Quyết định 3132/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Đề án Hoạt động chăm sóc người cao tuổi tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2025

Số hiệu 3132/QĐ-UBND
Ngày ban hành 08/11/2017
Ngày có hiệu lực 08/11/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Đặng Minh Hưng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3132/QĐ-UBND

Bình Dương, ngày 08 tháng 11 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HOẠT ĐỘNG CHĂM SÓC NGƯỜI CAO TUỔI TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2017-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14 tháng 11 năm 2011 về phê duyệt Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Kết luận số 119-KL/TW ngày 4/01/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Dân số - KHHGĐ;

Căn cứ Quyết định số 7618/QĐ-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế phê duyệt Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025.

Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 464/TTr-SYT ngày 23 tháng 10 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2025” (Đề án kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đoàn thể có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Thủ Dầu Một, tổ chức triển khai Đề án này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Thủ Dầu Một; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Minh Hưng

 

ĐỀ ÁN

HOẠT ĐỘNG CHĂM SÓC NGƯỜI CAO TUỔI TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2017-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3132/QĐ-UBND ngày 08/11/2017)

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Theo Liên hiệp quốc dự báo, thế kỷ 21 là thế kỷ già hóa. Tỷ lệ người cao tuổi (NCT) trên toàn thế giới là 9% năm 1995 đã tăng lên 11% năm 2006 và dự báo sẽ trên 20% vào năm 2050.

Ở Việt Nam, quá trình chuyển đổi nhân khẩu học cũng đang diễn ra mạnh mẽ. NCT (từ 60 tuổi trở lên: Theo Luật NCT 2009) tăng nhanh về số lượng và chiếm một tỷ lệ ngày càng cao trong tổng số dân. Kết quả các cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở; điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình trên cả nước cho thấy:

Số lượng NCT tăng từ 4,64 triệu người năm 1989 lên 6,19 triệu người năm 1999; 7,65 triệu người năm 2009 và 8,13 triệu người năm 2010.

Tỷ lệ NCT tăng tương ứng qua các năm là 7,20% lên 8,12%; 9%; và 9,4% (Tổng điều tra dân số 1989, 1999 và 2009). Dự báo tỷ lệ NCT ở nước ta sẽ là 26% vào năm 2050 (Theo dự báo của Liên hiệp quốc).

Già hóa dân số, tỷ lệ NCT tăng là một thành tựu xã hội to lớn của loài người. Tuy nhiên, tỷ lệ NCT tăng cũng sẽ tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, gia đình, cộng đồng và của toàn xã hội.

NCT hiện nay đang phải đối mặt với nhiều tiềm ẩn khó khăn về đời sống và bệnh tật. Ở Việt Nam, theo nghiên cứu của Viện Lão khoa Quốc gia, trong lĩnh vực y tế NCT phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép; tỷ lệ NCT mắc các nhóm bệnh không lây nhiễm chiếm từ 3-4,5 bệnh/NCT chủ yếu như: Bệnh tim mạch, ung thư; đái tháo đường (type 2), động kinh, thấp khớp và trầm cảm ngày càng tăng. Một trong những căn nguyên sâu xa của căn bệnh này là bởi các hành vi liên quan đến thuốc lá, rượu; chế độ dinh dưỡng không hợp lý (ăn ít rau, nhiều thịt..) thói quen ít vận động; môi trường sống; tuổi và giới tính...

NCT phải đối mặt với nguy cơ tàn phế do cơ chế "hao mòn" của quá trình lão hóa và tác động của các căn bệnh mãn tính. Tàn phế đe dọa mạnh mẽ đến khả năng sống độc lập của NCT.

Nhu cầu lớn nhất của NCT Việt Nam hiện nay là được chăm sóc sức khỏe. Theo nghiên cứu của Viện Dân số và Các vấn đề xã hội Trường Đại học kinh tế Quốc Dân và Viện Nghiên cứu NCT Việt Nam, nếu cho điểm nhu cầu cao nhất là 5 điểm thì nhu cầu sức khỏe đạt tới 4,3 điểm; nhu cầu nâng cao đời sống vật chất chỉ xếp thứ 2 với 4,1 điểm.

Ở nước ta, hơn 72% NCT hiện sống ở nông thôn (Theo Tổng điều tra Dân số 2009); có tới gần 60% NCT sống bằng lao động của chính mình và nguồn hỗ trợ của gia đình, con cháu (Theo Giang Thanh Long – 2010, Hướng tới vấn đề già hóa trong quá trình cải cách cung cấp các dịch vụ xã hội của Việt Nam). Đời sống vật chất của đại đa số NCT còn rất nhiều khó khăn, ít có điều kiện tiết kiệm để chi tiêu khi tuổi già. Còn không ít NCT gặp khó khăn về đời sống tinh thần và tiếp cận thông tin. Theo nghiên cứu của Viện Dân số và Các vấn đề xã hội Trường Đại học kinh tế Quốc dân và Viện nghiên cứu NCT Việt Nam về đời sống vật chất: trên 65% số các cụ cho là khó khăn, 33% coi là trung bình, 2% có cuộc sống khá giả nhờ tích lũy được khi trẻ; về tinh thần: 13% các cụ gặp trắc trở, 60% thấy bình thường, chỉ có 20% cảm thấy thoải mái nhất (Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, trường Đại học kinh tế quốc dân và Viện nghiên cứu NCT Việt Nam).

Theo số liệu tổng điều tra Dân số và nhà ở ngày 01/4/2009, tỉnh Bình Dương: NCT chiếm 4,5%. Cùng cả nước, Bình Dương bước vào giai đoạn chuyển đổi nhân khẩu học (do lực lượng lao động trẻ nhập cư), tuy nhiên: Đang dần kết thúc giai đoạn “Cơ cấu dân số trẻ” bước vào giai đoạn “Cơ cấu dân số vàng” đang dần chuyển sang “Cơ cấu dân số già”.

[...]