Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 3518/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án “Xây dựng, nhân rộng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023-2026”

Số hiệu 3518/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/09/2023
Ngày có hiệu lực 29/09/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Mai Xuân Liêm
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3518/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 29 tháng 9 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG, NHÂN RỘNG, CỦNG CỐ, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC MÔ HÌNH TỰ QUẢN TRONG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA, GIAI ĐOẠN 2023 - 2026”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới;

Căn cứ Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới;

Căn cứ Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông, giai đoạn 2022 - 2025;

Căn cứ Thông tư số 124/2021/TT-BCA ngày 28/12/2021 của Bộ Công an quy định về khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”;

Căn cứ các Chỉ thị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh: số 04/CT-UBND ngày 18/01/2016 về chống lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; số 08/CT-UBND ngày 29/4/2021 về tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT nhằm hạn chế, giảm TNGT trên địa bàn tỉnh;

Căn cứ Quyết định số 01/2021/QĐ-UBND ngày 28/01/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa;

Căn cứ Quyết định số 127/QĐ-UBND ngày 07/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Chương trình công tác năm 2022;

Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Tờ trình số 91/TTr-CAT-PV01 ngày 13/3/2023 về phê duyệt Đề án “Xây dựng, nhân rộng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023 - 2026”; của Sở Tư pháp pháp tại Văn bản số 867/STP-XDKTVB ngày 27/4/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Xây dựng, nhân rộng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023 - 2026”, với những nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Nhằm phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả điều hành của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể và lực lượng Công an để xây dựng, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (viết tắt là TTATGT) góp phần làm giảm vi phạm, tai nạn và ùn tắc giao thông tại các địa bàn trọng điểm phức tạp về TTATGT.

2. Mục tiêu cụ thể

Năm 2023, 2024, 2025 mỗi năm xây dựng, củng cố 50 mô hình tự quản về TTATGT tại 150 địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATGT đã được lựa chọn. Trong 03 năm củng cố, kiện toàn, thành lập 150 mô hình (có 32 mô hình củng cố, kiện toàn, 118 mô hình xây dựng mới), cụ thể: Năm 2023 củng cố, kiện toàn 12 mô hình, xây dựng mới 38 mô hình; Năm 2024 củng cố, kiện toàn 10 mô hình, xây dựng mới 40 mô hình; Năm 2025 củng cố, kiện toàn 10 mô hình, xây dựng mới 40 mô hình). Gắn với 05 loại mô hình sau: Mô hình “Tổ tự quản tham gia bảo đảm TTATGT” (60 mô hình); mô hình “Cổng trường tự quản về TTATGT” (50 mô hình); mô hình “Cựu chiến binh tự quản về TTATGT” (30 mô hình); mô hình “Tổ công nhân tự quản về TTATGT (07 mô hình); mô hình “Chung tay bảo vệ đường sắt và tôi yêu đường sắt quê tôi” (03 mô hình). Năm 2026 tập trung củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình và tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm để triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Xây dựng, củng cố, nhân rộng các mô hình

Căn cứ vào đặc điểm tình hình từng địa bàn tại 150 địa bàn trọng điểm phức tạp về TTATGT để lựa chọn xây dựng loại mô hình nào cho phù hợp, sát với thực tiễn, phát huy được hiệu quả hoạt động. Tập trung lựa chọn xây dựng 05 loại mô hình sau: Mô hình “Tổ tự quản tham gia bảo đảm TTATGT”; mô hình “Cổng trường tự quản về TTATGT”; mô hình “Cựu chiến binh tự quản về TTATGT”; mô hình “Tổ công nhân tự quản về TTATGT; mô hình “Chung tay bảo vệ đường sắt và tôi yêu đường sắt quê tôi”.

a) Mô hình “Tổ tự quản tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”

- Địa điểm xây dựng: Tại các địa bàn trọng điểm phức tạp về TTATGT đã được lựa chọn.

- Lực lượng tham gia các mô hình.

+ Ban Chỉ đạo an ninh, trật tự cấp xã sẽ là Ban Chỉ đạo của mô hình.

+ Số cán bộ nòng cốt tại cơ sở, bảo vệ các cơ quan, doanh nghiệp, các hộ kinh doanh trên các tuyến đường và đội ngũ xe ôm, số quần chúng tích cực tại cơ sở… là những người có sức khỏe tốt nhiệt tình, tự nguyện tham gia vào mô hình tự quản.

- Số lượng thành viên: Mỗi mô hình phải đảm bảo tối thiểu 05 thành viên nòng cốt, trong đó có 01 tổ trưởng, ít nhất 01 tổ phó.

[...]