Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Quyết định 357/QĐ-BTTTT năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu 357/QĐ-BTTTT
Ngày ban hành 15/03/2011
Ngày có hiệu lực 15/03/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Lê Doãn Hợp
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 357/QĐ-BTTTT

Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG ĐẾN NĂM 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long;
Theo đề nghị của Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020” với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển công nghệ thông tin và truyền thông đi trước một bước làm hạt nhân lan tỏa và động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần đưa Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành trung tâm kinh tế, thương mại lớn của cả nước.

- Phát triển viễn thông toàn diện cả về mạng lưới, công nghệ và dịch vụ, đảm bảo an toàn mạng lưới, kết nối liên vùng và cả nước, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho toàn vùng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, phục vụ tốt và kịp thời cho công tác an ninh, quốc phòng trong mọi tình huống.

- Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin (CNTT) trong mọi lĩnh vực, ưu tiên đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, từng bước xây dựng “tỉnh, thành phố điện tử”.

- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp CNTT, chú trọng phát triển dịch vụ CNTT, sản xuất nội dung thông tin số và phần mềm, góp phần quan trọng vào tăng cường năng lực công nghệ quốc gia.

- Phát triển nguồn nhân lực CNTT là yếu tố then chốt có ý nghĩa quyết định đối với việc phát triển và ứng dụng CNTT. Phát triển nguồn nhân lực CNTT phải đảm bảo chất lượng, đồng bộ, chuyển dịch nhanh về cơ cấu theo hướng tăng tỷ lệ nguồn nhân lực có trình độ cao.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Phát triển viễn thông

- Xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông băng rộng hiện đại, có thông lượng lớn có độ tin cậy cao. Phát triển Cần Thơ trở thành một trung tâm dịch vụ viễn thông chất lượng cao của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước.

- Đến năm 2015, hoàn thành mạng băng rộng đến tất cả các xã, phường và phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 85% dân cư. Ít nhất 20% số hộ gia đình có máy tính và có thể truy cập Internet băng rộng. Hầu hết các hộ gia đình đều có điện thoại (cố định hoặc di động).

- Đến năm 2020, hoàn thiện mạng băng rộng đến hầu hết các khóm, ấp và phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 95% dân cư. Ít nhất 50% số hộ gia đình có máy tính và có thể truy cập Internet băng rộng. Tất cả các hộ gia đình đều có điện thoại (cố định hoặc di động).

2.2. Phát triển ứng dụng CNTT

a) Đến năm 2015

+ Ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước

- Ít nhất 60% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện hoàn toàn dưới dạng điện tử, trừ các văn bản có tính mật; Trên 90% hồ sơ quản lý cán bộ, công chức các cấp có thể quản lý chung trên mạng và tích hợp vào cơ sở dữ liệu quản lý cán bộ, công chức toàn quốc.

- 100% các cuộc họp của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với Chính phủ có thể được thực hiện trên môi trường mạng; Ít nhất 60% các cuộc họp của Ủy ban nhân dân tỉnh với các huyện, thị, thành phố trực thuộc và giữa các cơ quan cấp tỉnh với các huyện, thị, thành phố được thực hiện trên môi trường mạng.

- Hầu hết cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc.

+ Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp

- Trên 85% các cơ quan nhà nước cấp huyện trở lên có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin theo Điều 28 của Luật Công nghệ thông tin, cung cấp tất cả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến.

- Trên 40% hồ sơ khai thuế của người dân và doanh nghiệp được nộp qua mạng; Cơ quan hải quan các tỉnh, thành phố triển khai thủ tục hải quan điện tử; Trên 20% số gói thầu về mua sắm hàng hóa, xây lắp và dịch vụ tư vấn sử dụng vốn nhà nước được thực hiện đấu thầu qua mạng; Ít nhất 20% hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng được nộp qua mạng.

- Trên 30% công dân trên 14 tuổi được cấp chứng minh thư nhân dân sản xuất trên dây chuyền hiện đại với một số chứng minh thư duy nhất không trùng lặp, chống làm giả.

[...]