Quyết định 3286/QĐ-BYT năm 2024 về Kế hoạch điều trị viêm gan vi rút C ở người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ cao giai đoạn 2024-2026 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 3286/QĐ-BYT
Ngày ban hành 05/11/2024
Ngày có hiệu lực 05/11/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thị Liên Hương
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3286/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH ĐIỀU TRỊ VIÊM GAN VI RÚT C Ở NGƯỜI NHIỄM HIV VÀ NGƯỜI CÓ HÀNH VI NGUY CƠ CAO GIAI ĐOẠN 2024 - 2026

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 95/2022/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 4531/QĐ-BYT ngày 24/9/2021 của Bộ Y tế về ban hành Kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2021-2025;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch điều trị viêm gan vi rút C ở người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ cao giai đoạn 2024 - 2026”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 3. Các ông bà: Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ; Vụ trưởng, Cục trưởng các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế; Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Viện trưởng các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Giám đốc Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hưng Yên, Hải Dương và thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các đồng chí Thứ trưởng (để biết);
- Lưu: VT, AIDS.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Liên Hương

 

KẾ HOẠCH

ĐIỀU TRỊ VIÊM GAN VI RÚT C Ở NGƯỜI NHIỄM HIV VÀ NGƯỜI CÓ HÀNH VI NGUY CƠ CAO GIAI ĐOẠN 2024 – 2026
(Kèm theo Quyết định số 3286/QĐ-BYT ngày 05 tháng 11 năm 2024 của Bộ Y tế)

Phần 1

TÌNH HÌNH DỊCH HIV VÀ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ VIÊM GAN VI RÚT C TRÊN NGƯỜI NHIỄM HIV, NGƯỜI CÓ HÀNH VI NGUY CƠ CAO

I. TÌNH HÌNH DỊCH HIV VÀ VIÊM GAN VI RÚT C TẠI VIỆT NAM

Đến hết tháng 12/2023, toàn quốc có gần 250.000 người nhiễm HIV còn sống. Số liệu giám sát cho thấy dịch HIV/AIDS có xu hướng gia tăng ở một số địa phương; tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy vẫn còn ở mức trên 9.06%; đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có xu hướng tăng rất nhanh trong những năm gần đây (từ 3,95% năm 2011, lên 5,1% năm 2015 và 12,5% năm 2022). Số MSM chiếm khoảng 48,7% trong số người nhiễm HIV được phát hiện năm 2023, chủ yếu ở độ tuổi trẻ từ 16-29 tuổi chiếm 46,7%, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên (cá biệt có tính chiếm đến 80% tổng số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện).

Trong số liệu giám sát phát hiện hàng năm, nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh và đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam. Nhóm tuổi 16-29 chiếm tỷ lệ cao trong số những ca phát hiện mới năm 2023 (46,7%). Phân tích đường lây trong nhóm tuổi này cho thấy, 86,8% lây qua đường tình dục, đối tượng là nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 70,3% trong số những ca mới phát hiện trong độ tuổi này [8].

Bệnh viêm gan vi rút B, C là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe do các biến chứng của viêm gan vi rút. Người nhiễm vi rút viêm gan vi rút C chủ yếu gặp ở người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Đường lây truyền của vi rút viêm gan vi rút C tương tự như đường lây truyền của HIV, bao gồm qua đường máu, quan hệ tình dục không an toàn, nhất là nam quan hệ tình dục đồng giới nam, lây truyền từ mẹ sang con (4-8%). Vi rút viêm gan C nhân lên ở màng tế bào nhân, không nhân lên ở trong nhân tế bào, không tích hợp vào DNA vật chủ như vi rút HIV hay vi rút viêm gan B. Đây chính là cơ sở dẫn đến khả năng điều trị khỏi bệnh viêm gan vi rút C mạn tính. Hiện nay chưa có vắc xin dự phòng bệnh viêm gan vi rút C. Các can thiệp dự phòng viêm gan vi rút C chủ yếu là can thiệp giảm hại cho quần thể có nguy cơ cao, giảm nguy cơ phơi nhiễm với vi rút trong môi trường y tế, giáo dục và tư vấn về phòng bệnh, xét nghiệm phát hiện vi rút viêm gan vi rút C định kỳ ở người có nguy cơ cao để chẩn đoán và điều trị sớm.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B và vi rút viêm gan C cao trên toàn cầu và đứng thứ năm trong số 10 quốc gia có tỷ lệ bị ung thư gan cao nhất thế giới [5]. Các nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan C mạn tính trên toàn bộ dân số là 1%, trên người nhiễm HIV khoảng 34,4% (dao động từ 26%- 44%) [5], Theo kết quả mô hình ước tính gánh nặng bệnh tật do vi rút viêm gan B và C dược Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới thực hiện năm 2017, ước tính có khoảng 7,8 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính và khoảng gần 1 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C mãn tính [5]. Trong số này có khoảng 86.000 người nhiễm HIV có đồng nhiễm viêm gan vi rút C. Đây là nguyên nhân dẫn đến khoảng 80.000 trường hợp xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan và khoảng 40.000 trường hợp tử vong hàng năm và có xu hướng tiếp tục gia tăng [5].

II. Kết quả điều trị viêm gan vi rút C ở người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ cao tại Việt Nam

1. Tổng quan về điều trị viêm gan vi rút C

- Phần lớn người nhiễm vi rút viêm gan C không có triệu chứng lâm sàng cho đến khi có biểu hiện xơ gan. Đôi khi có mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, đau nhẹ hạ sườn phải, rối loạn tiêu hóa,... Người nhiễm HIV khi đồng thời nhiễm vi rút viêm gan C, dễ chuyển thành viêm gan vi rút C mạn tính, tăng nguy cơ chuyển sang xơ gan, nguy cơ ung thư gan tiên phát và bệnh gan giai đoạn cuối [4], [11], [12].

- Mục tiêu của điều trị viêm gan vi rút C nhằm loại trừ vi rút viêm gan C ra khỏi cơ thể người bệnh đạt được đáp ứng vi rút bền vững, ngăn ngừa viêm gan tiến triển, xơ hóa gan, xơ gan, ung thư gan nguyên phát, biểu hiện ngoài gan nặng và tử vong cũng như dự phòng lây nhiễm vi rút viêm gan C trong cộng đồng. Người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan vi rút C cần được điều trị đồng thời của HIV và điều trị viêm gan vi rút C vì việc tồn tại hai căn bệnh này sẽ thúc đẩy tiến triển nặng của bệnh. Việc không điều trị một trong hai bệnh đều dẫn đến nguy cơ người bệnh tử vong vì bệnh còn lại. Bên cạnh đó, có sự tương tác thuốc giữa các thuốc ARV điều trị nhiễm HIV và thuốc điều trị viêm gan vi rút C. Chính vì vậy, việc lựa chọn các phác đồ điều trị không có tương tác thuốc đối với các trường hợp đồng nhiễm HIV/viêm gan vi rút C là rất cần thiết.

- Tỷ lệ tử vong ở người nhiễm HIV đã giảm đáng kể do việc mở rộng điều trị thuốc ARV. Điều trị ARV làm giảm tiến triển nhiễm viêm gan vi rút C nhưng tỷ lệ biến chứng viêm gan vi rút C vẫn rất cao nếu không điều trị viêm gan vi rút C kịp thời [4]. Ngay cả ở người đã được điều trị thuốc ARV và có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế thì nguy cơ xơ gan mất bù vẫn cao ở người đồng nhiễm HIV/viêm gan vi rút C nếu không được điều trị viêm gan vi rút C. Năm 2016, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo các quốc gia cần tăng cường điều trị viêm gan vi rút C trên người bệnh đồng nhiễm HIV để duy trì thành quả của chương trình điều trị HIV [15].

[...]
11
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ