (nếu có)
+ Quyết định bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền
về việc điều chỉnh, cải chính hộ tịch.
- Cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm giải quyết không
quá 3 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ.
Điều 10. Đăng ký tách hộ.
- Thủ tục:
+ Làm giấy báo trực tiếp đến công an xã, thị trấn
nêu rõ lý do tách hộ, cử người làm chủ hộ mới (các phường nội ô trực tiếp đến
công an thị xã).
+ Sổ hộ khẩu gia đình.
- Cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm giải quyết tách
hộ cho mỗi trường hợp thời gian không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận đơn.
Việc cho tách hộ không nhất thiết đương sự phải có
nhà riêng mới cho tách, khi thấy họ có đủ điều kiện độc lập về kinh tế thì giải
quyết cho tách hộ theo yêu cầu. Trường hợp vẫn cùng ngụ chung một nhà thì cần
ghi rõ tầng lầu, căn phòng (nếu có).
Điều 11. Đăng ký hợp hộ.
- Khi muốn sát nhập 2 hay nhiều hộ thành 1 hộ thì
các chủ hộ cùng đứng đơn, nêu rõ lý do, cử người chủ hộ, kèm sổ hộ khẩu (nếu
có) đến công an xã, thị trấn xem xét giải quyết (các phường nội ô trực tiếp đến
công an thị xã).
- Cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết
không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận đơn.
- Các hộ xin sát nhập ở các xã, phường, thị trấn
khác nhau, thực hiện theo thủ tục xin chuyển đi, chuyển đến.
Điều 12. Đăng ký tạm trú.
Những người từ 15 tuổi trở lên đến ở nơi khác ngoài
phạm vi huyện, thị nơi đăng ký thường trú của mình đều phải đăng ký tạm trú, cụ
thể như:
a) Tạm trú ở nhà trọ, khách sạn thì người quản lý
nhà trọ, khách sạn phải khai báo với cơ quan đăng ký quản lý hộ khẩu sở tại.
b) Tạm trú trong các nhà khách, nhà tập thể của cơ
quan, đơn vị Nhà nước, tổ chức xã hội thì báo cho Ban bảo vệ trực tiếp quản lý
nhà khách, nhà ở tập thể đó.
c) Tạm trú ở các hộ gia đình thì người tạm trú hoặc
đại diện gia đình báo cho tổ trưởng dân phố hoặc tổ trưởng tự quản nơi tạm trú.
d) Những người là cha, mẹ, vợ, chồng, con đến tạm
trú nhà nhau cũng phải khai báo đăng ký tạm trú nhưng chỉ khai báo một lần
trong năm.
- Việc khai báo tạm trú phải được ghi tên vào sổ
đăng ký tạm trú.
- Thời gian tạm trú không quá 6 tháng, hết hạn mà vẫn
còn tạm trú thì khai báo lại.
Thủ tục: Người tạm trú chỉ cần xuất trình giấy
CMDN hoặc các giấy tờ tùy thân khác. Riêng tạm trú ở khu vực biên giới phải có
giấy phép đến khu vực biên giới.
Điều 13. Đăng ký tạm vắng.
Những người từ 15 tuổi trở lên đi vắng ngoài phạm
vi huyện, thị nơi đăng ký thường trú của mình thì phải khai báo tạm vắng theo
quy định.
a) Hộ gia đình: Người đi vắng hoặc chủ hộ phải báo
cho tổ trưởng dân phố hoặc tổ trưởng tự quản nơi thường trú biết.
b) Nhà tập thể: Người đi vắng phải báo cho Ban bảo
vệ hoặc người có trách nhiệm trực tiếp quản lý nhà tập thể.
- Thời gian tạm vắng không quá 6 tháng, trường hợp
vắng quá 6 tháng không có lý do rõ ràng thì cơ quan đăng ký hộ khẩu nơi thường
trú có quyền xóa tên trong hộ khẩu. Khi đương sự trở về tùy từng trường hợp cụ
thể xét cho đăng ký trở lại.
- Cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước đi công tác,
học tập hoặc đi chữa bệnh trong thời gian nói trên cũng phải khai báo tạm vắng.
Điều 14. Việc xác nhận vào đơn và giấy báo các thay đổi về hộ khẩu,
đăng ký chuyển đi, chuyển đến… tại Chương II của bản quy định này do công an
xã, phường, thị trấn trở lên xác nhận.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Nghiêm cấm các ngành, các cấp trong tỉnh tự đặt ra những thủ
tục, quy định trái với những quy định trong quyết định này về các NĐ có liên
quan đến việc đăng ký, quản lý hộ khẩu.
Điều 16. Giám đốc Công an tỉnh căn cứ vào nội dung quy định này để
hướng dẫn kiểm tra công an các cấp thực hiện việc đăng ký và quản lý hộ khẩu được
thống nhất trong tỉnh.
- Tiêu chuẩn, thủ tục có liên quan đến đăng ký, quản
lý hộ khẩu phải được niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của cơ quan công an
để cán bộ, nhân dân biết thực hiện.
- Công an tỉnh có quyền đình chỉ việc thi hành các
thủ tục, quy định trái với nội dung quy định này và báo cáo UBND Tỉnh ra quyết
định bãi bỏ.
Điều 17. Các cơ quan thông tin đại chúng chịu trách nhiệm tổ chức,
tuyên truyền toàn văn nội dung quy định này.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
AN GIANG