Quyết định 3454/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thanh Hóa học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2013-2015”

Số hiệu 3454/QĐ-UBND
Ngày ban hành 03/10/2013
Ngày có hiệu lực 03/10/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Vương Văn Việt
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3454/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 03 tháng 10 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “HỖ TRỢ PHỤ NỮ THANH HÓA HỌC NGHỀ, TẠO VIỆC LÀM GIAI ĐOẠN 2013 - 2015”

CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Dạy nghề số 76/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Quyết định số 295/QĐ-TTg ngày 26/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015”;

Căn cứ Thông tư số 54/2012/TT-BTC ngày 09/04/2012 của Bộ Tài chính Quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện đề án: “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015”;

Căn cứ Quyết định số: 3542/QĐ-UBND ngày 26/11/2011 của UBND tỉnh Thanh Hóa về Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa tại Tờ trình số: 2099 ngày 28 tháng 8 năm 2013; đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Công văn số: 3449/STC-HCSN ngày 23/9/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án: “Hỗ trợ phụ nữ Thanh Hóa học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2013-2015” (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

1.1. Học nghề, lập nghiệp là quyền lợi và nghĩa vụ của lao động nữ: Phụ nữ chủ động tham gia học nghề để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, góp phần tăng sức cạnh tranh của nguồn nhân lực, tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội;

1.2. Tăng cơ hội học nghề, tạo việc làm cho phụ nữ; đặc biệt phụ nữ khu vực nông thôn, phụ nữ độ tuổi trung niên, phụ nữ dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, vùng di dời, giải tỏa;

1.3. Nhà nước tăng cường đầu tư phát triển dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ; có chính sách huy động mọi nguồn lực trong xã hội quan tâm dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ; chú trọng đầu tư phát triển các cơ sở dạy nghề thu hút nhiều lao động nữ, đặc biệt là các cơ sở dạy nghề thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu chung:

Tăng cường công tác đào tạo nghề cho phụ nữ là góp phần bảo đảm quyền được học nghề và có việc làm của phụ nữ trong Luật Bình đẳng giới; tăng tỷ lệ lao động nữ được đào tạo nghề và nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của lao động nữ; tạo cơ hội để phụ nữ có thể tìm kiếm việc làm có thu nhập ổn định, giúp xóa đói, giảm nghèo và nâng cao vị thế cho phụ nữ; đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

- Đảm bảo 80% lao động nữ trở lên được tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về dạy nghề và việc làm; Quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu và nội dung Quyết định 295/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án: “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015”; Chỉ thị 19/CT-TW của Ban Bí thư TW Đảng và Chương trình hành động số 60/CTr-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa tới cán bộ Hội Phụ nữ các cấp và hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh.

- Hàng năm, Trung tâm Dạy nghề phụ nữ Thanh Hóa thực hiện tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm và tạo việc làm cho khoảng 10.000 phụ nữ, trong đó khoảng 5.000 lao động nữ được đào tạo nghề; tỷ lệ lao động nữ có việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 70%.

- Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ lao động nữ trong tổng số chỉ tiêu tuyển sinh học nghề của tỉnh đạt 40% trong đó tăng nhanh tỷ lệ lao động nữ được đào tạo trung cấp nghề, cao đẳng nghề; tỷ lệ lao động nữ có việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 80%.

II. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG CỦA ĐỀ ÁN

1. Phạm vi thực hiện đề án:

1.1. Dạy nghề nông nghiệp:

- Trung tâm Dạy nghề phụ nữ Thanh Hóa tập trung dạy 3 nghề đã được phê duyệt gồm: Nghề kỹ thuật trồng nấm; nghề kỹ thuật trồng cây lương thực thực phẩm; nghề kỹ thuật chăn nuôi gia súc gia cầm. Tiếp tục nghiên cứu dạy các nghề mới đặc thù có hiệu quả cho phụ nữ đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội.

- Trình độ nghề: Dạy nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng.

[...]