Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 3249/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030”

Số hiệu 3249/QĐ-UBND
Ngày ban hành 06/09/2021
Ngày có hiệu lực 06/09/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Dương Anh Đức
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3249/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 06 tháng 9 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “GIÁO DỤC THÔNG MINH VÀ HỌC TẬP SUỐT ĐỜI TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2021 - 2030”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Kết luận số 51-KL/TW ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

Căn cứ Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13 tháng 4 năm 2017 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập;

Căn cứ Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hỗ trợ các hoạt động dạy học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”;

Căn cứ Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Chương trình giáo dục phổ thông;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 6179/QĐ-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phê duyệt Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”;

Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 387/TTr-SGDĐT ngày 05 tháng 02 năm 2021 và Công văn 1620/SGDĐT-GDTrH ngày 31 tháng 5 năm 2021,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận - huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Thường trực Thành ủy;
- TTUB: CT, các PCT;
- Sở Giáo dục và Đào tạo;
- Sở Tài chính;
- Sở Thông tin và Truyền thông;
- Sở Kế hoạch và Đầu tư;
- VPUB: Các PCVP;
- Phòng VX, TH;
- Lưu: VT, (VX-VNga)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Anh Đức

 

ĐỀ ÁN

GIÁO DỤC THÔNG MINH VÀ HỌC TẬP SUỐT ĐỜI TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2021 - 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3249/QĐ-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

Phần thứ nhất

BỐI CẢNH XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Tổng quan về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một xu thế lớn, hội tụ nhiều công nghệ trên nền tảng số hóa của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba với sự phát triển đột phá của công nghệ Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn, điện toán đám mây và các công nghệ số khác để thực hiện siêu kết nối, tích hợp các hệ thống số hóa - vật lý - sinh học, giữa thế giới thực và không gian số tạo ra lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất mới, chuyển đổi toàn diện trên tất cả các mặt của cuộc sống, từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh đến cách thức tiêu dùng, giao tiếp xã hội, thậm chí thay đổi chính bản thân con người.

Công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ và tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trên toàn cầu. Những thay đổi mang tính cách mạng về khoa học, đột phá của công nghệ số dẫn tới xu hướng phát triển và yêu cầu thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, mô hình kinh tế, xã hội quốc gia cũng như hệ thống quản lý của các ngành, lĩnh vực.

a) Điện toán đám mây (Cloud computing)

[...]