THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 32/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 07 tháng 01
năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÀNH LẬP SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 29
tháng 6 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán ngày
24 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26
tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn
nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh
nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài
chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án thành lập Sở giao dịch Chứng
khoán Việt Nam với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát
Thành lập Sở giao dịch Chứng khoán
(SGDCK) Việt Nam theo mô hình công ty mẹ - con trên cơ sở sắp xếp lại SGDCK Hà
Nội và SGDCK Thành phố (Tp.) Hồ Chí Minh nhằm thống nhất thị trường giao dịch chứng
khoán, đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch;
tăng cường công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các
đối tượng tham gia thị trường; góp phần nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK)
Việt Nam; nâng cao sức cạnh tranh và từng bước tiếp cận với các chuẩn mực và
thông lệ quốc tế.
b) Mục tiêu cụ thể
- Hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy
trên cơ sở thống nhất một đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro để nâng
cao hiệu quả bộ máy tổ chức và hoạt động của SGDCK Việt Nam; tăng cường tính tự
chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc tổ chức hoạt động thị trường theo quy định
của pháp luật.
- Sắp xếp lại hiệu quả việc tổ chức
thị trường giao dịch chứng khoán tại Việt Nam trên cơ sở phân định rõ ba khu vực
thị trường chính, gồm: thị trường giao dịch cổ phiếu, thị
trường giao dịch trái phiếu và TTCK phái sinh; tập trung vào chuyên môn hóa và
chuyên nghiệp hóa hoạt động, phát huy vai trò của TTCK trong phát triển kinh tế.
- Phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng
và công nghệ thông tin hiện đại cho thị trường, bao gồm cả hệ thống đường truyền,
cơ sở dữ liệu và hệ thống dự phòng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể
tham gia TTCK, tạo khả năng kết nối với các TTCK trong khu vực và trên thế giới.
- Thống nhất quản lý về tài chính, đầu
tư công nghệ; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đồng thời hoàn thiện cơ chế tài
chính đảm bảo phù hợp với đặc thù hoạt động của SGDCK.
- Mở rộng TTCK có tổ chức, đa dạng
hóa các sản phẩm giao dịch và nhà đầu tư, thu hẹp thị trường tự do, đảm bảo thị
trường hoạt động hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp của nhà đầu tư.
2. Quan điểm và
nguyên tắc
Việc thành lập SGDCK Việt Nam trên cơ
sở sắp xếp lại SGDCK Hà Nội và SGDCK Tp. Hồ Chí Minh phải đảm bảo các quan điểm
chỉ đạo và nguyên tắc sau:
a) Tuân thủ các quy định pháp luật có
liên quan, bao gồm Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý và sử dụng
vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trong đó Luật Chứng
khoán với tính chất là Luật chuyên ngành được ưu tiên áp dụng.
b) Việc triển khai được thực hiện
theo lộ trình và bước đi phù hợp, đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch
trên TTCK, không làm tăng số lượng người lao động, không gây xáo trộn về tổ chức
bộ máy, nhân lực, hoạt động nghiệp vụ và công tác quản lý tài chính của các
SGDCK.
c) Tăng cường vai trò quản lý giám
sát của Nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, đảm bảo TTCK
vận hành an toàn, công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả hoạt động của các
SGDCK.
3. Nội dung chủ yếu
a) Mô hình hoạt động
- SGDCK Việt Nam hoạt động theo mô
hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn
nhà nước dưới hình thức công ty mẹ - công ty con do Bộ Tài chính là cơ quan đại
diện chủ sở hữu vốn nhà nước, có trụ sở chính đặt tại Hà Nội.
- SGDCK Hà Nội và SGDCK Tp. Hồ Chí
Minh là các công ty con do SGDCK Việt Nam đầu tư 100% vốn, hoạt động độc lập, có tư cách pháp nhân.
b) Vốn điều lệ
- SGDCK Việt Nam có mức vốn điều lệ là
3.000 tỷ đồng, được điều chuyển từ vốn điều lệ của SGDCK Hà Nội và SGDCK Tp. Hồ
Chí Minh.
- Trong quá trình hoạt động, SGDCK Việt
Nam thực hiện tăng hoặc giảm vốn điều lệ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
c) Chức năng, nhiệm vụ
- SGDCK Việt Nam có chức năng, nhiệm
vụ chính sau đây:
+ Xây dựng chiến lược, kế hoạch đầu
tư phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh 05 năm và kế hoạch sản xuất kinh
doanh hằng năm để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
+ Ban hành các quy chế về niêm yết chứng
khoán, giao dịch chứng khoán, công bố thông tin, thành viên giao dịch và các
quy chế nghiệp vụ khác liên quan đến tổ chức và hoạt động thị trường giao dịch
chứng khoán sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận.
+ Giám sát SGDCK Tp. Hồ Chí Minh,
SGDCK Hà Nội trong việc triển khai thực hiện các quy chế hoạt động nghiệp vụ;
giám sát chung về thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật.
+ Định hướng phát triển hệ thống công
nghệ thông tin, định hướng phát triển các công nghệ mới, sản phẩm mới để chỉ đạo
tổ chức thực hiện thống nhất.
+ Hỗ trợ phát triển
thị trường thông qua việc cung cấp các dịch vụ cơ sở hạ tầng, đào tạo, tuyên
truyền, phổ cập kiến thức và cung cấp các dịch vụ khác theo quy định của pháp
luật.
+ Làm trung gian hoà giải theo yêu cầu
của thành viên giao dịch khi phát sinh tranh chấp liên quan đến hoạt động giao
dịch chứng khoán.
+ Hợp tác quốc tế về chứng khoán và thị trường chứng khoán, là đầu mối tham gia các tổ chức
quốc tế về TTCK.
+ Thực hiện quản lý các công ty con của
SGDCK Việt Nam theo quy định pháp luật và Điều lệ hoạt động của SGDCK Việt Nam.
+ Các nhiệm vụ khác theo quy định của
pháp luật và quy định của cấp có thẩm quyền.
- SGDCK Hà Nội và SGDCK Tp. Hồ Chí
Minh có chức năng, nhiệm vụ chính sau đây:
+ Tổ chức hoạt động niêm yết, đăng ký
giao dịch, giao dịch chứng khoán, đấu giá chứng khoán, đấu thầu trái phiếu theo
quy định của pháp luật.
+ Giám sát việc chấp hành quy định của
pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán của thành viên giao dịch, tổ
chức niêm yết và nhà đầu tư tham gia giao dịch chứng khoán
tại SGDCK theo quy định của pháp luật.
+ Phát triển các sản phẩm mới trong phạm vi thị trường quản lý.
+ Hỗ trợ phát triển thị trường thông
qua việc cung cấp các dịch vụ cơ sở hạ tầng, đào tạo, tuyên truyền, phổ cập kiến thức.
+ Các nhiệm vụ khác theo quy định của
pháp luật và quy định của cấp có thẩm quyền.
d) Tổ chức bộ máy
Bộ Tài chính quyết định tổ chức bộ
máy của SGDCK Việt Nam; SGDCK Việt Nam quyết định tổ chức bộ máy của SGDCK Hà Nội
và SGDCK Tp. Hồ Chí Minh sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính.
đ) Cơ chế tài chính và tiền lương
- Cơ chế tài chính:
+ SGDCK Việt Nam áp dụng cơ chế tài chính của Công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên 100% vốn nhà nước theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào
sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng
10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử
dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 10
năm 2015 của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám
sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của
doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước; Nghị định số
122/2017/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định một số nội dung
đặc thù về cơ chế quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với
doanh nghiệp kinh doanh xổ số; Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng
khoán Việt Nam, các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có) và
các quy định pháp luật có liên quan.
+ SGDCK Hà Nội và SGDCK Tp. Hồ Chí
Minh áp dụng Quy chế quản lý tài chính do SGDCK Việt Nam ban hành theo quy định
về cơ chế tài chính của doanh nghiệp nhà nước, phù hợp với quy định của Luật
Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh
tại doanh nghiệp; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của
Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài
sản tại doanh nghiệp; Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2015 của
Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính,
đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp
nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước; Nghị định số 122/2017/NĐ-CP ngày 13
tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định một số nội dung đặc thù về cơ chế quản
lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp kinh doanh xổ
số; Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, các văn
bản hướng dẫn, thay thế, bổ sung (nếu có) và các quy định pháp luật có liên
quan.
- Cơ chế tiền lương:
+ SGDCK Việt Nam áp dụng cơ chế tiền
lương của doanh nghiệp nhà nước và xếp lương người quản lý theo quy định hiện
hành.
+ SGDCK Việt Nam căn cứ cơ chế tiền
lương của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn
điều lệ được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Chứng khoán để tổ chức
quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động và người quản
lý của SGDCK Hà Nội và SGDCK Tp. Hồ Chí Minh.
4. Lộ trình thực hiện
Việc thành lập SGDCK Việt Nam theo lộ
trình phù hợp nhằm đảm bảo thị trường vẫn hoạt động ổn định, liên tục, bao gồm
2 giai đoạn sau:
a) Giai đoạn 1 (2019 - 2020):
- Thành lập SGDCK Việt Nam, tiếp tục
duy trì hoạt động các thị trường giao dịch chứng khoán như hiện nay tại SGDCK
Tp. Hồ Chí Minh, SGDCK Hà Nội.
- Thống nhất tổ chức bộ máy hoạt động
của SGDCK Việt Nam, sắp xếp lại bộ máy tổ chức của SGDCK Hà Nội và SGDCK Tp. Hồ Chí Minh.
- Hoàn chỉnh dự án xây dựng hệ thống
công nghệ thông tin thị trường do SGDCK Tp. Hồ Chí Minh đang làm chủ đầu tư để
có thể nâng cấp hiện đại hóa công nghệ thông tin cho toàn thị trường.
b) Giai đoạn 2 (2020 - 2023):
- Đưa hệ thống công nghệ thông tin thị
trường đi vào hoạt động áp dụng cho SGDCK Hà Nội và SGDCK
Tp. Hồ Chí Minh, trên cơ sở đó thực hiện lộ trình phân
khúc các khu vực thị trường.
- Xây dựng phương án cổ phần hóa SGDCK
để triển khai thực hiện sau năm 2023.
Điều 2. Tổ chức
thực hiện
1. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm:
a) Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định thành lập SGDCK Việt Nam trên cơ sở nội dung Đề án được phê duyệt.
b) Xây dựng và ban hành Điều lệ tổ chức
và hoạt động của SGDCK Việt Nam.
c) Quyết định tổ chức bộ máy, nhân sự
quản lý của SGDCK Việt Nam, SGDCK Hà Nội và SGDCK Tp. Hồ Chí Minh theo quy định của Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật
Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
d) Chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước
thẩm định, chấp thuận cho SGDCK Việt Nam ban hành các quy chế hoạt động nghiệp
vụ và quản lý, giám sát hoạt động của các SGDCK theo quy định của Luật Chứng khoán.
đ) Chỉ đạo SGDCK Việt Nam ban hành Điều
lệ tổ chức và hoạt động của SGDCK Hà Nội và SGDCK Tp. Hồ Chí Minh.
e) Chỉ đạo SGDCK Việt Nam xây dựng
phương án cổ phần hóa SGDCK để báo cáo Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện
sau năm 2023.
2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp của người quản lý doanh nghiệp và người lao động của SGDCK
Việt Nam và các công ty con theo cơ chế áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước
và phù hợp với đặc thù hoạt động của các SGDCK.
3. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội
và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh: phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện
quản lý nhà nước trên địa bàn đối với SGDCK Việt Nam, SGDCK Hà Nội và SGDCK
Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Quyết định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng các cơ quan có
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương
Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc,
Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (2).XH
205
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|