Quyết định 35/2007/QĐ-UBND ban hành Quy chế phân công trách nhiệm và phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành

Số hiệu 35/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 28/08/2007
Ngày có hiệu lực 07/09/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Nguyễn Văn Phòng
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 35/2007/QĐ-UBND

Mỹ Tho, ngày 28 tháng 8 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa ngày 24/12/1999;
Căn cứ Nghị định số 179/2004/NĐ-CP ngày 21/10/2004 của Chính phủ Quy định quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Quy chế phân công trách nhiệm và phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2009/1998/QĐ.UB ngày 30/7/1998 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc ban hành Quy chế phân công trách nhiệm và phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý chất lượng hàng hóa.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phòng

 

QUY CHẾ

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 35/2007/QĐ-UBND ngày 28 tháng 8 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định trách nhiệm và phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành (gọi tắt là các Sở chuyên ngành) trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện) đối với hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Ngoài việc thực hiện Quy chế này, các Sở chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện còn phải thực hiện các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan (như: Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Dược…).

Điều 2. Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan đầu mối, phối hợp với các Sở chuyên ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo và thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh đúng theo quy định của pháp luật.

Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh thuộc Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan trực tiếp giúp Sở Khoa học và Công nghệ trong công tác tham mưu, quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Nội dung thực hiện công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các Sở chuyên ngành, như sau:

1. Tổ chức tuyên truyền, tổ chức thực hiện trong nội bộ ngành các quy định của pháp luật về quản lý về chất lượng sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành; đề xuất và tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quy chuẩn kỹ thuật địa phương, các văn bản hướng dẫn đối với công tác quản lý về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đồng thời, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị với Trung ương sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý về chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm khắc phục những quy định bất cập, gây cản trở cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Riêng công tác tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật chung về quản lý về chất lượng sản phẩm, hàng hóa giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Sở chuyên ngành thực hiện.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện, kế hoạch công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dành kinh phí thích hợp để xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, mua sắm các trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

3. Hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức (các hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp…), cơ sở sản xuất xây dựng tiêu chuẩn cơ sở và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; tiếp nhận, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy trên các lĩnh vực sản phẩm, hàng hóa được phân công.

4. Chủ trì và phối hợp chặt chẽ với các Sở chuyên ngành có liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa (từ khâu chuẩn bị sản xuất đến tạo ra sản phẩm và lưu thông trên thị trường).

5. Tổ chức tiếp nhận và giải quyết hoặc chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm để giải quyết các khiếu nại, tố cáo và các kiến nghị về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

6. Xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với hoạt động sản xuất hàng hóa kém chất lượng, hàng giả hoặc kiến nghị với các cơ quan pháp luật xử lý những vụ việc có dấu hiệu phạm tội.

Điều 4. Đối với các sản phẩm, hàng hóa đặc thù theo Điều 5 của Quy chế này, Giám đốc các Sở chuyên ngành chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về những việc sau đây:

[...]