ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
32/2018/QĐ-UBND
|
Bình
Định, ngày 20 tháng 7 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ KINH PHÍ CHO CHƯƠNG TRÌNH
SỮA HỌC ĐƯỜNG TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH TỪ
NĂM 2018 ĐẾN NĂM 2020.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước
ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP
ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị quyết số
22/2018/NQ-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, kỳ
họp thứ 7 Ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí thực hiện Chương trình Sữa học đường
trong các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Bình Định từ năm 2018 đến
năm 2020;
Theo đề nghị của Sở Y tế.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định thực
hiện chính sách hỗ trợ kinh phí cho Chương trình Sữa học đường trong các cơ sở
giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Bình Định từ năm 2018 đến năm 2020 để triển
khai thực hiện Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng
góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
01 tháng 8 năm 2018.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc
các Sở: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Lao động -
Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ (báo cáo);
- Các Bộ: Y tế, GD&ĐT, Tài chính, LĐTB&XH (báo cáo);
- Cục kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Lãnh đạo VP + CV VPUBND tỉnh;
- TT. Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, K15.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Hồ Quốc Dũng
|
QUY ĐỊNH
THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ KINH PHÍ CHO CHƯƠNG TRÌNH SỮA HỌC ĐƯỜNG
TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH TỪ NĂM 2018 ĐẾN
NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND ngày 20/7/2018 của Ủy ban
nhân dân tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Quy định này quy định mức hỗ trợ kinh
phí mua sữa để thực hiện Chương trình Sữa học đường trong các cơ sở giáo dục mầm
non trên địa bàn tỉnh Bình Định từ năm 2018 đến năm 2020 (sau đây gọi là Chương
trình).
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
1. Trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi
đang theo học mẫu giáo tại các cơ sở giáo dục mầm non được quyết định thành lập
hoặc cho phép thành lập theo quy định trên địa bàn tỉnh Bình Định (sau đây gọi
chung là đối tượng).
2. Các địa phương, cơ quan, tổ chức,
cá nhân liên quan đến quản lý, thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Điều 3. Nguyên
tắc và điều kiện thực hiện
1. Thực hiện đối với các cơ sở giáo dục
mầm non đủ điều kiện triển khai Chương trình theo phê duyệt của Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố.
2. Gia đình các đối tượng tự nguyện
tham gia Chương trình và đóng góp kinh phí mua sữa để thực hiện Chương trình
theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 5 Quy định này.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ
THỂ
Điều 4. Định mức
uống sữa hỗ trợ
Đối tượng tham gia Chương trình được
uống 03 hộp sữa/tuần/đối tượng. Mỗi hộp sữa có thể tích 180 ml.
Điều 5. Kinh phí thực
hiện Chương trình
1. Doanh nghiệp cung ứng sữa hỗ trợ
25% kinh phí theo giá mua sữa cho tất cả các đối tượng tham gia Chương trình.
2. Ngân sách địa phương hàng năm (gồm
ngân sách tỉnh và ngân sách các huyện, thị xã, thành phố):
a) Hỗ trợ 75% kinh phí theo giá mua sữa
cho tất cả các đối tượng tham gia Chương trình thuộc 03 huyện miền núi, các xã
bãi ngang, xã đảo và đối tượng thuộc hộ nghèo. Gia đình của các đối tượng này
không phải đóng góp kinh phí mua sữa.
b) Hỗ trợ 25% kinh phí theo giá mua sữa
cho tất cả các đối tượng còn lại tham gia Chương trình. Gia đình các đối tượng
này đóng góp 50% kinh phí theo giá mua sữa.
Điều 6. Mức hỗ trợ
kinh phí từ ngân sách tỉnh cho ngân sách huyện, thị xã, thành phố để bảo đảm thực
hiện Chương trình
1. Năm 2018: Ngân sách tỉnh hỗ trợ
100% cho 11 huyện, thị xã, thành phố.
2. Năm 2019 đến năm 2020, ngân sách tỉnh
hỗ trợ:
a) Hỗ trợ 100% cho 3 huyện miền núi:
Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão.
b) Hỗ trợ 70% cho 2 huyện trung du:
Hoài Ân và Tây Sơn.
c) Hỗ trợ 50% cho 05 huyện, thị xã
khu vực đồng bằng: Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn và An Nhơn.
d) Hỗ trợ 20% cho thành phố Quy Nhơn.
Điều 7. Thời gian
thực hiện
Từ tháng 9/2018 đến hết tháng 12/2020
(05 học kỳ, tương đương 90 tuần theo năm học).
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Các Sở,
ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh
1. Sở Y tế:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục
và Đào tạo và các Sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan tham mưu Ủy ban nhân
dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình.
b) Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thuộc
ngành thực hiện công tác kiểm tra, giám sát về chất lượng sản phẩm sữa, các điều
kiện bảo quản sữa nhằm bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; hướng dẫn
nhân viên các điểm tiếp nhận và cấp phát sữa của Chương trình cách kiểm tra
giám sát chất lượng sữa, bảo quản sữa bằng phương pháp thông thường; chỉ đạo xử
lý các sự cố về an toàn thực phẩm nếu có xảy ra.
c) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo,
doanh nghiệp cung ứng sữa tập huấn nâng cao năng lực thực hiện Chương trình cho
cán bộ quản lý, giáo viên, y tế trường học của các cơ sở giáo dục mầm non tham
gia Chương trình.
d) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo
theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình và đánh giá kết quả thực
hiện Chương trình.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo:
a) Hàng năm, xây dựng, phê duyệt kế
hoạch tổ chức triển khai thực hiện Chương trình; thống kê đối tượng, lập dự trù
tổng kinh phí thực hiện Chương trình gửi Sở Tài chính thẩm định theo quy định;
theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình; tổ chức sơ kết, tổng
kết, đánh giá rút kinh nghiệm và báo cáo kết quả thực hiện cho Ủy ban nhân dân
tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền.
b) Chỉ đạo tổ chức rà soát đối tượng,
lựa chọn cơ sở mầm non đủ điều kiện tham gia Chương trình; hướng dẫn Phòng Giáo
dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố trình Ủy ban nhân dân huyện, thị
xã, thành phố phê duyệt danh sách cơ sở giáo dục mầm non, số lượng đối tượng
tham gia Chương trình.
c) Tổ chức đấu thầu tập trung để mua
sữa thực hiện Chương trình theo Luật Đấu thầu; công bố thỏa thuận khung để
Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố ký kết hợp đồng mua sữa
và thanh toán trực tiếp với doanh nghiệp trúng thầu cung ứng sữa theo đúng quy
định.
d) Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và
doanh nghiệp cung ứng sữa tổ chức tập huấn, hướng dẫn việc triển khai thực hiện
Chương trình cho cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ y tế trường học của các cơ sở
giáo dục mầm non tham gia Chương trình.
đ) Tổ chức tuyên truyền và chỉ đạo
Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các ban,
ngành, đoàn thể liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động truyền
thông nhằm huy động sự tham gia của gia đình đối tượng, sự ủng hộ của các cấp
chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong thực hiện Chương trình.
3. Sở Tài chính:
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành,
đơn vị có liên quan cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện Chương trình theo kế
hoạch hàng năm; kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Chương
trình theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Phối hợp với Sở Tài chính, các Sở,
ngành, đơn vị liên quan cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện Chương trình theo
kế hoạch hàng năm.
5. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:
a) Hàng năm, thống kê, cung cấp cho Sở
Giáo dục và Đào tạo số liệu cụ thể về các đối tượng thuộc hộ nghèo trên địa bàn
triển khai Chương trình.
b) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo,
Sở Y tế triển khai các hoạt động liên quan thuộc phạm vi Chương trình.
6. Sở Thông tin và Truyền thông:
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan truyền
thông đại chúng triển khai các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức,
trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân về ý nghĩa, vai trò, lợi
ích và tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện Chương trình.
Điều 9. Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
1. Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo
phối hợp với các phòng, ban có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân huyện, thị xã,
thành phố xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình của địa
phương; phê duyệt danh sách các cơ sở giáo dục mầm non đủ điều kiện triển khai
Chương trình, phê duyệt số lượng đối tượng tham gia Chương trình trên địa bàn
quản lý.
2. Hàng năm, lập dự trù kinh phí thực
hiện Chương trình của địa phương gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp.
3. Bảo đảm kinh phí thực hiện hàng
năm theo phân cấp ngân sách hiện hành để triển khai thực hiện Chương trình trên
địa bàn quản lý.
4. Chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Giáo dục
và Đào tạo: Ký kết hợp đồng mua sữa và thanh toán trực tiếp với doanh nghiệp
cung ứng sữa; thực hiện việc thanh quyết toán kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ
trợ để thực hiện Chương trình; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện cho Ủy ban
nhân dân huyện, thị xã, thành phố và Sở Giáo dục và Đào tạo.
5. Chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát,
đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình trên địa bàn và định kỳ báo
cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo).
Điều 10. Các cơ
sở giáo dục mầm non tham gia Chương trình
1. Xây dựng, thực hiện kế hoạch triển
khai thực hiện Chương trình tại cơ sở theo hướng dẫn của các cơ quan có thẩm
quyền cấp tỉnh, huyện.
2. Tổ chức tuyên truyền, vận động gia
đình các đối tượng tham gia Chương trình; chịu trách nhiệm thu khoản kinh phí
đóng góp của gia đình đối tượng để mua sữa thực hiện Chương trình nộp về Phòng
Giáo dục và Đào tạo huyện, thị xã, thành phố theo quy định.
3. Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện
Chương trình về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thị xã, thành phố theo quy định.
Điều 11. Doanh
nghiệp cung ứng sữa
1. Bảo đảm hỗ trợ 25% kinh phí mua sữa
để thực hiện Chương trình.
2. Bảo đảm chất lượng sữa cung ứng để
thực hiện Chương trình theo đúng quy định của Bộ Y tế.
3. Chịu trách nhiệm cung ứng sữa cho
các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện Chương trình theo đúng hợp đồng ký kết với
các Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thị xã, thành phố./.