Quyết định 492/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt Đề án thành lập Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 492/QĐ-TTg
Ngày ban hành 16/04/2009
Ngày có hiệu lực 31/05/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 492/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 04 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÀNH LẬP VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1312/TTr-BKH ngày 03 tháng 3 năm 2009 về Đề án thành lập “Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long”,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Đề án thành lập Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long với những nội dung chủ yếu sau:

1. Phạm vi Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long:

Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là: thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, tỉnh Kiên Giang và tỉnh Cà Mau.

2. Định hướng phát triển Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020:

a. Vị trí, vai trò của Vùng kinh tế trọng điểm đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long:

- Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, có đóng góp lớn vào xuất khẩu nông thủy sản của cả nước. Ngoài ra, Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long còn đóng vai trò quan trọng trong chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp giống, các dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Là trung tâm năng lượng lớn của cả nước với ba trung tâm điện lực Ô Môn, Cà Mau, Kiên Lương với tổng công suất khoảng 9.000 MW - 9.400 MW và cung cấp khí đốt từ các mỏ khí Tây Nam.

- Là trung tâm dịch vụ (giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, thương mại …), du lịch lớn của cả nước.

- Là cầu nối trong hội nhập kinh tế khu vực và giữ vị trí quan trọng về quốc phòng an ninh của đất nước.

b. Quan điểm phát triển:

- Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và toàn Vùng kinh tế trọng điểm, trên cơ sở phát triển hiệu quả, toàn diện các khu vực đồng bằng, ven biển và kinh tế biển, trong thế liên kết với các địa phương khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và hợp tác với các địa phương vùng khác trong cả nước, trước hết là vùng Đông Nam Bộ. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm nhanh tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ cả trong GDP và cơ cấu lao động.

- Chủ động hội nhập sâu rộng, đẩy mạnh mở rộng giao thương kinh tế với các nước trong khu vực và quốc tế. Huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn so với bình quân cả nước, nâng cao chất lượng tăng trưởng.

- Gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, giảm dần sự chênh lệch về phát triển xã hội giữa các khu vực và giữa đồng bào dân tộc Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đối với đồng bào dân tộc Khơme.

- Phát triển kinh tế kết hợp với bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững.

- Phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường, củng cố an ninh - quốc phòng, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

c. Mục tiêu phát triển:

- Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế hiện đại, có đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của đất nước, góp phần quan trọng vào việc xây dựng cả vùng đồng bằng sông Cửu Long giàu mạnh, các mặt văn hóa, xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước; bảo đảm ổn định chính trị và an ninh quốc phòng vững chắc.

- Các mục tiêu cụ thể:

+ Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2009-2010 của Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt gấp khoảng 1,2 lần và thời kỳ 2011 - 2020 gấp khoảng 1,25 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước. Tăng tỷ lệ đóng góp của vùng trong GDP của cả nước từ 10,5% hiện nay lên khoảng 11,6% năm 2010 và 13,3% năm 2020.

+ Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp, đến năm 2010 khu vực nông lâm thủy sản chiếm 29,4% và giảm xuống 15% năm 2020; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 28,7% năm 2010 và tăng lên 40% năm 2020; khu vực dịch vụ chiếm 41,9% năm 2010 và tăng lên 45% năm 2020.

+ GDP bình quân đầu người đạt khoảng 1.200 USD năm 2010 và khoảng 3.000 USD vào năm 2020.

+ Tăng giá trị xuất khẩu bình quân đầu người/năm từ 310 USD năm 2007 lên 490 USD năm 2010 và 1.900 USD năm 2020.

[...]