ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 3352/QĐ-UBND
|
Hà Tĩnh, ngày 18
tháng 11 năm 2010
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC PHÍ, CHẾ ĐỘ CHI TỔ CHỨC CÁC CUỘC HỘI NGHỊ
TRONG NƯỚC, MỨC CHI TIẾP KHÁCH TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC, TỔ CHỨC HỘI NGHỊ, HỘI THẢO
QUỐC TẾ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng
11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước số 01/2002/QH11
ngày 16/12/2002;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003
của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày
06/01/2010 của Bộ Tài chính về việc Quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước
ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế
tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước; Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày
06/7/2010 của Bộ Tài chính về việc quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ
chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;
Thực hiện ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân
dân tỉnh tại Văn bản số 239/TT-HĐND ngày 06 tháng 10 năm 2010;
Xét đề nghị của Sở Tài chính tại Văn bản số
1919/STC-HCSN ngày 04/11/2010 và ý kiến thống nhất của các sở, ban, ngành và
đơn vị liên quan,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội
nghị trong nước, mức chi tiếp khách trong và ngoài nước, tổ chức hội nghị, hội
thảo quốc tế.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ban hành, thay thế Quyết định số
34/2007/QĐ-UBND ngày 25/07/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy định chế độ
công tác phí, chế độ tổ chức các cuộc hội nghị; chế độ chi tiêu đón tiếp khách
nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu hội nghị, hội thảo quốc tế tại
Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước của cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập
trên địa bàn tỉnh.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các
sở, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và Thủ
trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- TT Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các phó VP UBND tỉnh;
- Phòng Kiểm soát TTHC;
- TT Công báo-Tin học tỉnh;
- Lưu: VT, TH.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Võ Kim Cự
|
QUY ĐỊNH
VỀ
CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC PHÍ, CHẾ ĐỘ CHI TỔ CHỨC CÁC CUỘC HỘI NGHỊ TRONG NƯỚC, MỨC CHI TIẾP
KHÁCH TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC, TỔ CHỨC HỘI NGHỊ, HỘI THẢO QUỐC TẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3352/2010/QĐ-UBND ngày 18/11/2010)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối
tượng áp dụng:
Quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các
cuộc hội nghị trong nước và chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài, chi tiêu
tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế và chi tiêu tiếp khách trong nước của tỉnh
Hà Tĩnh đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng
sản Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức chính trị xã hội nghề
nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội có sử dụng kinh phí ngân
sách nhà nước cấp, phải thực hiện chế độ chi tiêu theo quy định này và các quy
định của pháp luật có liên quan.
Chương 2.
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 2. Chế độ chi tiêu đón
tiếp khách nước ngoài vào làm việc, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc
tế và chi tiêu tiếp khách trong nước trên địa bàn tỉnh.
1. Quy định tiêu chuẩn, khung mức chi tiếp khách nước
ngoài vào làm việc tại tỉnh:
1.1. Đối với các đoàn khách nước ngoài vào làm việc
tại tỉnh, do tỉnh đài thọ toàn bộ chi phí ăn, ở, đi lại trong nước:
a) Chi tặng hoa tại sân bay, cửa khẩu: mức tặng hoa
chung cho mỗi đoàn 200.000 đồng.
b) Tiêu chuẩn về thuê chỗ ở (giá thuê phòng bao gồm
cả tiền ăn sáng và các loại thuế phải trả nhà cung cấp dịch vụ theo quy định hiện
hành:
- Đoàn khách hạng A:
+ Trưởng đoàn: mức tối đa 3.500.000 đồng/người/ngày.
+ Phó đoàn: mức tối đa 3.000.000 đồng/người/ngày.
+ Đoàn viên: mức tối đa 2.500.000 đồng/người/ngày.
- Đoàn khách hạng B:
+ Trưởng, phó đoàn: mức tối đa 2.500.000 đồng/người/ngày.
+ Đoàn viên: mức tối đa 2.000.000 đồng/người/ngày.
- Đoàn khách hạng C:
+ Trưởng đoàn: mức tối đa 2.000.000 đồng/người/ngày.
+ Đoàn viên: mức tối đa 1.000.000 đồng/người/ngày.
- Khách mời quốc tế khác: 400.000 đồng/người/ngày.
- Trường hợp do yêu cầu đối ngoại đặc biệt cần thuê
theo tiêu chuẩn cao hơn mức quy định tối đa trên thì đơn vị chủ trì tiếp khách
xin ý kiến chỉ đạo bằng văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định mức chi,
trên tinh thần tiết kiệm và phải tự sắp xếp trong phạm vi dự toán ngân sách được
cấp có thẩm quyền giao để thực hiện.
- Trường hợp nghỉ tại nhà khách của cơ quan, đơn vị
mà không tính tiền phòng hoặc trường hợp thuê khách sạn không bao gồm tiền ăn
sáng trong giá thuê phòng thì cơ quan, đơn vị tiếp khách chi tiền ăn sáng tối
đa bằng 10% mức ăn của 01 người/ngày/đối với từng hạng khách. Tổng mức tiền
thuê phòng và tiền ăn sáng không vượt quá mức chi thuê chỗ ở quy định nêu trên.
Chứng từ thanh toán căn cứ vào hợp đồng và hóa đơn
thu tiền của các đơn vị có chức năng cung cấp dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ.
c) Tiêu chuẩn ăn hàng ngày (Bao gồm 2 bữa trưa, tối):
- Đoàn khách hạng A: mức tối đa 600.000 đồng/người/ngày.
- Đoàn khách hạng B: mức tối đa 450.000 đồng/người/ngày.
- Đoàn khách hạng C: mức tối đa 350.000 đồng/người/ngày.
- Đoàn khách quốc tế khác: mức tối đa 250.000 đồng/người/ngày.
Mức chi ăn hàng ngày nêu trên bao gồm cả tiền đồ uống
(rượu, bia, đồ uống sản xuất tại Việt Nam và các loại thuế phải trả nhà cung cấp
dịch vụ theo quy định hiện hành).
- Trong trường hợp cần thiết phải có cán bộ của đơn
vị đón tiếp đi ăn cùng đoàn thì được thanh toán như thành viên của đoàn (việc bố
trí đối tượng cùng dự đón tiếp khách phải hợp lý).
d) Tổ chức chiêu đãi:
- Đối với khách từ hạng A, hạng B, hạng C: Mỗi đoàn
khách được tổ chức chiêu đãi 1 lần. Mức chi chiêu đãi tối đa không vượt quá tiền
ăn 1 ngày của khách theo quy định tại điểm c nêu trên.
đ) Tiêu chuẩn tiếp xã giao vào các buổi làm việc:
- Khách hạng A: mức chi nước uống, bánh ngọt, hoa
quả tối đa không quá 120.000 đồng/người/ngày (2 buổi làm việc).
- Khách hạng B: mức chi nước uống, bánh ngọt, hoa
quả tối đa không quá 100.000 đồng/người/ngày (2 buổi làm việc).
- Khách hạng C: mức chi nước uống, bánh ngọt, hoa
quả tối đa không quá 50.000 đồng/người/ngày (2 buổi làm việc).
Mức chi trên áp dụng cho cả đại biểu, phiên dịch
phía Việt Nam tham gia tiếp khách.
e) Chi dịch thuật:
- Biên dịch:
+ Tiếng Anh hoặc 1 số nước thuộc EU sang tiếng Việt:
tối đa không quá 100.000đồng/trang (350 từ).
+ Tiếng Việt sang tiếng Anh hoặc 1 số nước EU: tối
đa không quá 120.000 đồng/trang (350 từ).
+ Đối với 1 số ngôn ngữ không phổ thông mức chi
biên dịch được phép tăng tối đa 30% so với mức chi biên dịch nêu trên.
- Dịch nói:
+ Dịch nói thông thường: tối đa không quá 100.000 đồng/giờ/người,
tương đương không quá 800.000 đồng/ngày/người làm việc 8 tiếng.
+ Dịch đuổi (dịch đồng thời): tối đa không quá
250.000 đồng/giờ/người, tương đương không quá 2.000.000 đồng/ngày/người làm việc
8 tiếng.
Trong trường hợp đặc biệt tổ chức các cuộc hội nghị
quốc tế có quy mô lớn cần phải thuê phiên dịch có trình độ cao để đảm bảo chất
lượng hội nghị thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì hội nghị quyết định mức
chi dịch nói cho phù hợp sau khi có sự đồng ý của UBND tỉnh.
Định mức chi dịch thuật nêu trên chỉ áp dụng trong
trường hợp cơ quan không có người phiên dịch cần thiết phải đi thuê.
Trường hợp các cơ quan, đơn vị chưa được bố trí người
làm ở vị trí công tác biên, phiên dịch, nhưng cũng không đi thuê bên ngoài, mà
sử dụng cán bộ của các cơ quan, đơn vị để tham gia công tác biên, phiên dịch
thì được thanh toán tối đa không quá 50% mức biên, phiên dịch đi thuê ngoài. Thủ
trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm quyết định mức chi cụ thể trong từng
trường hợp và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn
vị; đồng thời phải chịu trách nhiệm về việc giao thêm công việc ngoài nhiệm vụ
thường xuyên được giao của cán bộ và phải quản lý chất lượng biên, phiên dịch bảo
đảm tiết kiệm, hiệu quả.
g) Chi văn hóa, văn nghệ, tặng phẩm:
- Văn hóa, văn nghệ:
Căn cứ tính chất công việc, yêu cầu đối ngoại của từng
đoàn khách nước ngoài vào làm việc tại tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có ý
kiến bằng văn bản để đơn vị được giao nhiệm vụ đón tiếp khách thực hiện trên
tinh thần tiết kiệm, không phô trương hình thức.
- Tặng phẩm:
Tặng phẩm là các sản phẩm sản xuất trong nước (ưu
tiên các sản phẩm mang bản sắc văn hóa địa phương), mức chi cụ thể như sau:
+ Đối với khách hạng A:
Trưởng đoàn mức tối đa không quá 700.000 đồng/người.
Các đại biểu khác không quá 300.000 đồng/người.
+ Đối với khách hạng B:
Trưởng đoàn mức tối đa không quá 500.000 đồng/người.
Các đại biểu khác không quá 300.000 đồng/người.
+ Đối với khách hạng C:
Trưởng đoàn mức tối đa không quá 400.000 đồng/người.
Các đại biểu khác không quá 300.000 đồng/người.
1.2. Đối với các đoàn khách nước ngoài vào làm việc
tại tỉnh, do khách tự túc ăn, ở; chỉ chi các khoản chi phí lễ tân, chi phí đi lại
trong thời gian làm việc:
Đối với khách hạng A, hạng B, hạng C:
Đơn vị chủ trì đón tiếp đoàn được chi như sau:
Chi đón tiếp tại sân bay, cửa khẩu; chi phí về
phương tiện đi lại trong thời gian đoàn làm việc tại tỉnh; chi phí tiếp xã giao
các buổi làm việc; chi phí dịch thuật; chi tặng phẩm; trong trường hợp vì quan
hệ đối ngoại xét thấy cần thiết thì Thủ trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ đón
tiếp có thể phê duyệt chi mời 01 bữa cơm.
Tiêu chuẩn chi đón tiếp và mức chi theo từng hạng
khách như quy định trên.
1.3. Đối với các đoàn khách nước ngoài vào làm việc
tại tỉnh do khách tự túc mọi chi phí:
Cơ quan, đơn vị có đoàn đến làm việc chỉ được chi để
tiếp xã giao các buổi đoàn đến làm việc, mức chi như quy định nêu trên.
2. Hội nghị, hội thảo quốc tế tổ chức tại tỉnh:
2.1. Hội nghị, hội thảo quốc tế tổ chức tại tỉnh do
tỉnh đài thọ toàn bộ chi phí được chi như sau:
- Đối với khách mời là đại biểu quốc tế do tỉnh đài
thọ được áp dụng các mức chi tại khoản 1, Điều 2 nêu trên.
- Chi xã giao vào các buổi làm việc (áp dụng cho cả
đại biểu và phiên dịch phía Việt Nam) thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản
1, Điều 2.
- Đối với các khoản chi khác như: Chi giấy bút, văn
phòng phẩm, in ấn tài liệu, truyên truyền, trang trí, thuê hội trường hoặc
phòng họp, thuê thiết bị (nếu có), tiền làm cờ, phù hiệu hội nghị, tham quan,
phiên dịch, bảo vệ, chi phí đưa đón phu nhân Bộ trưởng, thuốc y tế, các khoản
chi cần thiết khác (nếu có) phải dựa trên cơ sở thực sự cần thiết và trong dự
toán được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2.2. Hội nghị hội thảo quốc tế tổ chức tại tỉnh do
tỉnh và phía nước ngoài phối hợp tổ chức:
Đối với các hội nghị, hội thảo này, khi xây dựng dự
toán cần làm rõ những nội dung thuộc trách nhiệm của phía nước ngoài chi, phía
tỉnh chi để tránh trùng lắp và được chi theo mức chi quy định tại các điểm nêu
trên.
2.3. Đối với hội nghị, hội thảo quốc tế tổ chức tại
tỉnh do phía nước ngoài đài thọ toàn bộ chi phí: cơ quan đơn vị nơi phối hợp với
các tổ chức quốc tế để tổ chức hội nghị, hội thảo không được sử dụng kinh phí ngân
sách nhà nước để chi thêm cho các hội nghị, hội thảo quốc tế này.
2.4. Về chế độ đối với cán bộ tỉnh tham gia đón, tiếp
khách quốc tế, phục vụ các hội nghị, hội thảo quốc tế, tham gia các đoàn đàm
phán: Mức chi thực hiện theo quy định tại khoản 3, Điều 3 Thông tư
01/2010/TT-BTC ngày 06/01/2010 của Bộ Tài chính.
3. Quy định khung mức chi tiêu tiếp khách trong nước:
Các cơ quan, đơn vị không tổ chức chi chiêu đãi, đối
với khách trong nước đến làm việc tại cơ quan, đơn vị mình; trường hợp xét thấy
cần thiết thì chỉ tổ chức mời cơm cho các đối tượng cụ thể: khách Đoàn Cách mạng
lão thành, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Già làng, Trưởng bản; khách Trung ương về
làm việc tại tỉnh; khách tỉnh bạn đến làm việc, quan hệ đối tác đầu tư và các
trường hợp đặc biệt khác do thủ trưởng Cơ quan, đơn vị xem xét quyết định và phải
được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ rõ ràng, công khai minh bạch về đối
tượng khách mời cơm và mức chi mời cơm đảm bảo tiết kiệm, phù hợp với đặc điểm
hoạt động của cơ quan đơn vị. Mức chi:
- Chi nước uống mức chi tối đa 20.000 đồng/người/ngày
làm việc.
- Mức chi mời cơm tối đa không quá 200.000 đồng/1
suất.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo
chi phí hoạt động, đơn vị tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động theo quy định tại
Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ, các tổ chức khoa học
và công nghệ công lập thực hiện theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 của
Chính phủ, mức chi mời cơm do thủ trưởng đơn vị xem xét, quyết định và phải quy
định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị đảm bảo tiết kiệm, phù hợp với đặc
điểm hoạt động của cơ quan, đơn vị trên cơ sở các chế độ được quy định tại
Thông tư số 01/2010/TT-BTC.
Điều 3. Mức chi chế độ công tác
phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan Nhà nước, đơn vị
sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề
nghiệp có sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước
1. Mức chi công tác phí:
1.1. Thanh toán phụ cấp lưu trú:
a) Đi công tác ngoại tỉnh cách cơ quan từ 100 km trở
lên: Mức phụ cấp lưu trú tối đa không quá 150.000 đồng/ngày/người.
b) Đi công tác nội tỉnh cách trụ sở cơ quan từ 10
km trở lên (đối với khu vực vùng cao, miền núi, vùng sâu, hải đảo) và từ 15 km
trở lên (đối với các vùng còn lại); đi công tác ngoại tỉnh cách cơ quan dưới
100 km: mức phụ cấp lưu trú tối đa không quá 120.000 đồng/ngày/người.
1.2. Thanh toán tiền thuê phòng nghỉ tại nơi đến
công tác:
a) Thanh toán theo hình thức khoán:
- Đi công tác ở các quận thuộc thành phố Hà Nội,
thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, thành phố Cần Thơ, thành phố Đà Nẵng
và thành phố là đô thị loại I thuộc tỉnh: mức khoán tối đa. không quá 350.000 đồng/ngày/người;
- Đi công tác tại các huyện thuộc các thành phố trực
thuộc Trung ương, tại thị xã, thành phố còn lại thuộc tỉnh: mức khoán tối đa
không quá 250.000 đồng/ngày/người.
- Đi công tác các vùng còn lại:
+ Tại các huyện ngoại tỉnh: mức khoán tối đa không
quá 200.000 đồng/ngày/người.
+ Tại các vùng còn lại trong tỉnh: mức khoán tối đa
không quá 120.000 đồng/ngày/người.
- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND
tỉnh và các chức danh tương đương nếu nhận khoán thì mức khoán tối đa không quá
700.000 đồng/ngày/người, không phân biệt nơi đến công tác.
b) Thanh toán theo hóa đơn thực tế:
Trong trường hợp người đi công tác không nhận thanh
toán theo hình thức khoán tại điểm a nêu trên thì được thanh toán theo giá thuê
phòng thực tế (có hóa đơn hợp pháp) do thủ trưởng cơ quan, đơn vị duyệt theo
tiêu chuẩn thuê phòng như sau:
- Đi công tác ở các quận thuộc thành phố Hà Nội,
thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, thành phố Cần Thơ, thành phố Đà Nẵng
và thành phố là đô thị loại I thuộc tỉnh:
+ Đối với các đối tượng lãnh đạo có hệ số phụ cấp
chức vụ từ 1,25 đến 1,3 của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các chức
danh tương đương thuộc cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoàn thể: được thanh toán
mức giá thuê phòng ngủ tối đa không quá 1.200.000 đồng/ngày/phòng theo tiêu chuẩn
một người/1 phòng;
+ Các đối tượng cán bộ, công chức còn lại: được
thanh toán mức giá thuê phòng ngủ tối đa không quá 800.000 đồng/ngày/phòng theo
tiêu chuẩn hai người/1 phòng.
- Đi công tác các vùng còn lại:
+ Đối với các đối tượng lãnh đạo có hệ số phụ cấp
chức vụ từ 1,25 đến 1,3 của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các chức
danh tương đương thuộc cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoàn thể: được thanh toán
mức giá thuê phòng ngủ tối đa không quá 1.000.000 đồng/ngày/phòng theo tiêu chuẩn
một người/1 phòng;
+ Các đối tượng cán bộ, công chức còn lại:
Nếu đi công tác tại các huyện ngoại tỉnh được thanh
toán mức giá thuê phòng ngủ tối đa không quá 600.000 đồng/ngày/phòng theo tiêu
chuẩn hai người/1 phòng.
Nếu đi công tác tại các vùng còn lại trong tỉnh được
thanh toán mức giá thuê phòng ngủ tối đa không quá 300.000 đồng/ngày/phòng theo
tiêu chuẩn hai người/1 phòng.
2. Mức chi tổ chức hội nghị:
2.1. Mức chi hỗ trợ tiền ăn cho đại biểu là khách mời
không thuộc diện hưởng lương từ ngân sách Nhà nước như sau:
- Cuộc họp được tổ chức tại địa điểm nội thành, nội
thị của thành phố trực thuộc tỉnh; tại các huyện, thị xã thuộc tỉnh: mức chi hỗ
trợ tiền ăn tối đa không quá 100.000 đồng/ngày/người.
- Riêng cuộc họp do xã, phường, thị trấn tổ chức
(không phân biệt địa điểm tổ chức): mức chi hỗ trợ tiền ăn tối đa không quá
60.000 đồng/ngày/người.
Trong trường hợp tổ chức nấu ăn tập trung, nếu mức
khoán nêu trên không đủ chi phí thì đơn vị được phép chi vượt quá mức chi tối
đa nhưng không quá 130 % mức khoán bằng tiền nêu trên.
2.2. Chi hỗ trợ tiền nghỉ cho đại biểu là khách mời
không thuộc diện hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thực hiện theo mức thanh
toán khoán hoặc theo hóa đơn thực tế như quy định về chế độ thanh toán tiền
công tác phí nêu tại khoản 1, Điều 3.
Đối với các đại biểu là khách mời hưởng lương từ
ngân sách Nhà nước thì các đơn vị tổ chức không được chi hỗ trợ tiền ăn và tiền
nghỉ như quy định tại khoản 2.1 và 2.2, Điều 3.
2.3. Chi tiền nước uống trong cuộc họp:
- Cuộc họp tổ chức tại tỉnh: mức chi tối đa không
quá 30.000 đồng/ngày (2 buổi)/đại biểu.
- Cuộc họp tổ chức tại các huyện, thị xã, thành phố
thuộc tỉnh: mức chi tối đa không quá 20.000 đồng/ngày (2 buổi)/đại biểu.
- Cuộc họp do xã, phường, thị trấn tổ chức (không
phân biệt địa điểm tổ chức): mức chi tối đa không quá 15.000 đồng/ngày (2 buổi)/đại
biểu.
Chương 3.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 4. Tổ chức thực hiện:
1. Các nội dung khác liên quan đến chế độ công tác
phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị trong nước, mức chi tiếp khách trong
và ngoài nước tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế của các cơ quan Nhà nước và
đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội
nghề nghiệp có sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước cấp thực hiện theo quy định
tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC và Thông tư số 01/2010/TT-BTC
2. Kinh phí chi chế độ công tác phí, chi tổ chức
các cuộc hội nghị trong nước và đón tiếp khách trong và ngoài nước, tổ chức các
hội nghị, hội thảo quốc tế, phải được quản lý, sử dụng theo đúng định mức, tiêu
chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và trong phạm vị dự
toán chi ngân sách hàng năm được cấp có thẩm quyền giao. Riêng năm 2010 các cơ
quan đơn vị thu xếp trong phạm vi dự toán ngân sách được giao và các nguồn kinh
phí hợp pháp khác để thực hiện.
3. Các cơ quan, đơn vị căn cứ khả năng ngân sách và
tình hình thực tế quy định mức chi cụ thể nhưng không được vượt quá mức chi tại
quy định này, đảm bảo tiết kiệm, công khai, minh bạch.
4. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ
chức thực hiện quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc
đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Tài chính để tổng hợp, báo
cáo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định./.