Quyết định 3344/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Phương án Hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, an sinh xã hội nhằm góp phần khắc phục, giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

Số hiệu 3344/QĐ-UBND
Ngày ban hành 03/12/2021
Ngày có hiệu lực 03/12/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Long
Người ký Nguyễn Thị Quyên Thanh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3344/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 03 tháng 12 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN HỖ TRỢ ĐÀO TẠO NGHỀ, GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM, AN SINH XÃ HỘI NHẰM GÓP PHẦN KHẮC PHỤC, GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Việc làm ngày 16/11/2013;

Căn cứ Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 461/TTr-SLĐTBXH ngày 30/11/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án Hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, an sinh xã hội nhằm góp phần khắc phục, giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

(Kèm theo Phương án số 01/PA-SLĐTBXH, ngày 30/11/2021 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội).

Điều 2. Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TTTU, HĐND tỉnh;
- CT, PCT.UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- PVP UBND tỉnh;
- Phòng VX, KTNV;
- Lưu: VT, 3.24.05.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Quyên Thanh

 

UBND TỈNH VĨNH LONG
SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/PA-SLĐTBXH

Vĩnh Long, ngày 30 tháng 11 năm 2021

 

PHƯƠNG ÁN

HỖ TRỢ ĐÀO TẠO NGHỀ, GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM, AN SINH XÃ HỘI NHẰM GÓP PHẦN KHẮC PHỤC, GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG

I. THỰC TRẠNG VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN

Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân. Các hoạt động tập trung đông người bị hạn chế, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, làm gia tăng số lao động mất việc làm và nhu cầu trợ giúp xã hội của người dân. Trong bối cảnh đó công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động nói riêng cũng gặp nhiều khó khăn. Tính đến cuối năm 2021 trên địa bàn tỉnh chỉ thực hiện tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cho 24.007 người (chỉ đạt 70,2% kế hoạch năm), trong đó: cao đẳng 342 người (đạt 76%), trung cấp 1.313 người (đạt 87,53%), sơ cấp 5.484 người (đạt 44,76%), đào tạo dưới 3 tháng và đào tạo thường xuyên 16.868 người (đạt 84,34%); Trong đó chi tổ chức mở được 25 lớp hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp, dưới 3 tháng cho người lao động với 473 học viên (đạt 9,46% kế hoạch năm); Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 55,97% (chỉ đạt 70,3% kế hoạch năm), trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 16,78% (chỉ đạt 32,92 % kế hoạch năm).

Từ ngày 01/8/2021 các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không đảm bảo theo phương án 3 tại chỗ phải tạm dừng hoạt động, do đó có trên 90% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tạm dừng hoạt động, tập trung ở các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Đến ngày 15/9/2021, trong tổng số 46 doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp thì có 13 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 33 doanh nghiệp hoạt động theo phương án 03 tại chỗ phải cắt giảm lao động dẫn đến 40.769 lao động trong khu công nghiệp đang phải tạm ngưng làm việc; Trong tổng số 2.709 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp thì có 2.681 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 28 doanh nghiệp hoạt động theo phương án 03 tại chỗ phải cắt giảm lao động dẫn đến 30.097 lao động ngoài khu công nghiệp phải tạm ngừng làm việc. Dự kiến sau thời gian giãn cách xã hội các doanh nghiệp dần hoạt động trở lại, tuy nhiên một bộ phận doanh nghiệp vẫn sẽ gặp khó khăn trong hoạt động, hoạt động không ổn định dẫn đến một bộ phận người lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm hoặc việc làm không ổn định. Ngoài ra, ở các tỉnh thành có nhiều lao động của tỉnh Vĩnh Long đến làm việc như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,... do tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên dự kiến có khoảng 7.300 lao động của tỉnh gặp khó khăn phải trở về địa phương; Một bộ phận lao động tự do, người tự kinh doanh nhỏ lẻ, các hộ kinh doanh và lao động làm việc kèm theo cũng bị ảnh hưởng, gặp nhiều khó khăn về việc làm, thu nhập trong thời gian diễn ra dịch bệnh và có thể còn tiếp tục gặp khó khăn sau đại dịch, dự kiến có trên 27.000 lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập;

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 72.000 đối tượng người có công với cách mạng[1]. Trong đó có 170 hộ gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo, 431 hộ cận nghèo[2]. Có trên 900 người có công, thân nhân người có công mắc bệnh hiểm nghèo, đa số đã lớn tuổi, sức khỏe kém, có bệnh tật, không có lao động, không có vốn và các điều kiện làm kinh tế, từ đó đời sống càng khó khăn hơn trước đại dịch Covid-19;

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 5.875 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,97%/tổng số hộ dân; 10.757 hộ cận nghèo, tỷ lệ 3,61%; số trẻ em dưới 16 tuổi là 200.926 em chiếm tỷ lệ 19,64% trên tổng số dân, trong đó: có 92.546 trẻ em dưới 6 tuổi, chiếm 9,04% dân số, 1.844 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 13.523 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; 49.593 đối tượng đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội. Tình hình dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân, đặc biệt là người nghèo, người có thu nhập thấp và các đối tượng bảo trợ xã hội; nguy cơ tái nghèo, số hộ nghèo, cận nghèo có thể tăng, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt gia tăng trong đó có nhiều trẻ em bị mồ côi do cha mẹ bị tử vong vi Covid-19; nhiều trẻ em thuộc gia đình khó khăn, trẻ em hoàn cảnh đặc biệt không có khả năng trang thiết bị hỗ trợ học online; tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng có nguy cơ gia tăng do gia đình giãn cách xã hội, bố mẹ, người nuôi dưỡng mất, gặp khó khăn về việc làm và thu nhập ..v..v.. Các ảnh hưởng của đại dịch cũng làm tăng nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội, việc kiểm soát ngăn chặn tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy, quản lý đối tượng nghiện ma túy gặp nhiều khó khăn.

Thời gian qua cùng với các giải pháp, nỗ lực phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, tỉnh Vĩnh Long cũng tập trung triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong đó:

- Đến ngày 25/11/2021, đã quyết định hỗ trợ các chế độ chính sách theo Nghị quyết 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 của Chính phủ, Quyết định 23/2021/QĐ- TTg, ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ cho 26.686 lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, với kinh phí 73.065,2 triệu đồng; hỗ trợ 19.329 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, với kinh phí 71.457,7 triệu đồng; hỗ trợ 29.800 người lao động ngừng việc, với kinh phí 36.300 triệu đồng; hỗ trợ 19 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, với kinh phí 82,49 triệu đồng; hỗ trợ giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 1.182 doanh nghiệp, 72.997 người lao động, với kinh phí 4.494,222 triệu đồng; hỗ trợ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 04 doanh nghiệp, 738 lao động, với kinh phí 3.410,42 triệu đồng; hỗ trợ 08 doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc cho 2.074 lao động, với kinh phí 7.080 triệu đồng; hỗ trợ cho 11.021 hộ kinh doanh, với kinh phí 33.068 triệu đồng; tổ chức thẩm định, phê duyệt cho 16 doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” và 03 doanh nghiệp thí điểm hoạt động theo phương án “2 tại chỗ - vùng xanh”; xây dựng chính sách hỗ trợ cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 116/NQ-CP, ngày 24/9/2021 của Chính phủ: ước hỗ trợ cho 68.841 lao động có tên trong danh sách tham gia BHTN đến thời điểm 30/9/2021 tại 1.145 đơn vị sử dụng lao động (bao gồm ốm đau, thai sản, nghỉ việc không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động) và 48.715 lao động nghỉ việc từ ngày 01/01/2020 đến ngày 30/9/2021 được bảo lưu thời gian tham gia BHTN, tổng kinh phí hỗ trợ là 276.530 triệu đồng từ nguồn kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

- Hỗ trợ khó khăn đột xuất cho 1.029 người có công và thân nhân người có công mắc bệnh hiểm nghèo, đời sống khó khăn với kinh phí 1.128,3 triệu đồng.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ