Quyết định 3456/QĐ-UBND năm 2020 phê duyệt Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản đặc sản nội địa trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025

Số hiệu 3456/QĐ-UBND
Ngày ban hành 06/10/2020
Ngày có hiệu lực 06/10/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Hoàng Nghĩa Hiếu
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3456/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 06 tháng 10 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NUÔI TRỒNG THỦY SẢN ĐẶC SẢN NỘI ĐỊA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2020-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Thủy sản số 18/2017/QH14;

Căn cứ Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản;

Căn cứ Quyết định số 6343/QĐ-UBND ngày 30/12/2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch Phát triển thủy sản tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 276/QĐ-UBND ngày 31/01/2020 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình công tác năm 2020 của UBND tỉnh Nghệ An;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 3097/TTr-SNN.KHTC ngày 18/9/2020 về việc Phê duyệt Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản đặc sản nội địa trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản đặc sản nội địa trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025, với những nội dung chính như sau:

1. Định hướng, mục tiêu phát triển

1.1. Định hướng phát triển

- Phát triển nuôi trồng thủy sản đặc sản nội địa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025 phù hợp với Quy hoạch tổng thể Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Quy hoạch Phát triển thủy sản tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Phát triển nuôi trồng thủy sản đặc sản nội địa theo hướng sản xuất hàng hóa, định hướng thị trường; phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần (nhà nước, tập thể, doanh nghiệp, hộ gia đình,...), trong đó lấy kinh tế hộ gia đình và doanh nghiệp là chính.

- Tập trung phát triển và đa dạng hóa các đối tượng thủy sản đặc sản nội địa có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, nguồn nước,... như cá Lăng, cá Leo, cá Chình, cá Trắm đen, cá Vược, Lươn đồng,... trên nhiều loại hình nuôi, hình thức nuôi. Đồng thời, không ngừng đổi mới công nghệ nuôi tiến tiến, tăng năng suất, sản lượng, đóng góp khoảng 8-10% trong cơ cấu sản lượng của ngành nuôi trồng thủy sản.

- Đầu tư hạ tầng và kỹ thuật để cung cấp đủ giống cho nhu cầu người nuôi trong tỉnh và các tỉnh lân cận, tiếp nhận và ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật nhằm tạo giống sạch bệnh, tiến tới chủ động sản xuất các giống để phục vụ nuôi trồng thủy sản đặc sản trong tỉnh.

- Phát triển nuôi trồng thủy sản đặc sản nội địa trong mối quan hệ kết hợp hài hòa lợi ích khác, gắn với du lịch sinh thái, chăn nuôi tổng hợp,... góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn nguồn gen thủy đặc sản quý hiếm.

1.2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu chung

Khai thác tiềm năng, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, diện tích mặt nước ao hồ, sông, suối, hồ đập (thủy lợi, thủy điện); phát triển nuôi trồng thủy sản đặc sản nội địa phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái của mỗi vùng miền, địa phương, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ nuôi tiên tiến vào sản xuất. Đa dạng hóa các loài nuôi có giá trị kinh tế cao, nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị sản xuất hàng hóa. Giải quyết vấn đề thị trường, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng thương hiệu gắn với nhận diện sản phẩm thủy sản đặc sản, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới.

b) Mục tiêu cụ thể

Phấn đấu đến năm 2025 đạt:

- Giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản đặc sản nội địa đạt khoảng 530-550 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020-2025 đạt 21,4-22,2%/năm, chiếm 12,3- 12,5% tỷ trọng GTSX ngành NTTS.

- Đến năm 2025 làm chủ công nghệ và chủ động sản xuất được con giống thủy sản đặc sản nội địa là 10,5-11,0 triệu con, trong đó: cá giống là 4,4-4,6 triệu con (cá Lăng 1,9-2,0 triệu con, cá Leo 1,4-1,5 triệu con, cá Trắm đen 0,5-0,6 triệu con, cá Vược 0,18-0,2 triệu con); Lươn đồng là 6,0-7,0 triệu con; cung cấp cho nhu cầu nuôi trồng thủy sản đặc sản nội địa trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

- Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đặc sản nội địa khoảng 160ha, 1.200 lồng và nuôi bể 30.000m2; sản lượng đạt khoảng 4.900-5.000 tấn. Trong đó:

+ Nuôi ao hồ khoảng 160ha, sản lượng đạt 2.000-2.050 tấn.

+ Nuôi lồng trên sông, hồ đập khoảng 1.200 lồng (100% lồng công nghệ cao) với thể tích 60.000- 65.000m3 (50-100m3/lồng); sản lượng đạt 2.313-2.350 tấn.

[...]