ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
36/2016/QĐ-UBND
|
Lai Châu, ngày 23
tháng 9 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH KHU VỰC, VỊ TRÍ VÀ MỘT SỐ
NỘI DUNG ĐỊNH GIÁ ĐẤT CỤ THỂ, XÂY DỰNG, ĐIỀU CHỈNH BẢNG GIÁ ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
LAI CHÂU
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Đất đai ngày
29/11/2013;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;
Căn cứ các Nghị định của
Chính phủ: Số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 về giá đất; số 104/2014/NĐ-CP ngày
14/11/2014 Quy định về khung giá đất; số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 Quy định
chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp
luật;
Căn cứ Thông tư số
36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định chi tiết
phương pháp xác định giá đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất; định giá đất cụ
thể và tư vấn xác định giá đất;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở
Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 773/TTr- STNMT ngày 08 tháng 9 năm
2016.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tiêu chí
xác định khu vực, vị trí và một số nội dung về định giá đất cụ thể, xây dựng và
điều chỉnh bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
03/10/2016 và thay thế Quyết định số 21/2011/QĐ-UBND ngày 12/8/2011 của UBND tỉnh
Lai Châu ban hành Quy định các tiêu thức xác định giá các loại đất trên địa bàn
tỉnh Lai Châu; những nội dung không quy định tại Quyết định này thực hiện theo
văn bản pháp luật hiện hành.
Điều 3.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban,
ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân
có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Đỗ Ngọc An
|
QUY ĐỊNH
TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH KHU VỰC, VỊ TRÍ VÀ MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ ĐỊNH
GIÁ ĐẤT CỤ THỂ, XÂY DỰNG, ĐIỀU CHỈNH BẢNG GIÁ ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND ngày 23/9/2016 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Lai Châu)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định về tiêu chí xác định
khu vực, vị trí và một số nội dung về định giá đất cụ thể, xây dựng, điều chỉnh
bảng giá đất trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
2. Đối tượng áp dụng
Cơ quan quản lý đất đai, các cơ
quan, tổ chức có liên quan đến việc định giá đất, thẩm định giá đất trên địa
bàn tỉnh Lai Châu.
Điều 2.
Giải thích từ ngữ
Ngoài các từ ngữ đã được giải
thích tại Điều 3 của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ,
trong quy định này các cụm từ dưới đây được hiểu như sau:
1. Đất khu dân cư nông thôn gồm
các loại đất thuộc khu vực được xác định sử dụng chủ yếu để xây dựng nhà ở, xây
dựng các công trình công cộng phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân; đất vườn,
ao gắn liền với nhà ở và các loại đất khác thuộc phạm vi ranh giới khu dân cư
nông thôn trong địa giới hành chính các xã. Ranh giới của khu dân cư nông thôn
được xác định theo quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch xây dựng khu dân cư
nông thôn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp khu dân cư nông
thôn chưa có quy hoạch được duyệt thì xác định theo ranh giới của thửa đất có
nhà ở ngoài cùng của thôn, làng, bản, các điểm dân cư tương tự hiện có.
2. Đất đô thị gồm các loại đất
được xác định thuộc phạm vi địa giới hành chính các phường, thị trấn; các khu
đô thị mới đã hình thành trên thực tế thuộc phạm vi quy hoạch phát triển của
các huyện, thành phố thuộc tỉnh đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
3. Chợ là nơi diễn ra các hoạt
động trao đổi, mua bán hàng hóa, các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ
công nghiệp...ranh giới được xác định theo quy hoạch đã được cơ quan nhà nước
có thẩm quyền xét duyệt; đối với nơi chưa có quy hoạch thì xác định theo ranh
giới hiện trạng của chợ.
4. Đất ruộng là đất có địa hình
bằng phẳng và ruộng bậc thang để trồng lúa nước hoặc trồng cây hàng năm khác
(ruộng có bờ).
5. Đất nương rẫy là đất trên sườn
đồi, núi dốc, kể cả trường hợp gieo trồng không thường xuyên nhưng theo chu kỳ,
bao gồm đất trồng lúa nương và đất nương trồng cây hàng năm khác.
6. Cánh đồng gồm nhiều thửa ruộng
của các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc tổ chức để sản xuất nông
nghiệp, có điều kiện canh tác, thu hoạch, phương thức sản xuất nông nghiệp
tương tự nhau.
7. Chỉ giới hành lang giao
thông đường bộ theo quy định tại các Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày
24/02/2010, số 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 của Chính phủ.
8. Yếu tố thuận lợi cho sản xuất
nông nghiệp, bao gồm: Địa hình bằng phẳng; điều kiện tưới tiêu, điều kiện về
giao thông thuận lợi; được đầu tư cơ bản đồng bộ về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật.
9. Phân loại các xã, phường, thị
trấn là việc phân tích, sắp xếp các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là xã)
trên địa bàn huyện, thành phố thành từng nhóm xã khác nhau dựa trên kết quả điều
tra, khảo sát về địa hình, giao thông, cơ sở hạ tầng, các yếu tố lợi thế cho sản
xuất, kinh doanh... Các xã có điều kiện tương đồng thì được đưa vào cùng một
nhóm xã.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3.
Quy định về phân loại nhóm xã, phân vị trí để xác định giá đất nông nghiệp
1. Phân loại nhóm xã
Tại địa bàn mỗi huyện, thành phố,
các xã, phường, thị trấn được phân loại thành các nhóm xã; các xã có điều kiện
tương đồng giống nhau được quy định thành một nhóm, nhưng không quá 04 nhóm.
a) Nhóm xã loại 1
Các xã đạt cả bốn (04) tiêu
chí, gồm: Địa hình tương đối bằng phẳng, giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng
tương đối phát triển, điều kiện tưới tiêu tương đối tốt.
b) Nhóm xã loại 2
Các xã đạt ba (03) tiêu chí, gồm:
Địa hình tương đối bằng phẳng, giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng tương đối
phát triển.
c) Nhóm xã loại 3
Các xã đạt hai (02) tiêu chí, gồm:
Địa hình tương đối bằng phẳng, giao thông thuận lợi.
d) Nhóm xã loại 4: Các xã còn lại
trên địa bàn huyện, thành phố (các xã không đạt đủ tiêu chí theo nhóm các xã:
loại 1, loại 2 và loại 3).
Trường hợp các xã có điều kiện
tương đồng thì có thể phân loại ít hơn 04 nhóm xã (không khống chế phải 04 nhóm
xã/huyện, thành phố).
2. Phân vị trí
- Vị trí 1: Phần diện tích đất
tiếp giáp đường giao thông chính (đường liên thôn, liên xã, liên huyện, tỉnh lộ,
quốc lộ) đến mét thứ 500 theo đường thẳng vuông góc với trục đường giao thông;
- Vị trí 2: Phần diện tích đất
tiếp giáp sau vị trí 1 (sau mét 500 của vị trí 1) đến 500 mét tiếp theo.
- Vị trí 3: Phần diện tích đất
còn lại tiếp sau vị trí 2.
Trường hợp diện tích đất có thể
xác định vị trí theo nhiều phương án khác nhau thì vị trí được xác định theo
phương án có giá đất cao nhất.
3. Quy định hệ số xác định giá
đất giữa các vị trí; hệ số điều chỉnh đối với các thửa đất nằm cao hơn hoặc thấp
hơn so với mặt đường giao thông.
a) Hệ số xác định giá đất giữa
các vị trí
Tổ chức điều tra, khảo sát xây
dựng giá đất mà có thể điều tra được giá đất của cả ba vị trí thì giá đất được
xác định theo giá điều tra thực tế. Trường hợp chỉ xác định được một hoặc hai
trong ba vị trí thì sử dụng hệ số điều chỉnh sau:
- Vị trí 1: Hệ số 1,0.
- Vị trí 2: Hệ số bằng 0,9 vị
trí 1.
- Vị trí 3: Hệ số bằng 0,8 vị
trí 1.
b) Hệ số điều chỉnh đối với các
thửa đất nằm cao hơn hoặc thấp hơn so với mặt đường giao thông từ 1m trở lên
(tính theo đường giao thông gần nhất) thì giá đất được xác định bằng 80% giá đất
cùng loại, cùng vị trí. Trường hợp thửa đất nằm cao hơn hoặc thấp hơn so với mặt
đường giao thông dưới 1m (tính theo đường giao thông gần nhất) thì giá đất được
xác định bằng 90% giá đất cùng loại, cùng vị trí.
Điều 4. Quy
định về phân loại nhóm xã, khu vực, vị trí để xác định giá đất phi nông nghiệp
tại nông thôn
1. Phân loại xã: Trên địa bàn mỗi
huyện, thành phố, các xã được phân loại thành các nhóm có các điều kiện tương đồng
với nhau:
a) Nhóm xã loại 1
Các xã đạt cả bốn (04) tiêu
chí, gồm: Địa hình tương đối bằng phẳng, giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng
tương đối phát triển, có điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.
b) Nhóm xã loại 2
Các xã đạt 3/4 tiêu chí sau: Địa
hình tương đối bằng phẳng, giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng tương đối phát
triển, có điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.
c) Nhóm xã loại 3
Các xã đạt 2/4 tiêu chí sau: Địa
hình tương đối bằng phẳng, giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng tương đối phát
triển, có điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.
d) Nhóm xã loại 4 là các xã còn
lại trên địa bàn huyện, thành phố.
Trường hợp các xã trong huyện,
thành phố có điều kiện tương đồng thì có thể phân loại thành các nhóm xã, có thể
ít hơn 04 nhóm xã (không khống chế phải 4 nhóm xã/huyện, thành phố).
2. Phân khu vực, vị trí đất phi
nông nghiệp tại nông thôn: Mỗi xã được chia thành 3 khu vực, trong mỗi khu vực
được chia ra các vị trí khác nhau, cụ thể:
a) Khu vực 1: Phần diện tích đất
tiếp giáp đường giao thông (Quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, đường giao thông nông
thôn tại trung tâm xã, cụm xã) đến mét thứ 1000; phần diện tích đất nằm trong
khu thương mại, dịch vụ, chợ, khu du lịch, khu công nghiệp hoặc gần ranh giới
ngoài cùng của khu thương mại, dịch vụ, chợ, khu du lịch, khu công nghiệp có khả
năng sinh lợi, có kết cấu hạ tầng thuận lợi cho sinh hoạt, kinh doanh và cung cấp
dịch vụ đến mét thứ 1000 và được chia làm ba vị trí:
- Vị trí 1: Phần diện tích đất
tiếp giáp mép ngoài cùng của vỉa hè, chỉ giới đường giao thông hoặc mép ngoài
cùng của đường giao thông nông thôn (đối với nơi chưa có quy hoạch) đến mét thứ
40; phần diện tích đất nằm trong khu thương mại, dịch vụ, chợ, khu du lịch, khu
công nghiệp hoặc gần ranh giới ngoài cùng của khu thương mại, dịch vụ, chợ, khu
du lịch, khu công nghiệp đến mét thứ 40.
- Vị trí 2: Phần diện tích đất
tiếp giáp sau vị trí 1 (sau mét thứ 40) đến 60m tiếp theo.
- Vị trí 3: Phần diện tích còn
lại không thuộc vị trí 1 và vị trí 2.
b) Khu vực 2: Phần diện tích đất
nằm tiếp giáp đường giao thông (đường liên xã, liên thôn, bản) đến mét thứ
1000; phần diện tích đất tiếp giáp với ranh giới ngoài cùng của khu vực 1 đến
mét thứ 1000 và được phân thành 02 vị trí như sau:
- Vị trí 1: Phần diện tích đất
tiếp giáp với ranh giới ngoài cùng của khu vực 1 đến mét thứ 40; phần diện tích
đất tiếp giáp với ranh giới ngoài cùng của đường giao thông đến mét thứ 40.
- Vị trí 2: Phần diện tích đất
còn lại không phải là vị trí 1.
c) Khu vực 3: Phần diện tích đất
phi nông nghiệp còn lại trên địa bàn xã, phường, thị trấn không thuộc khu vực 1
và khu vực 2.
d) Trường hợp diện tích đất cần
xác định có nhiều phương án xác định khu vực, vị trí thì được xác định theo
phương án có giá đất cao nhất.
3. Quy định hệ số xác định giá
đất giữa các vị trí; hệ số điều chỉnh đối với các thửa đất nằm cao hơn hoặc thấp
hơn so với mặt đường giao thông
a) Hệ số xác định giá đất giữa
các vị trí
Tổ chức điều tra, khảo sát xây
dựng giá đất mà có thể điều tra được giá đất của cả ba vị trí thì giá đất được
xác định theo giá điều tra thực tế. Trường hợp chỉ xác định được giá đất của một
hoặc hai trong ba vị trí thì sử dụng hệ số điều chỉnh sau:
- Khu vực 1
+ Vị trí 1: Hệ số là 1,0.
+ Vị trí 2: Hệ số bằng 0,8 của
vị trí 1 cùng khu vực.
+ Vị trí 3: Hệ số bằng 0,6 của
vị trí 1 cùng khu vực.
- Khu vực 2
+ Vị trí 1: Hệ số là 1,0.
+ Vị trí 2: Hệ số bằng 0,8 của
vị trí 1 cùng khu vực.
- Khu vực 3: Hệ số bằng 0,5 của
vị trí 1 khu vực 2.
b) Hệ số điều chỉnh đối với thửa
đất nằm cao hơn hoặc thấp hơn so với mặt đường giao thông từ 1m trở lên (tính
theo đường giao thông gần nhất) thì giá đất được xác định bằng 80% giá đất cùng
loại, cùng vị trí, cùng khu vực. Trường hợp thửa đất cao hơn hoặc thấp hơn mặt
đường giao thông dưới 1m (tính theo đường giao thông gần nhất) thì giá đất được
xác định bằng 90% giá đất cùng loại, cùng vị trí, cùng khu vực.
Điều 5. Quy
định về vị trí để xác định giá đất phi nông nghiệp tại đô thị
1. Xác định vị trí đất: Đất phi
nông nghiệp tại đô thị, giá đất được xác định theo từng tuyến đường và được
phân thành 04 vị trí, như sau:
a) Vị trí 1: Phần diện tích đất
có vị trí tiếp giáp đường, phố (tính từ chỉ giới quy hoạch hành lang an toàn
giao thông) đến mét thứ 20;
b) Vị trí 2: Phần diện tích đất
tiếp sau vị trí 1 (sau mét thứ 20) đến 40m tiếp theo; phần diện tích đất tiếp
giáp mép đường ngõ, ngách (mặt đường ngõ, ngách có chiều rộng từ 2,5m trở lên,
cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, đi lại thuận tiện) đến mét thứ 20.
c) Vị trí 3: Phần diện tích đất
phi nông nghiệp tiếp sau vị trí 2 (sau mét thứ 40) đến mét thứ 1000.
d) Vị trí 4: Phần diện tích còn
lại không được quy định là vị trí 1, vị trí 2 và vị trí 3.
đ) Trường hợp diện tích đất cần
xác định có nhiều phương án xác định vị trí thì được xác định theo phương án có
giá đất cao nhất.
2. Quy định về hệ số xác định
giá đất giữa các vị trí; hệ số điều chỉnh đối với các thửa đất nằm cao hơn hoặc
thấp hơn so với đường giao thông
a) Hệ số xác định giá đất giữa
các vị trí
Khi điều tra, khảo sát xây dựng
giá đất mà có thể điều tra được giá đất của cả ba vị trí thì giá đất được xác định
theo giá điều tra thực tế. Trường hợp chỉ xác định được một hoặc hai trong ba vị
trí thì được phép sử dụng hệ số điều chỉnh sau:
- Vị trí 1: Hệ số là 1,0.
- Vị trí 2: Hệ số bằng 0,8 của
vị trí 1.
- Vị trí 3: Hệ số bằng 0,6 của
vị trí 1.
Trường hợp thửa đất có vị trí
tiếp giáp ngã ba, ngã tư đường giao thông, giá đất được xác định bằng 1,2 lần
giá đất cùng vị trí đó; trường hợp thửa đất tiếp giáp nhiều đoạn đường giao
thông thì giá đất được xác định bằng 1,2 lần giá đất của thửa đất tiếp giáp với
đoạn đường có giá đất cao nhất.
b) Hệ số điều chỉnh đối với các
thửa đất nằm cao hơn hoặc thấp hơn so với mặt đường giao thông từ 1m trở lên
(tính theo đường giao thông gần nhất) thì giá đất được xác định bằng 80% giá đất
cùng loại, cùng vị trí. Trường hợp thửa đất cao hơn hoặc thấp hơn mặt đường
giao thông dưới 1m (tính theo đường giao thông gần nhất) thì giá đất được xác định
bằng 90% giá đất cùng loại, cùng vị trí.
Điều 6. Quy
định tiêu chí để xác định giá một số loại đất
1. Đất nông nghiệp
a) Đất rừng phòng hộ, rừng đặc
dụng
Căn cứ vào giá đất rừng sản xuất
cùng vị trí, cùng khu vực để xác định giá đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng,
nhưng không thấp hơn 50% giá đất rừng sản xuất cùng vị trí, cùng khu vực.
b) Đất sản xuất nông nghiệp
khác
Căn cứ vào giá đất nông nghiệp
cùng vị trí, cùng khu vực để xác định giá đất sản xuất nông nghiệp khác và tối
đa bằng giá đất sản xuất nông nghiệp liền kề; trường hợp liền kề nhiều loại đất
sản xuất nông nghiệp thì căn cứ vào loại đất sản xuất nông nghiệp có giá thấp
nhất.
c) Đất nương rẫy
Trường hợp đất nương rẫy canh
tác thường xuyên, liên tục (được sử dụng liên tục mà không bỏ cách quãng về thời
gian canh tác trên đất), giá đất được xác định không thấp hơn 80% giá của loại
đất nông nghiệp tương ứng trong cùng xã.
Trường hợp đất nương rẫy canh
tác không thường xuyên (sử dụng đất bỏ cách quãng theo tập quán của người dân),
giá đất được xác định không thấp hơn 60% giá của loại đất nông nghiệp tương ứng
trong cùng xã, phường, thị trấn.
2. Đất trụ sở cơ quan, công
trình sự nghiệp; đất quốc phòng, an ninh; đất phi nông nghiệp khác
Căn cứ vào giá đất nông nghiệp
tại khu vực lân cận, giá đất ở cùng vị trí, cùng khu vực để xác định giá đất,
nhưng giá đất không thấp hơn 80% giá đất ở cùng vị trí, cùng khu vực.
3. Đất sử dụng vào mục đích
công cộng có mục đích kinh doanh, giá đất không thấp hơn 70% giá đất sản xuất
kinh doanh phi nông nghiệp cùng vị trí, cùng khu vực.
4. Đất nghĩa trang, nghĩa địa,
giá đất bằng 80% giá đất liền kề. Nếu liền kề với nhiều loại đất khác nhau thì
căn cứ vào giá của loại đất có mức giá thấp nhất; trường hợp không có loại đất
đã được định giá liền kề thì tính bằng 40% giá đất ở cùng vị trí và khu vực.
5. Đất sông suối và mặt nước
chuyên dùng sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản, giá đất được xác định bằng
80% giá đất nuôi trồng thủy sản; sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp hoặc sử dụng
vào mục đích phi nông nghiệp kết hợp với nuôi trồng thủy sản thì giá đất được
xác định không thấp hơn 80% giá đất phi nông nghiệp cùng vị trí, cùng khu vực.
6. Đất chưa sử dụng khi cần định
giá thì giá đất được xác định không thấp hơn 20% giá đất liền kề. Khi đất chưa
sử dụng được cấp có thẩm quyền cho phép đưa vào sử dụng thì giá đất được xác định
bằng giá đất cùng loại, cùng vị trí và khu vực.
Điều 7. Quy
định tiêu chí xác định giá đất tại khu vực giáp ranh
Đất phi nông nghiệp thuộc khu vực
giáp ranh được xác định theo đường địa giới hành chính giữa các huyện, thành phố
vào mỗi bên 100m, đối với đất nông nghiệp vào mỗi bên 200m và được xác định trọn
thửa đất (trường hợp thửa đất có một phần diện tích nằm ngoài giới hạn khoảng
cách), giá đất được xác định như sau:
1. Trường hợp thửa đất khu vực
giáp ranh thuộc đơn vị hành chính có giá đất thấp hơn thì giá đất được xác định
bằng trung bình giá đất cùng loại, cùng vị trí của hai đơn vị hành chính giáp
ranh;
2. Trường hợp thửa đất nằm trên
nhiều đơn vị hành chính thì giá đất được xác định bằng giá đất cùng vị trí và khu
vực của đơn vị hành chính giáp ranh có giá đất cao nhất;
3. Trường hợp các đơn vị hành
chính được ngăn cách bởi sông, suối, đồi, núi, đèo thì không xếp loại đất giáp
ranh.
Chương
III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Tổ
chức thực hiện
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được
giao, các cấp, các ngành tổ chức thực hiện theo đúng quy định; trong quá trình
thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi
trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định điều chỉnh,
sửa đổi cho phù hợp./.