Quyết định 3503/QĐ-UBND.VX năm 2007 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Y tế tỉnh Nghệ An giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 do Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành

Số hiệu 3503/QĐ-UBND.VX
Ngày ban hành 11/09/2007
Ngày có hiệu lực 21/09/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Hoàng Ky
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3503/QĐ-UBND.VX

Vinh, ngày 11 tháng 9 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ NGHỆ AN GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân ban hành ngày 30 tháng 6 năm 1989;

Căn cứ Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 08/NQ-TU ngày 13 tháng 11 năm 2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân đến năm 2010 và những năm tiếp theo;

Căn cứ Quyết định số 87/2005/QĐ-UBND ngày 03/10/2005 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Sở Y tế;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An tại Tờ trình số 1264/SYT-KH ngày 10/8/2007 về việc quy hoạch tổng thể phát triển Y tế tỉnh Nghệ An,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Y tế tỉnh Nghệ An giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Hệ thống Y tế theo quy hoạch này gồm mạng lưới cung cấp dịch vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở, khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng, mạng lưới sản xuất, lưu thông, phân phối và cung ứng thuốc.

2. Mục tiêu chung: xây dựng hệ thống Y tế tỉnh Nghệ An trong lộ trình chung của Hệ thống Y tế Việt Nam, từng bước hiện đại, hoàn chỉnh, và đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật và tử vong, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng cuộc sống; đạt và vượt các chỉ tiêu về sức khỏe đã đề ra trong Chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2001 - 2010.

3. Mục tiêu cụ thể:

a) Đầu tư phát triển mạng lưới y tế dự phòng có đủ khả năng dự báo, giám sát, phát hiện và khống chế các dịch bệnh, nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, tật gây ra, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

- Phòng chống dịch chủ động, tích cực, không để dịch lớn xảy ra.

- Kiểm soát, khống chế được các bệnh dịch nguy hiểm và các tác nhân truyền nhiễm, gây dịch, nhất là các dịch bệnh mới phát sinh.

- Khống chế số người nhiễm HIV ở mức dưới 0,3% dân số vào năm 2010 và không tăng hơn trong các năm sau.

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.

b) Đầu tư, sắp xếp mạng lưới khám, chữa bệnh theo hướng:

- Sắp xếp và củng cố mạng lưới khám, chữa bệnh theo cụm dân cư; các đơn vị chuyên môn y tế được quản lý theo ngành, bảo đảm cho mọi người dân tiếp cận một cách thuận lợi với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng tại các tuyến.

- Bảo đảm tính hệ thống và tính liên tục trong chuyên môn của từng tuyến điều trị và sự phát triển cân đối, hợp lý giữa các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa.

- Các bệnh viện xây dựng mới phải phù hợp với quy hoạch chung; bảo đảm đủ điều kiện xử lý chất thải y tế, chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện để các hoạt động khám chữa bệnh không ảnh hưởng đến người dân và môi trường sống.

- Phấn đấu đến năm 2010 và 2020, số giường bệnh /vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 16 giường (năm 2010) và 20, 5 giường (năm 2020), trong đó số giường của bệnh viện tư nhân từ 1 - 2 giường.

- Duy trì, củng cố và hiện đại hoá Bệnh viện Y học cổ truyền để đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng II, phát triển thêm các khoa y dược học cổ truyền ở những bệnh viện đa khoa huyện đang còn ở dạng Tổ Đông y, đồng thời làm cơ sở thực hành về Y dược học cổ truyền cho đào tạo chuyên ngành.

c) Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ y tế thiết yếu có chất lượng. Đến năm 2010, bảo đảm hầu hết các xã có nhà trạm y tế kiên cố, đạt tiêu chuẩn và 75% xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã.

d) Phát triển ngành dược thành một ngành kinh tế - kỹ thuật. Phát triển mạnh công nghiệp dược, nâng cao năng lực sản xuất thuốc trong tỉnh, ưu tiên các dạng bào chế công nghiệp cao. Quy hoạch và phát triển các vùng nuôi, trồng dược liệu, các cơ sở sản xuất nguyên liệu hoá dược. Củng cố phát triển mạng lưới lưu thông, phân phối và cung ứng thuốc để chủ động cung ứng thường xuyên, đủ thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý và ổn định thị trường thuốc phòng và chữa bệnh cho nhân dân. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng ngừa, khắc phục ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua đường thực phẩm.

4. Nội dung quy hoạch phát triển hệ thống Y tế tỉnh Nghệ An

[...]