BỘ VĂN HÓA, THỂ
THAO
VÀ DU LỊCH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
3620/QĐ-BVHTTDL
|
Hà Nội, ngày 04
tháng 12 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM VÀ PHÒNG,
CHỐNG VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH” GIAI ĐOẠN
2021 - 2025
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Căn cứ Nghị định
số 79/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Quyết định
số 623/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến
lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm
2030;
Căn cứ Kết luận
số 05- KL/TW ngày 15 tháng 7 năm 2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh
thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Bộ Chính trị khóa X
về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong
tình hình mới;
Theo đề nghị của
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung
ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề
án "Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động
Văn hóa, Thể thao và Du lịch" giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Đề
án) với các nội dung sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu
chung
a) Nâng cao nhận thức
và năng lực hành động của toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; của các cấp ủy
Đảng, chính quyền, đoàn thể; các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội về nội dung,
mục đích, ý nghĩa của công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp
luật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
b) Tăng cường
công tác phòng ngừa, làm giảm các loại tội phạm, giảm các vi phạm pháp luật
trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; đảm bảo môi trường hoạt động kinh
doanh văn hóa, thể thao và du lịch an toàn, lành mạnh; giảm số vụ vi phạm pháp
luật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, nhất là các vi phạm pháp luật
trong hoạt động kinh doanh lữ hành, kinh doanh lưu trú du lịch, lĩnh vực quyền
tác giả, quyền liên quan; hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa như: Vũ trường;
Karaoke, bar, nghệ thuật biểu diễn.
2. Mục tiêu cụ
thể
a) Giảm số vụ vi
phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch so với giai đoạn
2017- 2020, nhất là các vi phạm trong hoạt động kinh doanh lữ hành, kinh doanh
lưu trú du lịch, lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Đảm bảo 100% quyết định
xử phạt vi phạm hành chính được thi hành.
b) 85% người đứng
đầu đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng được truyền thông
thay đổi hành vi về phòng ngừa tội phạm, phòng chống vi phạm pháp luật trong hoạt
động văn hóa.
c) 85 % người đứng
đầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, dịch vụ lưu trú du lịch, khu du lịch,
điểm du lịch và dịch vụ du lịch khác được truyền thông thay đổi hành vi về
phòng ngừa tội phạm, phòng chống vi phạm pháp luật trong hoạt động du lịch và
phòng, chống mua bán người, xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch.
d) 85% người đứng
đầu các liên đoàn, hiệp hội thể thao, 100% câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp,
100% người đứng đầu trung tâm huấn luyện thể thao các tỉnh, thành phố được
tuyên truyền về phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật trong hoạt
động thể thao.
đ) 85% người phụ
trách nhà văn hóa, Trung tâm văn hóa - thể thao, đoàn nghệ thuật, nhà hát, thư
viện, trường học được truyền thông về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm
pháp luật trong hoạt động văn hóa, thể thao.
e) 100% cơ quan,
đơn vị xây dựng nếp sống văn hóa công sở.
g) 100% Thanh tra
viên và công chức Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch được đào tạo, bồi dưỡng
kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
h) 80% đối tượng
được triển khai thực hiện và theo dõi tình hình thi hành pháp luật về văn hóa,
thể thao và du lịch.
i) 100% các văn bản
quy phạm pháp luật trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần được rà soát, hệ
thống hóa và xây dựng, hoàn thiện.
3. Đối tượng,
phạm vi, thời gian thực hiện Đề án
a) Đối tượng: Các
tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, các đơn
vị thuộc Ngành.
b) Phạm vi thực
hiện: Đề án được thực hiện trong phạm vi cả nước.
c) Thời gian thực hiện: Từ năm
2021- 2025
II. NHIỆM VỤ
VÀ GIẢI PHÁP
1. Tổ chức tuyên truyền về
phòng ngừa tội phạm và phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động
văn hóa, thể thao và du lịch
1.1. Nội dung tuyên truyền
a) Tuyên truyền các nội dung
liên quan đến các quy định pháp luật về phòng ngừa tội phạm; các quy định của
pháp luật về phòng, chống tội phạm; các quy chế, quy định về công tác đảm bảo
an ninh, trật tự trong hoạt động văn hóa, kinh doanh lữ hành, kinh doanh lưu
trú du lịch; phòng, chống những âm mưu, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và sự
tác động, lôi kéo đối với khách du lịch.
b) Tuyên truyền các văn bản quy
phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; biện pháp phòng ngừa,
trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân nhằm chủ động phòng ngừa tội phạm
và phòng chống vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
1.2. Hình thức tuyên truyền
a) Xây dựng tin, bài, phóng sự
tuyên truyền về các gương người tốt, việc tốt, các mô hình, điển hình về công
tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong ngành văn hóa,
thể thao và du lịch và đăng tải trên website, cổng thông tin điện tử, các
phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội.
b) Lồng ghép, gắn kết nội dung
tuyên truyền trong từng lĩnh vực chuyên môn của hoạt động văn hóa, thể thao và
du lịch.
c) Xây dựng tài liệu truyền
thông về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động
văn hóa, thể thao và du lịch trong gia đình, làng, thôn, ấp bản, tổ dân phố;
các trường học và cơ sở giáo dục, tổ dân phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng.
d) Xây dựng đường dây nóng
hotline giải đáp thông tin, tiếp nhận phản ánh, khiếu nại, tố cáo về vi phạm
pháp luật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
2. Nâng cao nhận thức, năng
lực hành động trong công tác phòng ngừa tội phạm, phòng chống vi phạm pháp luật
cho tổ chức, cá nhân hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch
a) Phối hợp với Ban Chỉ đạo 138/CP
và các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn về cách nhận biết các loại hình tội phạm
và phương pháp phòng ngừa tội phạm, phòng chống vi phạm pháp luật trong hoạt động
văn hóa, thể thao và du lịch cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực
văn hóa, thể thao và du lịch.
b) Phối hợp với Thanh tra Chính
phủ và các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ thanh tra, kiểm
tra trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; xây dựng cơ sở dữ liệu về xử
lý vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
c) Phối hợp với các tỉnh, thành
phố nâng cao chất lượng các mô hình tổ chức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ từ gia
đình, cộng đồng dân cư và trường học. Tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân
rộng mô hình Câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả tại địa phương.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Các đơn vị thuộc Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch
a) Cục Văn hóa cơ sở, Văn phòng
Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống
văn hóa”
Chủ trì phối hợp với các đơn vị
liên quan triển khai thực hiện Đề án; đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện Đề
án; làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan của các bộ, ngành trong việc
tham mưu phối hợp chỉ đạo theo ngành dọc triển khai thực hiện Đề án; đầu mối tiếp
nhận thông tin, tổng hợp, thực hiện chế độ báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể
thao và Ban chỉ đạo 138/CP; phối hợp với các cơ quan báo chí chủ động tổ chức
tuyên truyền, giới thiệu các nội dung, tình hình triển khai, kết quả đạt được của
Đề án.
b) Vụ Kế hoạch, Tài chính
Hướng dẫn việc lập dự toán kinh
phí hằng năm thực hiện các hoạt động của Đề án này.
c) Tổng cục Thể dục thể thao, Tổng
cục Du lịch, Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Bản quyền
tác giả, Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và Triển lãm, Cục Điện ảnh, Vụ Thư viện, Báo
Văn hóa, Trung tâm Điện ảnh Thể thao và Du lịch Việt Nam
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ
trì phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng Kế hoạch chi tiết triển khai
và chủ động thực hiện Đề án; hằng năm, báo cáo kết quả việc triển khai Đề án về
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Cục Văn hóa cơ sở).
2. Ban Chỉ đạo Phong trào
“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”cấp tỉnh; Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch, Sở Văn hóa và thể thao, Sở Văn hóa, Thông tin, thể thao và Du lịch, Sở
Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a) Tham mưu Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành của địa
phương phối hợp với ngành Văn hóa trong việc triển khai thực hiện các nội dung
của Đề án.
b) Xây dựng kế hoạch triển khai
Đề án trên địa bàn;
c) Chỉ đạo các đơn vị triển
khai các nội dung của Đề án phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể tại địa
phương;
d) Hằng năm, báo cáo kết quả việc
triển khai Đề án về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Cục Văn hóa cơ sở); thời
gian gửi báo cáo thực hiện theo Thông tư số 14/2019/TT-BVHTTDL ngày 29 tháng 11
năm 2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, quy định về báo cáo định kỳ thuộc
phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để tổng hợp báo
cáo Ban Chỉ đạo 138/CP.
IV. KINH PHÍ
Kinh phí thực hiện Đề án bao gồm:
1. Ngân sách nhà nước bố trí
trong dự toán ngân sách hàng năm.
2. Nguồn chi thường xuyên của
các Cục, Vụ.
3. Các nguồn hợp pháp khác.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở; Vụ trưởng
Vụ Kế hoạch, Tài chính, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Thủ trưởng các đơn
vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Văn phòng BCĐ 138/CP (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL (để thực hiện);
- Sở VHTTDL; Sở VH & TT; Sở Du lịch (để thực hiện);
- Cổng TTĐT của Bộ VHTTDL;
- Lưu: VT, VPTTBCĐ (LTT. 10b).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trịnh Thị Thủy
|