Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Nghị định 61/1998/NĐ-CP về công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp

Số hiệu 61/1998/NĐ-CP
Ngày ban hành 15/08/1998
Ngày có hiệu lực 30/08/1998
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 61/1998/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 15 tháng 8 năm 1998

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 61/1998/NĐ-CP NGÀY 15 THÁNG 8 NĂM 1998VỀ CÔNG TÁC THANH TRA, KIỂM TRA ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh Thanh tra ngày 01 tháng 4 năm 1990;
Để chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp;
Theo đề nghị của Tổng Thanh tra Nhà nước,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm mục đích giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động đúng pháp luật, có hiệu quả; tăng cường pháp chế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần hoàn thiện cơ chế quản lý; bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Cơ sở sản xuất, kinh doanh được quy định trong Nghị định này bao gồm : doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân, kể cả cá nhân và nhóm kinh doanh quy định tại Nghị định số 66/HĐBT ngày 02 tháng 3 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) dưới đây gọi chung là doanh nghiệp.

Điều 2. Các cơ quan Nhà nước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp phải theo đúng chức năng, thẩm quyền, thủ tục do pháp luật quy định và phải bảo đảm tính chính xác, khách quan, công khai, dân chủ.

Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền thanh tra, kiểm tra để sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với doanh nghiệp.

Điều 3. Việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp chỉ được thực hiện khi có quyết định của thủ trưởng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; không được tiến hành trùng lặp, không quá một lần về cùng một nội dung trong một năm đối với một doanh nghiệp (trừ trường hợp bất thường).

Điều 4. Khi kết thúc việc thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp phải có kết luận bằng văn bản về nội dung đã thanh tra, kiểm tra; người được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận của mình.

Điều 5. Doanh nghiệp có trách nhiệm thường xuyên tự kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, tự giác thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và phải chấp hành nghiêm chỉnh các kết luận, quyết định phù hợp với phát luật về thanh tra, kiểm tra của các cơ quan Nhà nước.

Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở hoạt động thanh tra, kiểm tra hoặc mua chuộc cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra.

Điều 6. Doanh nghiệp có quyền từ chối việc thanh tra, kiểm tra trái quy định của pháp luật; có quyền khiếu nại các quyết định, kết luận về thanh tra, kiểm tra.

Mọi thành viên của doanh nghiệp có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo đó.

Các khiếu nại, tố cáo về hoạt động thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết kịp thời, đúng pháp luật.

Điều 7. Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm xác định kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm và chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra.

Chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra phải xác định rõ yêu cầu, nội dung, phạm vi, đối tượng, thời gian thực hiện và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 8. Tổng Thanh tra Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng và phê duyệt chương trình, kế hoạch thanh tra của cơ quan Thanh tra Nhà nước; hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng chương trình thanh tra của ngành, địa phương; phối hợp với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định chương trình, kế hoạch của mỗi ngành, tránh trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm sát.

Điều 9. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng và phê duyệt chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra của ngành, địa phương mình.

Trong trường hợp chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra có sự trùng lặp về nội dung, thời gian thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải phối hợp để giải quyết, nếu còn ý kiến khác nhau thì Tổng Thanh tra Nhà nước tổng hợp tình hình báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. ở địa phương, nếu còn ý kiến khác nhau giữa các sở, ngành, quận huyện thì Chánh Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp tình hình báo cáo Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

Điều 10. Chánh Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ vào hướng dẫn của Tổng Thanh tra Nhà nước và yêu cầu công tác thanh tra của Bộ, ngành mình có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phê duyệt.

Thủ trưởng các cơ quan có chức năng kiểm tra đối với doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng chương trình kế hoạch kiểm tra, thống nhất với Chánh thanh tra Bộ trước khi trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phê duyệt.

Điều 11. Chánh thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào hướng dẫn của Tổng Thanh tra Nhà nước và yêu cầu công tác quản lý của địa phương mình có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra và tổng hợp chương trình, kế hoạch kiểm tra trình Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt; phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp trong việc xác định chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm sát tại doanh nghiệp tránh trùng lặp.

Điều 12. Tổng Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm toán hàng năm, thống nhất với Tổng Thanh tra Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình kế hoạch đó.

Điều 13. Việc ban hành quyết định thanh tra phải căn cứ vào chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt; quyết định thanh tra do Thủ trưởng các cơ quan thanh tra trong hệ thống tổ chức thanh tra Nhà nước hoặc Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước ban hành và phải thông báo cho doanh nghiệp trước khi công bố quyết định thanh tra ít nhất là 07 ngày, trừ trường hợp thanh tra bất thường hoặc phúc tra theo quy định tại Điều 16 và Điều 17 của Nghị định này.

Điều 14. Quyết định thanh tra phải ghi rõ :

[...]