ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
3492/QĐ-UBND
|
Bình
Định, ngày 30 tháng 9 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH
DOANH XĂNG DẦU BẰNG BIỆN PHÁP DÁN TEM NIÊM PHONG ĐỒNG HỒ ĐẾM TỔNG CÁC CỘT ĐO
XĂNG DẦU NHẰM CHỐNG THẤT THU NGÂN SÁCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước
ngày 16/12/2002;
Căn cứ Nghị định số
83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;
Căn cứ Công văn số
12733/BTC-TCT ngày 13/9/2016 của Bộ Tài chính về việc đề nghị phối hợp chỉ đạo
công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu;
Căn cứ Công văn số
4156/TCT-DNL ngày 13/9/2016 của Tổng Cục thuế về việc tăng cường quản lý thuế đối
với hoạt động kinh doanh xăng dầu;
Xét đề nghị của Cục Thuế tỉnh
tại Văn bản số 1731/CT-KTT1 ngày 28/9/2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh xăng
dầu bằng biện pháp dán tem niêm phong đồng hồ đếm tổng các cột đo xăng dầu nhằm
chống thất thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Quyết định này là cơ sở để Cục Thuế tỉnh và các cơ
quan, đơn vị có liên quan phối hợp, triển khai thực hiện công tác quản lý thuế
đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu theo quy định.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở Công Thương, Tài
chính, Khoa học và Công nghệ; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh;
Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và
Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể
từ ngày ký./.
ĐỀ ÁN
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH XĂNG DẦU BẰNG
BIỆN PHÁP DÁN TEM NIÊM PHONG ĐỒNG HỒ ĐẾM TỔNG CÁC CỘT ĐO XĂNG DẦU NHẰM CHỐNG THẤT
THU NGÂN SÁCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Quyết định số 3492/QĐ-UBND ngày 30/9/2016 của UBND tỉnh)
I. Đặt vấn đề:
Tỉnh Bình Định nằm ở Nam Trung
Bộ, phía bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía nam giáp tỉnh Phú Yên, phía tây giáp tỉnh
Gia Lai và phía đông giáp biển Đông, diện tích tự nhiên 6.025,6 km2,
nằm trên các tuyến giao thông quan trọng của cả nước: Quốc lộ 1A dài trên 110
km, Quốc lộ 19 dài trên 56 km; có sân bay Phù Cát, có các cảng biển tại Quy
Nhơn, Hoài Nhơn và Phù Cát; hệ thống đường sắt Bắc - Nam.
Thời gian qua, hệ thống giao
thông trong tỉnh phát triển nhanh, một số tuyến đường tỉnh đã được nâng cấp
thành Quốc lộ 1D, 19B, 19C, tuyến đường phía Đông và Tây của tỉnh cũng đã hoàn
thành, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng phát triển mạnh mẽ, nhiều khu công nghiệp,
cụm công nghiệp như Nhơn Hòa, Nhơn Tân, Cát Nhơn...và nhiều khu đô thị mới cũng
đã hình thành và đang phát triển nhanh.
Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển,
cảng cá trên địa bàn tỉnh được đầu tư mở rộng tạo điều kiện cho hoạt động vận tải
biển và đánh bắt hải sản của ngư dân trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.
Cùng với sự phát triển trên, nhu cầu tiêu thụ
xăng dầu trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng lớn hơn. Tuy nhiên, số thu NSNN từ
lĩnh vực kinh doanh xăng dầu thời gian qua còn chưa tương xứng với tốc độ phát
triển. Vì thế, quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh xăng dầu, chống buôn lậu
và gian lận thương mại, chống thất thu thuế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
cần phải được tăng cường, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, có hiệu
quả, tạo cơ sở cho hoạt động kinh doanh xăng dầu phát triển bền vững, tạo công
bằng trong kinh doanh và góp phần tăng nguồn thu NSNN trên địa bàn tỉnh.
II. Thực trạng
hoạt động kinh doanh xăng dầu và quản lý thuế đối với hoạt động này trên địa
bàn tỉnh
Hoạt động kinh doanh xăng dầu
hiện nay chịu sự điều chỉnh tại các văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh
xăng dầu và Thông tư số 38/2014/TT-BCT ngày 24/10/2014 của Bộ Công thương quy định
chi tiết một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ
về kinh doanh xăng dầu.
1. Thực trạng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn
a.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 04 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh mua bán xăng dầu,
có thực hiện kê khai và nộp thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) là:
- Công ty Xăng dầu Bình Định, địa
chỉ 85 Trần Hưng Đạo, Quy Nhơn (doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn xăng dầu Việt
Nam - Petrolimex);
- Chi nhánh Công ty cổ phần Xăng dầu
Dầu khí Phú Yên tại Bình Định, địa chỉ 04 Phan Chu Trinh, Quy Nhơn;
- Chi nhánh Tổng công ty Thương mại
Kỹ thuật và Đầu tư - Công ty cổ phần tại Bình Định, địa chỉ 389 Trần Hưng Đạo,
Quy Nhơn;
- Chi nhánh Xăng Dầu Quân Đội khu
vực Tây Nguyên - Công Ty TNHH MTV Tổng Công ty Xăng Dầu Quân đội, địa chỉ tổ 8,
khu vực 4, Trần Quang Diệu, Quy Nhơn.
Số thuế BVMT do 4 doanh nghiệp thực
hiện kê khai nộp cho NSNN trong năm 2014 là 102 tỷ đồng, năm 2015 là 301 tỷ đồng
và 6 tháng đầu năm 2016 là 263 tỷ đồng. Qua kiểm tra và làm việc của cơ quan
thuế cho thấy cả 4 doanh nghiệp đều chấp hành tốt các quy định của Nhà nước
trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Nguồn xăng dầu mua vào, bán ra đều có nguồn
gốc rõ ràng và có hóa đơn chứng từ theo quy định.
b. Cho
đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4 doanh nghiệp được công nhận là Thương nhân
phân phối kinh doanh xăng dầu, đó là:
- Công ty cổ phần Thủy sản Hoài
Nhơn, MST: 4100302682, địa chỉ: Thiện Chánh 1, Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn.
- Công ty cổ phần Thương Mại Quy
Nhơn, MST: 4100648560, địa chỉ: 04 Phan Chu Trinh, Hải Cảng, Quy Nhơn.
- Công ty cổ phần Petec Bình Định,
MST: 4100406219, địa chỉ: 389 đường Trần Hưng Đạo, Trần Hưng Đạo, Quy Nhơn.
- Công ty cổ phần Thương Mại - Dịch
Vụ Hiệp Hòa, MST: 4100668616, địa chỉ: 112 Hai Bà Trưng, Lê Lợi, Quy Nhơn.
* Số doanh nghiệp làm Tổng đại lý
kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh hiện nay có 03 đơn vị là:
- Công ty TNHH Hiệp Hòa, địa chỉ 112 Hai Bà
Trưng, Quy Nhơn.
- Công ty TNHH TMTH Việt Hưng, địa chỉ xã Tam
Quan Bắc, Hoài Nhơn.
- Công ty TNHH Xăng dầu & Thủy sản Bảy Cường,
địa chỉ phường Hải Cảng, Quy Nhơn.
Qua số liệu theo dõi của ngành Thuế, các doanh
nghiệp trên đều chưa chấp hành đúng các quy định về hoạt động kinh doanh xăng dầu
như: ngoài việc mua xăng dầu tại 4 doanh nghiệp đầu mối của tỉnh nêu trên, các
doanh nghiệp còn mua của các doanh nghiệp đầu mối khác ở ngoài tỉnh (ngoài hệ
thống phân phối) làm giảm số thuế BVMT nộp tại tỉnh; bên cạnh
đó, là việc bán xăng dầu ra ngoài hệ thống phân phối của doanh nghiệp vẫn còn
diễn ra thường xuyên, chưa đúng theo quy định.
c. Các doanh nghiệp còn lại, kinh doanh
xăng dầu theo hình thức là đại lý và nhượng quyền bán lẻ xăng dầu khoảng trên
125 đơn vị.
Thông qua số liệu quản lý của ngành thuế và tình
hình nắm được cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp này đều thực hiện chưa đúng
các quy định về kinh doanh xăng dầu và chế độ hóa đơn chứng từ như: mua xăng dầu
không có nguồn gốc, không có hóa đơn với giá thấp để bán ra kiếm lãi cao hơn;
mua xăng dầu ngoài hệ thống cho làm đại lý, nhượng quyền bán lẻ; bán hàng không
xuất hóa đơn kịp thời hoặc không xuất hóa đơn cho người tiêu dùng theo quy định
mà lợi dụng để bán hóa đơn theo số lượng xăng dầu đã bán cho các doanh nghiệp
khác (xây dựng, vận tải...) để thu lợi bất chính và làm thất thu NSNN từ các loại
thuế GTGT, TNDN, nhất là việc bán xăng dầu cho các hộ đánh bắt hải sản tại các
cảng biển.
d. Theo tính toán về sản lượng xăng dầu
tiêu thụ trên địa bàn tỉnh của một số doanh nghiệp đầu mối, thì lượng tiêu thụ
một năm tại Bình Định khoảng trên 356 triệu m3/năm.
Đối chiếu với số liệu khai thuế BVMT của 04
doanh nghiệp đầu mối trên địa bàn tỉnh thì năm 2015 sản lượng
xăng dầu tiêu thụ là 201 triệu m3 và 6 tháng đầu năm 2016 là
129 triệu m3 thì lượng xăng dầu mua của các doanh nghiệp ngoài tỉnh,
mua trôi nổi không có hóa đơn chứng từ, không có nguồn gốc chưa quản lý được là
rất lớn, nhất là tại các cảng biển và trên biển.
2. Thực
trạng quản lý, thu thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn
Hiện nay, Văn phòng Cục Thuế tỉnh
và Chi cục thuế các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện quản lý thu thuế đối
với tất cả các doanh nghiệp có kinh doanh xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy
nhiên, công tác quản lý vẫn chủ yếu dựa vào số liệu tự kê khai, tự nộp thuế và
tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp theo quy định của Luật Quản lý thuế và các
văn bản hướng dẫn thi hành. Việc phát hiện các vi phạm về kinh doanh xăng dầu
và phối hợp xử lý giữa cơ quan thuế và các cơ quan chức năng như Sở Công
Thương, Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh là chưa chặt chẽ. Công tác thanh tra,
kiểm tra thuế đối với doanh nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào hệ thống sổ sách kế toán
và hóa đơn chứng từ do doanh nghiệp cung cấp nên chưa phát hiện được các hành
vi kinh doanh trái phép, chưa đúng quy định, trốn thuế... số thuế của các doanh
nghiệp kinh doanh xăng dầu kê khai và thực hiện nộp qua các năm chưa tương xứng
với mức độ kinh doanh, nhất là đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Số liệu
tổng hợp về thuế trên địa bàn tỉnh qua các năm như sau:
Đơn
vị tính: triệu đồng
Năm
|
Số DN
|
Tổng doanh thu
|
Thuế BVMT
|
Thuế GTGT
|
Thuế TNDN
|
Tổng cộng
|
Tỷ lệ % trên DT
|
2015
|
138
|
6.833.985
|
301.270
|
50.762
|
14.713
|
65.475
|
0,96
|
2016 (6tháng)
|
138
|
2.988.158
|
263.939
|
35.752
|
5.066
|
40.818
|
1,36
|
Tổng cộng
|
138
|
9.822.143
|
489.740
|
86.514
|
19.779
|
106.293
|
1,08
|
Trong thực tiễn quản lý thuế đối với
hoạt động kinh doanh xăng dầu, chủ yếu là quản lý được doanh thu và qua đó để
quản lý đúng được các loại thuế phát sinh đối với hoạt động này vẫn còn nhiều bất
cập, tồn tại:
+ Đối với hoạt động kinh doanh
xăng dầu của những công ty lớn, có tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, thì việc
chấp hành quy định về kinh doanh xăng dầu là tốt. Việc quản lý kinh doanh của
công ty tương đối chặt chẽ từ khâu nhập hàng, xuất hàng bán cho người tiêu
dùng; việc chấp hành chế độ kế toán, quản lý sử dụng hóa đơn khá tốt, nên giảm
thiểu được thất thu về thuế.
+ Đối với những doanh nghiệp ngoài
quốc doanh: việc chấp hành quy định về kinh doanh xăng dầu còn nhiều bất cập. Rất
khó quản lý việc nhập hàng và bán hàng cho người tiêu dùng. Điều này dẫn đến việc
kê khai không đúng doanh thu thực tế phát sinh, gây thất thu thuế, đặc biệt có
hiện tượng một số doanh nghiệp mua xăng dầu trôi nổi trên thị trường không có
hóa đơn, không rõ nguồn gốc. Hiện tượng này vừa gây thất thu NSNN (đặc biệt là
thuế bảo vệ môi trường), tạo môi trường không bình đẳng trong kinh doanh và đồng
thời khó bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng.
+ Một số người tiêu dùng mua xăng
dầu không lấy hóa đơn nhất là các cá nhân và các hộ đánh bắt thủy hải sản, nên
một số doanh nghiệp đã lợi dụng bán khống hóa đơn GTGT cho một số doanh nghiệp
(chủ yếu là hoạt động XDCB và vận tải)... để hạch toán vào chi phí làm thất thu
về thuế GTGT và TNDN.
3.
Nguyên nhân của tồn tại
a. Về
phía các cơ quan nhà nước
Tình trạng kinh doanh trốn doanh
thu, bán hàng không xuất hóa đơn, mua hàng không có nguồn gốc, không có hóa đơn
chứng từ đã tồn tại trong một thời gian dài, đã được công luận lên tiếng, phản
ánh nhiều. Các cấp chính quyền và các cơ
quan chức năng tuy có nhiều biện pháp nhưng chưa ngăn chặn kịp thời
được tình trạng này.
Quy định của Nhà nước về kinh
doanh xăng dầu là mỗi doanh nghiệp phải hoạt động theo một trong các hình thức:
Tổng đại lý, đại lý hoặc nhượng quyền bán lẻ cho một nhà phân phối (doanh nghiệp
đầu mối, thương nhân phân phối và Tổng đại lý) và chỉ được nhận xăng dầu từ một
nhà phân phối đó mà thôi. Tuy nhiên, trong thực tế các cơ quan chức năng chưa
chú ý hoặc chưa quản lý được việc doanh nghiệp chỉ nhập xăng dầu duy nhất từ 1
nhà phân phối.
Công tác tổ chức quản lý thu thuế
đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, thời gian qua mặc dù đã có nhiều cố gắng
nhưng trong thực tế vẫn còn chưa có nhiều biện pháp để đưa hoạt động này vào nền
nếp. Một số Chi cục Thuế thiếu chủ động tham mưu, đề xuất với UBND các cấp các
biện pháp quản lý phù hợp. Công tác phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng có
liên quan trong việc quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu trong thời gian qua
chưa chặt chẽ cũng là nguyên nhân dẫn đến các doanh nghiệp lợi dụng buôn lậu,
trốn thuế.
b. Về
phía các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu:
Ý thức chấp hành tuân thủ quy định
pháp luật về kinh doanh xăng dầu, về chế độ kế toán và hóa đơn chứng từ còn hạn
chế. Nhiều doanh nghiệp cố tình buôn lậu, trốn thuế gây thất thu Ngân sách Nhà
nước.
Công tác hạch toán kế toán của phần
lớn doanh nghiệp chưa trung thực, chưa phản ánh kịp thời các nghiệp vụ phát
sinh, không chấp hành nghiêm chế độ hóa đơn chứng từ trong mua bán xăng dầu.
III. Nội dung của
Đề án
1. Cơ
sở pháp lý của đề án
- Luật Quản lý thuế ngày
29/11/2006;
- Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN
ngày 25/8/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường, chất lượng
trong kinh doanh xăng dầu;
- Công văn số 12733/BTC-TCT
ngày 13/9/2016 của Bộ Tài chính về việc đề nghị phối hợp chỉ đạo công tác quản
lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu;
- Công văn số 4156/TCT-DNL ngày
13/9/2016 của Tổng cục Thuế về việc tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động
kinh doanh xăng dầu;
- Thông báo số 160/TB-UBND ngày
08/7/2016 của UBND tỉnh.
2. Cơ
sở thực tiễn để chọn tổ chức thực hiện dán tem niêm phong đồng hồ đếm tổng
(công tơ) trên các cột đo (trụ bơm) xăng dầu tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu
a. Hoạt
động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ được thực hiện theo các bước
sau:
- Trước tiên xăng dầu được đổ xuống
bồn chứa được chôn ngầm dưới đất từ các xe vận chuyển xăng dầu chuyên dùng
(doanh nghiệp mua xăng dầu).
- Các bồn chứa xăng dầu có barem bồn
theo chứng nhận của cơ quan đo lường chất lượng và được nối với các phương tiện
cấp phát là các cột đo xăng dầu, sử dụng để cấp phát bán lẻ cho người tiêu dùng
vào bình chứa của các phương tiện giao thông, thùng chứa thông qua các cò bơm
xăng dầu (cò bơm).
- Trên các cột đo xăng dầu có 02
loại đồng hồ: một đồng hồ để theo dõi lượng xăng dầu cấp bán, đơn giá bán lẻ và
số tiền thanh toán cho từng lần cấp bán qua cò bơm, số liệu trên đồng hồ tự mất
đi khi cài cò bơm vào vị trí ban đầu và một đồng hồ (công tơ) đếm tổng để theo
dõi tích lũy số lượng xăng dầu (đồng hồ tổng tích lũy) đã cấp phát bán ra theo
thời gian.
- Nguyên tắc chung của các đồng hồ
tổng tích lũy là toàn bộ lượng xăng dầu cấp phát qua cò bơm đều được tích lũy
lưu lại, không tự động mất đi nếu không có tác động điều chỉnh của con người. Đồng
hồ có thể lưu được tối đa là 9.999.999 lít sau đó quay về số 0 và đồng hồ tiếp
tục nhận tín hiệu để tích lũy lại từ đầu.
b.
Xăng dầu đã được đổ xuống bồn chứa tại các cửa hàng thì việc lấy ra chỉ có thể
thông qua các cột đo cấp phát gắn với bồn chứa (bơm chuyên dùng không gây cháy
nổ) hoặc có thể bơm tay thủ công chứ không thể đặt máy bơm khác để hút lên được.
Trong đó việc sử dụng bơm tay thủ công là hạn hữu được sử dụng do không an toàn
và tốn kém thời gian cũng như không được khách hàng chấp nhận.
Với cơ sở thực tiễn trên cho thấy,
nếu quản lý được số nhảy trên các đồng hồ (công tơ) đếm tổng tích lũy trong một
khoảng thời gian nhất định và giá bán lẻ theo thông báo của các doanh nghiệp đầu
mối ở các thời điểm công bố thì các cơ quan chức năng có thể quản lý được số lượng
xăng dầu bán ra đến đơn vị lít và doanh thu bán hàng trong thời gian đó. Đồng
thời, nếu quản lý chặt được số nhảy trên các đồng hồ (công tơ) đếm tổng sẽ làm
cho các doanh nghiệp không thể mua xăng dầu trôi nổi không có hóa đơn để bơm
vào bồn, vì sẽ không chứng minh được nguồn gốc lượng hàng đã bán ra trong kỳ.
Biện pháp để quản lý chặt chẽ số
nhảy trên các đồng hồ đếm tổng của các cột đo cấp phát xăng dầu là phải kẹp chì
hoặc dán tem niêm phong để các đối tượng sử dụng trụ bơm không thể tác động điều
chỉnh ngược lại số nhảy của đồng hồ.
3. Mục
tiêu của đề án
- Nhằm kiểm soát được nguồn xăng dầu
nhập vào, bán ra tại các cửa hàng bán lẻ và tại các doanh nghiệp, quản lý được
số lượng xăng dầu tiêu thụ và doanh thu bán ra trong một thời gian nhất định
(tháng, quý, năm). Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh
doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh và tăng thu cho NSNN.
- Nâng cao hiệu quả công tác quản
lý thu thuế đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, tạo môi trường kinh doanh
lành mạnh, bình đẳng giữa các cơ sở kinh doanh cùng kinh doanh mặt hàng xăng dầu
trên địa bàn tỉnh, bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng.
- Chống lợi dụng trong việc mua,
bán hóa đơn của các cơ sở kinh doanh xăng dầu. Chấn chỉnh và gắn trách nhiệm có
tính bắt buộc đối với các cửa hàng bán lẻ và tại doanh nghiệp trong việc chấp
hành các quy định của Nhà nước về kinh doanh xăng dầu, chấp hành pháp luật về kế
toán, các Luật Thuế liên quan và chế độ quản lý sử dụng hóa đơn bán hàng.
4. Phạm
vi áp dụng của đề án
Chỉ áp dụng đối với hoạt động kinh
doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
5. Yêu
cầu của đề án
- Việc
tổ chức thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo khách quan, minh bạch,
công bằng và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
- Việc thực hiện dán tem niêm phong
không gây phiền hà và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, phải
dễ thực hiện, dễ kiểm tra và có hiệu quả cao trong công tác quản lý hoạt động
kinh doanh nói chung và quản lý thu thuế đối với hoạt động này nói riêng.
6. Giải
pháp thực hiện của đề án
a. Trước
tiên, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị (nhằm đảm bảo tính pháp lý trong tổ chức thực
hiện việc dán tem niêm phong) chỉ đạo các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị
xã, thành phố về việc tăng cường các biện pháp quản lý hoạt động kinh doanh
xăng dầu nhằm chống buôn lậu, gian lận
thương mại và thất thu NSNN trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chỉ đạo biện pháp dán
tem niêm phong đồng hồ đếm tổng các cột đo xăng dầu tại các cửa hàng kinh doanh
xăng dầu trên từng địa bàn huyện, thị xã, thành phố để quản lý số lượng xăng dầu
mua vào bán ra, ngăn chặn việc khai man, trốn thuế.
b. Tiếp
theo, UBND tỉnh ban hành các quyết định: Thành lập Ban Chỉ đạo triển khai dán
tem niêm phong đồng hồ đếm tổng các cột đo xăng dầu trên địa bàn tỉnh (gọi tắt
là Ban Chỉ đạo dán tem) với thành phần gồm: Cục trưởng Cục Thuế tỉnh làm Trưởng
ban, đại diện lãnh đạo các Sở Công thương, Khoa học và Công nghệ làm Phó Trưởng
ban, đại diện lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, Chi cục Tiêu chuẩn đo
lường chất lượng tỉnh và Phòng Kiểm tra thuế 1 - Cục Thuế tỉnh, làm Ủy viên và
một cán bộ Cục Thuế tỉnh làm thư ký; Ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo
dán tem.
c. Ban
Chỉ đạo dán tem của tỉnh:
- Quyết định thành lập các Đoàn
Liên ngành để thực hiện công tác niêm phong đồng hồ đếm tổng các cột đo xăng dầu
tại các Cửa hàng kinh doanh xăng dầu theo từng địa bàn huyện, thị xã, thành phố.
Thành phần gồm: Chi cục trưởng Chi cục Thuế làm trưởng đoàn, các thành viên gồm:
Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh (quản lý trên địa bàn); Cán bộ kỹ thuật
Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh; Đội trưởng Đội Kiểm tra thuế và 01
Cán bộ Đội kiểm tra thuế thuộc Chi cục thuế huyện, thành phố, thị xã.
- Có thông báo cho các doanh nghiệp
biết bằng văn bản việc thực hiện dán tem niêm phong đồng hồ đếm tổng các cột đo
xăng dầu tại các cửa hàng trước ít nhất 5 ngày để Doanh nghiệp chuẩn bị.
- Hàng
quý, sau khi triển khai thực hiện đề án, Ban Chỉ đạo dán tem tổng hợp báo cáo kết
quả thực hiện về UBND tỉnh để xem xét chỉ đạo kịp thời.
d. Việc
tổ chức thực hiện dán tem niêm phong đồng hồ đếm tổng các cột đo xăng dầu tại
các cửa hàng bán lẻ với trách nhiệm, nhiệm vụ của từng thành viên tham gia như
sau:
- Đại diện Chi cục Tiêu chuẩn đo
lường chất lượng tỉnh thực hiện dán niêm phong các đồng hồ (công tơ) đếm tổng
trên các cột đo cấp phát xăng dầu để đảm bảo doanh nghiệp không thể điều chỉnh
lại số nhảy trên đồng hồ nếu không được gỡ tem niêm phong. Lập biên bản niêm
phong, ghi nhận số lượng, số seri của các tem đã dán, các vị trí dán trên cột
đo, tình trạng của các cột đo trước và sau khi dán tem niêm phong.
+ Chế độ phát hành, quản lý, sử dụng
tem niêm phong công tơ tổng cột đo xăng, dầu được thực hiện theo quy trình kiểm
định cột đo xăng dầu theo tiêu chuẩn ĐLVN 10: 2013; Nghị định số 80/2013/NĐ-CP
ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh
vực Tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa; Thông tư số
15/2015/TT-BKHCN ngày 25/8/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường
chất lượng trong kinh doanh xăng dầu.
- Đại diện Chi cục Quản lý thị trường
tỉnh, lập Biên bản ghi nhận các điều kiện về kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp
tại thời điểm dán tem niêm phong; Trường hợp doanh nghiệp có vi phạm thì lập biên
bản vi phạm hành chính để trình cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
- Đại diện cơ quan Thuế, lập Biên
bản ghi nhận chỉ số đồng hồ (công tơ) đếm tổng trên từng trụ bơm; số lượng xăng
dầu tồn kho trên sổ kế toán, số hóa đơn GTGT chưa sử dụng tại thời điểm dán tem
niêm phong.
- Doanh nghiệp làm bảng cam kết
(theo mẫu) về thực hiện bảo quản tốt tem niêm phong để gửi đoàn công tác theo
dõi.
e. Các
công việc thực hiện sau khi đã dán tem niêm phong đồng hồ (công tơ) tổng các trụ
bơm cấp phát xăng dầu:
- Định kỳ vào ngày đầu tháng, quý
(theo kỳ kê khai của doanh nghiệp), cơ quan Thuế phối hợp Chi cục Tiêu chuẩn đo
lường chất lượng tỉnh, cử cán bộ đến cơ sở kinh doanh xăng dầu để kiểm tra việc
bảo quản tem đã dán và ghi chỉ số đồng hồ (công tơ) đếm tổng của từng trụ bơm,
xác định lượng xăng, dầu bán ra trong kỳ thông qua chỉ số đầu kỳ và cuối kỳ.
- Trên cơ sở xác định được lượng
xăng dầu bán ra hàng tháng, kết hợp với đối chiếu với kê khai hàng tháng/quý, đối
chiếu chi tiết các hóa đơn mua vào, bán ra của doanh nghiệp, nếu phát hiện
doanh nghiệp vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh xăng dầu là mua, bán
ngoài hệ thống phân phối... cơ quan Thuế thông báo kịp thời cho Chi cục Quản lý
thị trường tỉnh để xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
- Trường hợp qua kiểm tra phát hiện
niêm phong bị tự ý tháo dỡ, làm rách nhưng không báo cáo kịp thời, thì đại diện
Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh và cơ quan Thuế lập ngay Biên bản
vi phạm hành chính để trình cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
- Sở Công Thương có trách nhiệm
thông báo với Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh và Cục Thuế tỉnh danh
sách các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mới thành lập, để tổ chức dán tem
niêm phong ngay đối với các cột đo xăng dầu của doanh nghiệp.
h. Trường
hợp trụ bơm bị hỏng phải sửa chữa, bảo hành thì doanh nghiệp phải kịp thời thực
hiện đúng quy định tại Khoản 6, Điều 6, Thông tư số 15/2015/TT-BKHVN ngày
25/8/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ, đồng thời có đơn báo hỏng (theo mẫu
chung) gửi đến Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh và cơ quan Thuế trực
tiếp quản lý để giải quyết tháo và dán lại niêm phong kẹp chì. Việc giải quyết
phải kịp thời trong thời gian 24 tiếng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động
kinh doanh thuận lợi.
i.
Hàng quý, Đoàn công tác dán tem niêm phong họp sơ kết để tổng hợp kết quả đã
làm và đánh giá việc tổ chức thực hiện để báo cáo Ban chỉ đạo và UBND tỉnh xem
xét, chỉ đạo.
IV. Tổ chức
thực hiện
1. Để
việc tổ chức thực hiện các giải pháp của đề án có hiệu quả trong thực tế, yêu cầu
các đơn vị có liên quan thực hiện ngay các nội dung sau:
a. Sở Công thương thực hiện và chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh:
- Có văn bản yêu cầu các doanh
nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng các quy định tại
Nghị Định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn
thi hành, đồng thời yêu cầu từng doanh nghiệp có bản cam kết chấp hành và chịu
trách nhiệm nếu để xảy ra sai sót, vi phạm.
- Xác định và lập danh sách chi
tiết các doanh nghiệp và số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc đã được cấp chứng
nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh, có chia theo địa
giới hành chính huyện, thị xã, thành phố, để có cơ sở dự kiến thời gian, nhân lực,
vật lực của đơn vị khi tham gia các Đoàn công tác dán tem niêm phong của tỉnh.
Gửi cho Cục Thuế tỉnh để cùng phối hợp thực hiện.
- Dự thảo mẫu biên bản chung thống
nhất, để ghi nhận các điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Nghị Định
số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ tại thời điểm dán tem.
b. Sở Khoa học và Công nghệ chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất
lượng tỉnh thực hiện:
- Có văn bản yêu cầu các doanh
nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh thực hiện tự kiểm tra, rà soát kỹ
thuật các trụ bơm đảm bảo theo quy định, đồng thời yêu cầu từng doanh nghiệp có
bản cam kết IC chương trình tại các trụ bơm của doanh nghiệp đảm bảo yêu cầu kỹ
thuật của hãng sản xuất và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai sót, vi phạm về đo lường chất lượng xăng dầu của đơn vị
mình.
- Xác định chính xác số liệu về:
số trụ bơm cấp phát xăng dầu đủ điều kiện hoạt động đã được cấp chứng nhận theo
quy định, có phân theo từng doanh nghiệp, từng chủng loại trụ bơm.
- Tính toán xác định các vị trí
để dán tem niêm phong đồng hồ (công tơ) đếm tổng của từng chủng loại trụ bơm, đảm
bảo đối tượng sử dụng không thực hiện can thiệp điều chỉnh lại số nhảy trên đồng
hồ đếm tổng khi không được tháo niêm phong, kẹp chì.
- Dự kiến mẫu tem và những yêu
cầu cần có để đạt được yêu cầu đặt ra là doanh nghiệp không thể tự gỡ ra và dán
lại được. Dự kiến kinh phí in tem để phối hợp với Cục Thuế tổng hợp đề nghị
UBND tỉnh dự trù kinh phí tổ chức thực hiện.
- Dự thảo mẫu Biên bản ghi nhận
số lượng, số seri của từng tem đã dán, vị trí dán tem và tình trạng hoạt động của
các trụ bơm trước và sau khi dán tem.
- Dự thảo mẫu Biên bản vi phạm
khi phát hiện các trụ bơm xăng dầu không đủ điều kiện hoạt động, chưa được cấp
chứng nhận kiểm định nhưng đang được sử dụng để Đoàn Liên ngành dán tem trình cấp
có thẩm quyền xử lý.
c. Cục Thuế tỉnh thực hiện:
- Dự
thảo Chỉ thị của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp quản lý hoạt động
kinh doanh xăng dầu nhằm chống buôn lậu, gian lận thương mại và thất thu NSNN
trên địa bàn tỉnh, Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo dán tem và Quy chế hoạt động
của Ban Chỉ đạo, trình UBND tỉnh xem xét ban hành.
- Phối hợp
với các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án ngay
sau khi UBND tỉnh phê duyệt Đề án và ban hành Chỉ thị.
- Phối hợp
với các ngành liên quan tổ chức thông báo, tuyên truyền công khai các văn bản
chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh, nội
dung của Đề án gắn với nội dung chính sách, pháp luật Thuế và hóa đơn chứng từ
đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu... nhằm giúp cho các doanh nghiệp và nhân
dân biết để thực hiện và giám sát việc thực hiện.
- Có văn bản thông báo cho tất
cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh những quy định hiện
hành về chế độ ghi chép sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ áp dụng trong mua
bán, lưu thông và kê khai, quyết toán thuế, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp rà
soát để kịp thời điều chỉnh thực hiện đúng quy định. Sau thời điểm ban hành
công văn, các trường hợp vi phạm qua đối chiếu, kiểm tra sẽ bị xử lý nghiêm
theo quy định hiện hành.
- Xác định số lượng doanh nghiệp,
số cửa hàng, số trụ bơm để dự kiến thời gian, bố trí nhân lực, vật lực cho việc
tổ chức thực hiện (số liệu trên do Sở Công thương và Chi cục Tiêu chuẩn đo lường
chất lượng tỉnh xác nhận cung cấp).
- Dự kiến các các mẫu biểu:
Biên bản ghi nhận chỉ số đồng hồ các trụ bơm, số lượng hóa đơn chưa sử dụng, số
lượng xăng dầu tồn kho trên sổ sách kế toán tại thời điểm dán tem; các bảng kê
theo dõi lượng xăng dầu bán ra theo số nhảy trên đồng hồ (công tơ) đếm tổng
hàng ngày và tổng hợp theo tháng để các doanh nghiệp thực hiện và định kỳ báo
cáo.
- Tính toán và đề xuất kinh phí
tổ chức thực hiện, gửi Sở Tài chính, để tham mưu và trình UBND tỉnh.
d. Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp
xử lý kịp thời các tình huống xấu (nếu xảy ra) theo chức năng trong quá trình tổ
chức thực hiện dán niêm phong tại trụ sở doanh nghiệp. Thông qua công tác thực
tế dán tem, nắm tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn để có biện
pháp ngăn ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm theo chức năng.
2. Việc tổ chức thực hiện Đề án sẽ cần rất nhiều thời gian và công sức
của các đơn vị tham gia. Vì vậy, yêu cầu các đơn vị có liên quan trong đề án chỉ
đạo các đơn vị trực thuộc và cán bộ tham gia thực hiện nghiêm túc để đạt hiệu
quả cao.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng
mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Cục Thuế tỉnh để nghiên cứu, đề xuất báo cáo UBND tỉnh có
ý kiến chỉ đạo cho phù hợp./.