Quyết định 3542/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2011 - 2020

Số hiệu 3542/QĐ-UBND
Ngày ban hành 26/11/2011
Ngày có hiệu lực 26/11/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Vương Văn Việt
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HOÁ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3542/QĐ-UBND

Thanh Hoá, ngày 26 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC TỈNH THANH HOÁ GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HOÁ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006, Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội vùng, lãnh thổ; Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/09/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 114/2009/QĐ-TTg ngày 28/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020;

Căn cứ Kết luận số 10 – KL-TU ngày 05/9/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Quy hoạch phát triển nhân lực và Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2011 – 2020 ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 2202/TTr-SKHĐT-VX ngày 12/10/2011 ( kèm theo hồ sơ Quy hoạch) về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2011 - 2020’’; kết luận của Chủ tịch Hội đồng thẩm định ( Kèm theo Biên bản hội nghị của Hội đồng thẩm định) Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2011-2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2011-2020, với những nội dung sau:

1. Quan điểm và mục tiêu phát triển nhân lực

1.1. Quan điểm

- Phát triển nhân lực là yếu tố quyết định trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020.

- Phát triển nhân lực toàn diện, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm, vừa chú trọng phát triển nhân tài và đội ngũ chuyên gia, vừa đảm bảo hài hoà về cơ cấu và cân đối nhân lực theo trình độ đào tạo và ngành, lĩnh vực, vùng miền theo định hướng phát triển KT - XH của tỉnh.

- Phát triển nhân lực phải đảm bảo tính thời đại, dài hạn; tiếp cận trình độ các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, một số mặt tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trong khu vực.

- Phát triển nhân lực trên cơ sở nhu cầu của xã hội và thị trường lao động, nhất là nhu cầu lao động trong các ngành kinh tế trọng điểm.

- Phát triển nhân lực là sự nghiệp, trách nhiệm của toàn xã hội, khuyến khích và thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển nhân lực.

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển nhân lực.

1.2. Mục tiêu

a. Mục tiêu tổng quát: phát triển nhân lực đảm bảo đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn cao và cơ cấu hợp lý, đưa nhân lực trở thành lợi thế quan trọng nhất trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phát triển nhanh những ngành, lĩnh vực tỉnh có lợi thế cạnh tranh, phấn đấu đến năm 2015 nhân lực của tỉnh đạt trình độ khá và đến năm 2020 đạt trình độ tiên tiến của cả nước.

b. Mục tiêu cụ thể

* Đến năm 2015:

- Đáp ứng từ 2.160 - 2.165 nghìn lao động phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%, trong đó qua đào tạo nghề là 43,4%.

- Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông, lâm, thuỷ sản từ 55% xuống 40%, tăng tỷ trọng lao động công nghiệp - xây dựng và dịch vụ từ 45% năm 2010 lên 60% vào năm 2015.

- Phát triển nhân lực có trình độ cao, phấn đấu 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện và 100% công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định; 50% giảng viên ĐH và trên 35% giảng viên CĐ có trình độ thạc sỹ trở lên, trong đó có trên 20% giảng viên ĐH và ít nhất 10% giảng viên CĐ có trình độ tiến sỹ.

- Tiếp tục mở rộng hợp lý quy mô đào tạo ĐH, CĐ; phấn đấu đạt 300 sinh viên ĐH, CĐ/10.000 dân, trong đó có 45% theo học các trường trên địa bàn tỉnh. Đổi mới công tác đào tạo nhân lực theo hướng tiên tiến, hiện đại, gắn lý thuyết với thực hành, nghiên cứu, ứng dụng, nâng cao chất lượng, đảm bảo học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng thích ứng với thị trường lao động.

* Đến năm 2020:

[...]