Quyết định 3425/QĐ-BTP năm 2009 về việc phê duyệt đề án “kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, cơ sở vật chất và tăng cường năng lực của cục trợ giúp pháp lý (giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030)” do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 3425/QĐ-BTP
Ngày ban hành 25/11/2009
Ngày có hiệu lực 25/11/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Hà Hùng Cường
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý,Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 3425/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “KIỆN TOÀN TỔ CHỨC BỘ MÁY, CÁN BỘ, CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CỦA CỤC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ (GIAI ĐOẠN 2010 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030)”

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;
Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, cơ sở vật chất và tăng cường năng lực của Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp (Giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030)” với các nội dung chính sau đây:

I. MỤC TIÊU

1. Củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, cơ sở vật chất và nâng cao năng lực của Cục Trợ giúp pháp lý (sau đây gọi tắt là Cục), bảo đảm về nguồn lực để thực hiện có hiệu quả chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành về trợ giúp pháp lý trong phạm vi toàn quốc.

2. Tăng cường năng lực của Cục trong quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo hệ thống trợ giúp pháp lý; đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, mối quan hệ công tác, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, góp phần giảm nghèo trong lĩnh vực pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật, thực hiện công bằng xã hội, từng bước đưa pháp luật vào cuộc sống, phục vụ yêu cầu hội nhập quốc tế liên quan đến giúp đỡ pháp luật cho nhân dân.

3. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ trưởng, Ban Cán sự Đảng, Đảng uỷ Cơ quan Bộ Tư pháp; sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức khác để Cục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

II. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Củng cố, kiện toàn, xác định hợp lý về tổ chức bộ máy của Cục, bảo đảm chuyên môn hoá, khoa học, gọn nhẹ và hợp lý; xây dựng cơ chế quản lý, điều hành hiệu quả, tạo bước chuyển biến căn bản về chất trong tổ chức bộ máy, cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của công tác trợ giúp pháp lý từ nay đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

2. Xác định hợp lý về cơ cấu, số lượng công chức, viên chức, người lao động và nhiệm vụ của từng chức danh theo hướng chuyên sâu, chuẩn hoá, bảo đảm nguồn lực nhân lực có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, nâng cao năng lực của từng chức danh; cơ cấu cán bộ quản lý và chuyên môn nghiệp vụ được xác định theo quy hoạch mở, linh hoạt, có kế thừa, liên thông và phát triển bền vững.

3. Chuẩn hoá các quy trình hoạt động theo Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001: 2008, xác định rõ trách nhiệm của từng khâu, bộ phận, vị trí công tác; xây dựng phương pháp làm việc khoa học, tiết kiệm, hiệu quả; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và thực hiện trợ giúp pháp lý; từng bước hiện đại hoá trang thiết bị, phương tiện làm việc, bảo đảm đủ cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động cho Cục phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Nhận thức đúng đắn về chính sách trợ giúp pháp lý và vị trí, vai trò của Cục trong chỉ đạo, điều hành để đổi mới và phát triển trợ giúp pháp lý bảo đảm chất lượng, hiệu quả; kịp thời dự báo xu hướng phát triển của trợ giúp pháp lý để đề xuất điều chỉnh chính sách cho phù hợp

a) Chú trọng công tác nghiên cứu lý luận để nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của chính sách trợ giúp pháp lý trong đời sống pháp luật phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Xác định rõ vị trí, vai trò của Cục trong việc giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành;

b) Làm rõ vai trò của Cục trong nghiên cứu, tham mưu giúp Bộ trưởng đề xuất Đảng, Nhà nước ban hành chính sách, pháp luật, chiến lược phát triển về trợ giúp pháp lý; xác định hệ quan điểm, các giải pháp phù hợp với yêu cầu của công tác bảo vệ pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, nâng cao vai trò, vị thế của pháp luật trong quản lý xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa;

c) Tổng kết thực tiễn, phân tích, dự báo chính xác xu hướng phát triển của trợ giúp pháp lý, sự điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục trong từng giai đoạn phù hợp với sự phát triển của đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế để đề xuất các giải pháp kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nhu cầu trợ giúp pháp lý phong phú, đa dạng của nhân dân.

2. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ, tăng cường năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành của Cục

a) Kiện toàn lãnh đạo Cục

- Kiện toàn bộ máy lãnh đạo Cục hiện có và dự kiến nguồn cán bộ kế cận để có giải pháp bồi dưỡng nguồn cán bộ lãnh đạo đủ năng lực quản lý, điều hành cho những năm tiếp theo; xây dựng cơ cấu hợp lý có xen kẽ giữa các thế hệ, thực hiện quy hoạch nguồn cán bộ lãnh đạo, xác định cơ cấu độ tuổi, cân đối giới tính, chú trọng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, bảo đảm tính liên tục và sự kế thừa giữa các thế hệ để lớp kế cận được bồi dưỡng năng lực quản lý, điều hành, có đủ số lượng theo định mức với cơ cấu khoa học và hợp lý;

- Nâng cao năng lực cán bộ lãnh đạo Cục, bảo đảm về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, khả năng sử dụng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, có năng lực quản lý, điều hành bao quát công việc; có năng lực thực tiễn đáp ứng yêu cầu hướng dẫn, chỉ đạo địa phương và giải quyết công việc mang tầm vĩ mô, tham gia hoạch định chủ trương, chính sách cho Bộ, ngành.

b) Kiện toàn các đơn vị trực thuộc Cục

- Về tổ chức: rà soát lại tổ chức và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng đơn vị; cơ cấu, sắp xếp lại một cách khoa học, hợp lý, khả thi, bảo đảm tính chuyên môn hóa, tách bạch giữa hoạt động quản lý hành chính với hoạt động sự nghiệp;

- Về cán bộ lãnh đạo: tuyển chọn đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, khả năng quản lý, điều hành, năng lực thực tiễn và hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức để quy hoạch, bổ nhiệm, bố trí quản lý các đơn vị; xác định cơ cấu một cách hợp lý, có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, điều hành, trình độ chính trị, ngoại ngữ; đưa cán bộ quy hoạch chức danh lãnh đạo đi cơ sở để nắm bắt thực tiễn, đáp ứng yêu cầu công việc;

- Về đội ngũ công chức, viên chức: xây dựng, quy hoạch công chức, viên chức hợp lý, xác định cơ cấu các chức danh chuyên môn nghiệp vụ một cách hợp lý (về số lượng, ngạch, bậc, độ tuổi, giới tính...) theo hướng tiêu chuẩn hóa; nghiên cứu đề xuất bổ sung biên chế, bố trí đủ các chức danh cần thiết, phấn đấu đến hết năm 2015, công chức, viên chức chuyên môn nghiệp vụ đều được bồi dưỡng kiến thức quản lý ở ngạch chuyên viên chính; có chính sách thu hút, thực hiện luân chuyển cán bộ trưởng thành từ thực tiễn về làm việc tại Cục.

c) Nâng cao năng lực cán bộ

[...]