Quyết định 3666/QĐ-BVHTTDL năm 2020 về phê duyệt Đề án “Tổ chức định kỳ ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030” do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Số hiệu 3666/QĐ-BVHTTDL
Ngày ban hành 07/12/2020
Ngày có hiệu lực 07/12/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
Người ký Nguyễn Ngọc Thiện
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3666/QĐ-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TỔ CHỨC ĐỊNH KỲ NGÀY HỘI, GIAO LƯU, LIÊN HOAN VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH VÙNG ĐỒNG BÀO CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ THEO KHU VỰC VÀ TOÀN QUỐC GIAI ĐOẠN 2021 - 2030”

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

Căn cứ Nghị định số 79/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Căn cứ Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;

Căn cứ Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17 tháng 11 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Tổ chức định kỳ ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030”.

Điều 2. Giao Vụ Văn hóa dân tộc chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức thực hiện Đề án.

Điều 3. Kinh phí thực hiện Đề án trích từ nguồn ngân sách nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hàng năm phân bổ cho các đơn vị trực thuộc tham gia ngày hội; kinh phí sự nghiệp của các ban, bộ, ngành Trung ương; kinh phí của địa phương đăng cai, các địa phương tham gia “Ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030” và kinh phí huy động từ các nguồn xã hội hóa, theo dự toán được duyệt và thực hiện theo quy định.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 5. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Bộ trưởng;
- Các Thứ trưởng;
- Các ban, bộ, ngành liên quan (để phối hợp);
- UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc TW (để phối hợp);
- Các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL (để thực hiện);
- Sở: VHTTDL, VHTT, VHTTTTDL, DL các tỉnh/thành
phố trực thuộc TW (để thực hiện);
- Lưu: VT, VHDT, Hng(150).

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Ngọc Thiện

 

ĐỀ ÁN

“TỔ CHỨC ĐỊNH KỲ NGÀY HỘI, GIAO LƯU, LIÊN HOAN VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH VÙNG ĐỒNG BÀO CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ THEO KHU VỰC VÀ TOÀN QUỐC GIAI ĐOẠN 2021-2030”
(Kèm theo Quyết định số   /QĐ-BVHTTDL ngày   tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Nước ta có 53 dân tộc thiểu số với số dân là 14.119.256 người, trong đó có gần 03 triệu hộ (chiếm 14,7% dân số cả nước)1, cư trú thành cộng đồng ở 54 tỉnh, thành phố, 503 huyện, 4117 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 424 xã biên giới (tiếp giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia). Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước.

Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam rất đa dạng và là một bộ phận cấu thành nền văn hóa Việt Nam phong phú, đậm đà bản sắc. Tuy nhiên, cùng với xu thế hội nhập và phát triển, những luồng văn hóa khác nhau nhanh chóng xâm nhập vào đời sống xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, gây ảnh hưởng và tác động không nhỏ tới văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, đáng chú ý là nguy cơ mai một bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng lớn.

Trước tình hình đó, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn có những chủ trương, chính sách nhằm ưu tiên, phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo từng giai đoạn hội nhập và phát triển của đất nước. Trong đó phải kể tới Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa IX về công tác dân tộc, xác định rõ quan điểm: “Phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh - quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chính sách dân tộc; quan tâm phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất...”; Kết luận số 65-KL/TW ngày 30 tháng 10 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới và Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về công tác dân tộc đã cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, trong đó có việc tổ chức các hình thức giao lưu văn hóa, đó là: “Hỗ trợ bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, định kỳ tổ chức ngày hội văn hóa thể thao dân tộc theo từng khu vực hoặc từng dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã nêu: “Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống, các giá trị văn hóa tích cực trong tôn giáo, tín ngưỡng”; Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Triển khai công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa với nội dung phong phú, hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện ở từng địa bàn, từng vùng, đã được các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương và đặc biệt là đồng bào các dân tộc hoan nghênh, đồng thuận và tích cực tham gia như: định kỳ tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng: Tây Bắc, Đông Bắc, Miền Trung, Tây Nam Bộ; Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4); Ngày hội, giao lưu văn hóa đối với từng dân tộc: Mông, Dao, Thái, Hoa, Mường, Chăm, Khmer,...; Giao lưu văn hóa mang tính chuyên đề như: Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính; Ngày hội trình diễn cây Nêu; Giao lưu văn hóa, nghệ thuật vùng biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia,...

Việc tổ chức Ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số (sau đây gọi tắt là Ngày hội) gắn với hoạt động thông tin, tuyên truyền quảng bá, kiểm kê, lưu giữ văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần to lớn trong việc tạo một môi trường văn hóa lành mạnh, vừa cải thiện đời sống văn hóa tinh thần, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc được giao lưu, trao đổi với nhau từ phong tục, tập quán, tiếng nói, chữ viết, ẩm thực, trang phục đến các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ… Sự hiểu biết này chính là cầu nối, gắn bó tình đoàn kết giữa các dân tộc, tạo nên sức mạnh, nguồn lực để phát triển nền văn hóa các dân tộc giàu bản sắc, góp phần xây dựng bản, làng, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Triển khai thực hiện Quyết định số 4686/QĐ-BVHTTDL ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án tổ chức “Ngày hội giao, lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2013 - 2020” đã đạt được những thành công nhất định, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc nói chung, đặc biệt là các dân tộc thiểu số rất ít người nói riêng, xây dựng, tăng cường các hoạt động văn hóa cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; phát huy vai trò chủ thể văn hóa; nâng cao mức hưởng thụ văn hóa; quảng bá tiềm năng phát triển du lịch các địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn trong việc tổ chức các Ngày hội. Do đó, việc xây dựng Đề án  “Tổ chức định kỳ ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030” là nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược cần phải tiếp tục được thực hiện thường xuyên và lâu dài. Nhằm cụ thể hoá việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước trong tình hình mới của đất nước về bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

[...]