Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 313/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thực hiện cơ chế Một cửa liên thông tại Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn

Số hiệu 313/QĐ-UBND
Ngày ban hành 10/03/2016
Ngày có hiệu lực 10/03/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Lý Thái Hải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 313/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 10 tháng 03 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÀNH LẬP BỘ PHẬN TIẾP NHẬN VÀ TRẢ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA LIÊN THÔNG TẠI VĂN PHÒNG UBND TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 06 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về Về kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/05/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 – 2020;

Căn cứ Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/03/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương;

Xét đề nghị của Chánh Văn phòng UBND tỉnh tại Tờ trình số 25/TTr-VPUBND ngày 04/03/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Đề án thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thực hiện cơ chế Một cửa liên thông tại Văn phòng UBND tỉnh” kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Giao Chánh Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan tổ chức thực hiện Đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 (T/h);
- Văn phòng Chính phủ;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- LĐVP;
- Lưu VT, NC-TH
.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lý Thái Hải

 

ĐỀ ÁN

THÀNH LẬP BỘ PHẬN TIẾP NHẬN VÀ TRẢ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA LIÊN THÔNG TẠI VĂN PHÒNG UBND TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số     /QĐ-UBND ngày     /03/2016 của UBND tỉnh)

I. SỰ CẦN THIẾT, HIỆU QUẢ KHI TRIỂN KHAI VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ THÀNH LẬP BỘ PHẬN TIẾP NHẬN VÀ TRẢ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA LIÊN THÔNG TẠI VĂN PHÒNG UBND TỈNH

1. Sự cần thiết phải thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thực hiện cơ chế một cửa liên thông tại Văn phòng UBND tỉnh:

Trong những năm qua hoạt động cải các thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định: Các Sở, Ban, Ngành đã kịp thời ban hành đầy đủ các kế hoạch liên quan đến công tác kiểm soát TTHC và cải cách TTHC; thường xuyên thực hiện việc thống kê trình công bố các TTHC mới ban hành hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ; việc đánh giá tác động của TTHC quy định trong văn bản QPPL trước khi trình ban hành được các đơn vị quan tâm triển khai thực hiện; Công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân nắm được nội dung các TTHC trên các phương tiện như báo điện tử, sóng phát thanh – truyền hình được đẩy mạnh; công tác kiểm soát TTHC vẫn được thực hiện thường xuyên, không bị gián đoạn, các đơn vị đã quan tâm bố trí cán bộ đầu mối và thực hiện các nội dung công việc kiểm soát TTHC theo hướng dẫn.

Tuy nhiên, theo báo cáo về kết quả kiểm tra kiểm soát thủ tục hành chính cũng cho thấy, lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị vẫn còn chưa quan tâm tới việc chỉ đạo thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức còn chưa hình dung được công tác kiểm soát thủ tục hành chính, nên khi được giao nhiệm vụ hoặc triển khai thực hiện còn lúng túng, gây vướng mắc trong quá trình giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân. Việc niêm yết công khai bộ thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị khác nhau còn chưa đồng bộ, chưa thống nhất. Cùng với đó, việc triển khai thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” tại nhiều cơ quan, đơn vị còn mang nặng tính hình thức hoặc chưa thực sự đồng bộ, sự phối hợp giữa các Sở, Ban, Ngành, đơn vị liên quan trong công tác lưu chuyển hồ sơ còn chưa đồng bộ, chưa thống nhất.

Theo báo cáo số 1079/STP-KSTTHC ngày 23/12/2015 của Sở Tư pháp về việc báo cáo tình hình thực hiện một số nội dung liên quan đến công tác kiểm soát TTHC và Cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh, có nêu một số hạn chế về tiếp nhận, giải quyết TTHC tại các cơ quan hành chính Nhà nước qua thực tiễn kiểm tra, khảo sát đánh giá tình hình thực hiện công tác kiểm soát TTHC tại các cơ quan hành chính nhà nước theo Kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 24/4/2015 và Kế hoạch số 339/KH-UBND ngày 26/10/2015 thấy rằng việc tiếp nhận và giải quyết TTHC tại một số cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế như: Hồ sơ thu thừa hoặc thiếu các giấy tờ theo quy định; tiếp nhận hồ sơ không có phiếu hẹn và trả kết quả, không có sổ theo dõi; hồ sơ quá hẹn giải quyết gây nên một số các phản ánh kiến nghị của người dân.

Tỷ lệ cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông chỉ đạt 78% (14/18 Sở, ngành thực hiện), cơ sở vật chất, trang thiết bị của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cơ quan chuyên môn các cấp không đạt yêu cầu theo quy định, dẫn đến chỉ số cải cách hành chính năm 2014 của tỉnh Bắc Kạn xếp thứ 63/63 tỉnh, thành (theo Quyết định số 876/QĐ-BNV ngày 19/8/2015 Bộ Nội vụ về việc phê duyệt và công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2014 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), một số lĩnh vực bị mất điểm nhiều nhất là: Lĩnh vực chỉ đạo điều hành (bị trừ 5,1 điểm); Lĩnh vực xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức (bị trừ 9,13 điểm); Lĩnh vực thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông (bị trừ 5,79 điểm)… qua đó có thể thấy trong 8 lĩnh vực chưa lĩnh vực nào đạt được điểm tối đa theo quy định, là nguyên nhân chính dẫn đến Chỉ số CCHC năm 2014 của tỉnh đạt thấp.

Việc triển khai cơ chế Một cửa liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước còn chưa đồng bộ, vì vậy chưa tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp, cơ sở vật chất còn thiếu, trang thiết bị đã cũ và lạc hậu (hiện nay chưa có phần mềm liên thông giữa các Sở, ngành), công nghệ thông tin trong giải quyết công việc chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động của bộ phận một cửa liên thông và chương trình cải cách hành chính hiện nay; Sự phối hợp giữa các Sở, Ngành chuyên môn, đôi lúc chưa được thường xuyên, dẫn đến việc giải quyết các thủ tục hành chính gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và nhiều trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đòi hỏi cần thiết phải thực hiện liên thông các thủ tục hành chính giữa các Sở, Ngành.

2. Hiệu quả của việc thực hiện Đề án

- Việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa liên thông hiện đại sẽ góp phần công khai các thủ tục hành chính tốt hơn; việc tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ, theo dõi xử lý và trả kết quả ở các lĩnh vực, công việc liên quan được thực hiện trên phần mềm một cửa liên thông nên việc theo dõi, giám sát được thuận tiện; các thủ tục hành chính cơ bản được giải quyết tốt hơn, đơn giải hóa các thao tác xử lý hồ sơ, giúp chuyên viên giải quyết hồ sơ theo quy trình xử lý của đơn vị, thực hiện cơ chế một cửa liên thông tại Văn phòng UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian cho cá nhân, tổ chức, đảm bảo nhanh chóng thuận tiện trong việc thực hiện thủ tục hành chính đối với mỗi thủ tục liên quan đến nhiều cơ quan, nhiều lĩnh vực thay vì mỗi Sở, ngành, thực hiện cơ chế một cửa liên thông các tổ chức, cá nhân sẽ không phải đến nhiều cơ quan khi thực hiện một thủ tục hành chính.

[...]