Quyết định 1989/QĐ-BTP năm 2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Trợ giúp pháp lý do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 1989/QĐ-BTP
Ngày ban hành 17/08/2009
Ngày có hiệu lực 17/08/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Hà Hùng Cường
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý,Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 1989/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 17 tháng 8 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Chức năng

1. Cục Trợ giúp pháp lý là đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác trợ giúp pháp lý trong phạm vi cả nước; thực hiện quản lý chuyên ngành về trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

2. Cục Trợ giúp pháp lý (sau đây gọi là Cục) là đơn vị có tư cách pháp nhân, có trụ sở tại thành phố Hà Nội, có con dấu và tài khoản theo quy định của pháp luật.

Tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh: NATIONAL LEGAL AID AGENCY; viết tắt: NLAA.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn

Cục có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Xây dựng chiến lược, chương trình quốc gia, quy hoạch, đề án, chương trình, kế hoạch, các biện pháp hỗ trợ phát triển trợ giúp pháp lý và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý để Bộ trưởng trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền; tham gia xây dựng, thẩm định, góp ý các dự án, dự thảo văn bản do Bộ trưởng giao hoặc theo yêu cầu của các đơn vị thuộc Bộ, đơn vị thuộc các Bộ, ngành khác có liên quan;

2. Xây dựng, trình Bộ trưởng kế hoạch công tác dài hạn, năm năm, hàng năm của Cục; tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, năm năm và hàng năm của ngành Tư pháp;

3. Tổ chức thực hiện chiến lược, chương trình quốc gia, quy hoạch, đề án, chương trình, kế hoạch, các biện pháp hỗ trợ phát triển trợ giúp pháp lý và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý sau khi được ban hành hoặc phê duyệt;

4. Xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản cá biệt, văn bản quy phạm nội bộ, biểu mẫu, giấy tờ về trợ giúp pháp lý; thống nhất ấn hành các tài liệu về trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;

5. Hướng dẫn, theo dõi việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, đề xuất các chính sách, giải pháp nhằm giải quyết vướng mắc, hoàn thiện pháp luật về trợ giúp pháp lý; định kỳ báo cáo Bộ trưởng về công tác theo dõi, thi hành pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Cục;

6. Rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Cục;

7. Giúp Bộ trưởng - Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương và Tổ giúp việc cho Hội đồng thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan thường trực Hội đồng theo quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương;

8. Làm đầu mối giúp Bộ trưởng hướng dẫn, theo dõi và tổ chức thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;

9. Hướng dẫn, tạo điều kiện để các hội nghề nghiệp về trợ giúp pháp lý, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các cá nhân thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý và tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;

10. Trong quản lý chuyên ngành về trợ giúp pháp lý:

a) Ban hành theo thẩm quyền các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật;

b) Thống nhất quản lý nghiệp vụ trợ giúp pháp lý đối với các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi toàn quốc;

c) Hướng dẫn và theo dõi tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý và việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển trợ giúp pháp lý;

d) Thống nhất quản lý, hướng dẫn và tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật;

đ) Hướng dẫn công tác bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý trong phạm vi thẩm quyền hoặc theo phân cấp của Bộ; tổ chức kiểm tra và cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý trong phạm vi thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

11. Chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng và thực hiện quản lý Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;

12. Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý; thực hiện truyền thông pháp luật về trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;

[...]