QUY ĐỊNH (MẪU)
VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, CƠ
CẤU TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ VÀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC CỦA PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
(Ban hành kèm theo Quyết định số...... /2012/QĐ-UBND ngày / /2012 của Ủy ban
nhân dân huyện (thành phố)..............................................................................
)
Chương I
VỊ
TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Điều 1. Ví trí và chức năng
1. Phòng Giáo dục và Đào tạo là cơ
quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thành phố (sau đây gọi chung
là cấp huyện), có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện
chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo, bao gồm: mục tiêu, chương
trình, nội dung giáo dục và đào tạo; tiêu chuẩn nhà giáo và tiêu chuẩn cán bộ
quản lý giáo dục; tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị trường học và đồ chơi trẻ
em; quy chế thi cử và cấp văn bằng, chứng chỉ; bảo đảm chất lượng giáo dục và
đào tạo.
2. Phòng Giáo dục và Đào tạo có tư
cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ
chức, biên chế và nhiệm vụ công tác của Ủy ban nhân dân cấp huyện; đồng thời chịu
sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan có liên quan trình Ủy ban nhân dân cấp huyện:
a) Dự thảo các văn bản hướng dẫn thực
hiện cơ chế chính sách, pháp luật, các quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về
hoạt động giáo dục trên địa bàn;
b) Dự thảo quyết định, chỉ thị,
quy hoạch, kế hoạch 05 năm, hằng năm và chương trình, nội dung cải cách hành
chính Nhà nước về lĩnh vực giáo dục trên địa bàn;
c) Dự thảo quy hoạch mạng lưới các
trường trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó không có cấp
học trung học phổ thông; trường phổ thông dân tộc bán trú; trường tiểu học; trường
mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, trường, lớp mẫu giáo, không bao gồm nhóm trẻ, lớp mẫu
giáo độc lập tư thục (gọi chung là cơ sở giáo dục mầm non) và trung tâm học tập
cộng đồng trên địa bàn theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân
dân cấp huyện.
2. Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan có liên quan trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện: dự thảo các quyết định
thành lập (đối với các cơ sở giáo dục công lập), cho phép thành lập (đối với
các cơ sở giáo dục ngoài công lập), sáp nhập, chia, tách, giải thể các cơ sở
giáo dục (bao gồm cả các cơ sở giáo dục có sự đầu tư của các tổ chức, cá nhân
nước ngoài): trường trung học cơ sở; trường phổ thông có nhiều cấp học, trong
đó không có cấp học trung học phổ thông; trường phổ thông dân tộc bán trú; trường
tiểu học; cơ sở giáo dục mầm non; trung tâm học tập cộng đồng; các cơ sở giáo dục
có tên gọi khác (nếu có) thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
3. Hướng dẫn, tổ chức thực hiện
các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch phát triển giáo dục ở địa
phương, các cơ chế, chính sách về xã hội hoá giáo dục sau khi được cơ quan có
thẩm quyền phê duyệt; huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để phát triển
giáo dục trên địa bàn; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin
về giáo dục.
4. Quyết định cho phép hoạt động
giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục các cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý của
Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định
tại khoản 2 Điều này theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
5. Hướng dẫn, tổ chức thực hiện
mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch, chuyên môn, nghiệp vụ, các hoạt động
giáo dục, phổ cập giáo dục; công tác tuyển sinh, thi cử, xét duyệt, cấp văn bằng,
chứng chỉ đối với các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
6. Xây dựng kế hoạch và tổ chức
thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức các cơ sở giáo dục thuộc
thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
7. Tổ chức ứng dụng các kinh
nghiệm, thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, tổng kết kinh nghiệm, sáng kiến
của địa phương trong lĩnh vực giáo dục.
8. Tổ chức thực hiện công tác
xây dựng và nhân điển hình tiên tiến, công tác thi đua, khen thưởng về giáo dục
trên địa bàn huyện.
9. Phối hợp với Phòng Nội vụ hướng
dẫn các cơ sở giáo dục xác định vị trí việc làm, số người làm việc; tổng hợp vị
trí việc làm, số người làm việc của các cơ sở giáo dục; quyết định vị trí việc
làm, số người làm việc cho các cơ sở giáo dục sau khi đã được cơ quan có thẩm
quyền phê duyệt; tổ chức thực hiện và kiểm tra việc tuyển dụng, sử dụng, hợp đồng,
điều động, luân chuyển, biệt phái và thực hiện chính sách đối với công chức,
viên chức của các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện và công chức của
Phòng Giáo dục và Đào tạo.
10. Quyết định thành lập Hội đồng
trường các cơ sở giáo dục công lập; công nhận, không công nhận Hội đồng quản trị,
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục
ngoài công lập thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân
dân cấp huyện theo quy định của pháp luật và ủy quyền của
Ủy ban nhân dân cấp huyện.
11. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục
xây dựng, lập dự toán ngân sách giáo dục hằng năm; tổng hợp ngân sách giáo dục
hằng năm để cơ quan Tài chính cùng cấp trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
quyết định giao dự toán chi ngân sách giáo dục cho các cơ sở giáo dục khi được
cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch xác định,
cân đối ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục hằng năm của địa phương, trình cơ
quan có thẩm quyền phê duyệt; hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng ngân sách Nhà nước
và các nguồn thu hợp pháp khác cho giáo dục đối với các cơ sở giáo dục thuộc thẩm
quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
12. Phối hợp với Phòng Nội vụ,
Phòng Tài chính - Kế hoạch giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra, thanh tra thực hiện việc tự chủ, tự chịu trách
nhiệm của các cơ sở giáo dục công lập thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
13. Thực hiện cải cách hành
chính, công tác thực hành, tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí; công
tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị có liên quan đến
giáo dục và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
14. Thực hiện công tác thống
kê, thông tin, báo cáo định kỳ và hằng năm, báo cáo đột xuất về tổ chức và hoạt
động giáo dục theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân cấp huyện.
15. Quản lý tài chính, tài sản,
cơ sở vật chất được giao theo quy định của pháp luật và của Ủy ban nhân dân cấp huyện; thực hiện các nhiệm
vụ khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giao.
Chương II
CƠ CẤU
TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ
Điều 3. Cơ cấu tổ chức bộ máy
1. Lãnh đạo Phòng: Phòng Giáo dục
và Đào tạo có Trưởng phòng và không quá 03 Phó Trưởng phòng.
2. Biên chế: căn cứ quy định hiện
hành của Nhà nước về quản lý biên chế công chức, Phòng Giáo dục và Đào tạo phối
hợp với Phòng Nội vụ xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức theo ngạch
trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt và quyết định số biên chế công chức hằng
năm của Phòng Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm đủ biên chế công chức theo vị trí việc
làm để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Điều 4. Các cơ sở giáo dục
1. Phòng Giáo dục và Đào tạo chịu
trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý Nhà nước đối với các cơ sở
giáo dục (bao gồm cả các cơ sở giáo dục có sự tham gia đầu tư của các tổ chức
và cá nhân nước ngoài):
- Các cơ sở giáo dục mầm non
(bao gồm nhóm trẻ và nhà trẻ, mẫu giáo);
- Các trường tiểu học;
- Các trường trung học cơ sở;
- Trường phổ thông có nhiều cấp học
(không có cấp học trung học phổ thông);
- Trường phổ thông dân tộc bán
trú.
2. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn,
cơ cấu tổ chức và biên chế các cơ sở giáo dục nêu trên thực hiện theo quy định tại
điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
ban hành và các văn bản do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.
3. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, bố
trí công tác, khen thưởng, kỷ luật cán bộ quản lý và nhà giáo các cơ sở giáo dục
thực hiện theo điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động, quy định của pháp
luật hiện hành và phân cấp quản lý của tỉnh.
Chương III
CHẾ
ĐỘ LÀM VIỆC
Điều 5. Nguyên tắc, lề lối làm việc
1. Trong chỉ đạo
và điều hành công việc, lãnh đạo phòng thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân
chủ, chế độ thủ trưởng; đồng thời phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, ý thức
trách nhiệm của từng cán bộ, công chức; đảm bảo trật tự, kỷ cương của cơ quan
quản lý Nhà nước.
2. Trong công
tác lãnh đạo, chỉ đạo phải đảm bảo thống nhất, giải quyết công việc phải căn cứ
các văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước;
thực hiện chủ trương cải cách hành chính, không gây phiền hà, sách nhiễu đối với
cơ sở giáo dục, người học và nhân dân.
3. Các công chức
có trách nhiệm chủ động, sáng tạo và đề xuất những sáng kiến, phương án nhằm giải
quyết tốt nhất những công việc được giao; đồng thời phối hợp với các công chức
khác, cộng tác với đồng nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ được giao; chịu trách nhiệm
trước lãnh đạo phòng, trước pháp luật về kết quả công việc.
Điều 6. Trưởng phòng
1. Trưởng
phòng là người lãnh đạo cao nhất của Phòng Giáo dục và Đào tạo, quản lý và điều
hành công tác theo chế độ thủ trưởng; thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn
của mình theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân
huyện (thành phố), trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
được giao và toàn bộ hoạt động của phòng.
2. Trưởng
phòng phụ trách chung, trực tiếp phụ trách công tác Tổ chức - cán bộ, kế hoạch
- tài chính và thanh tra giáo dục; đồng thời chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc
triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác của các Phó Trưởng phòng và cán bộ,
công chức thuộc phòng.
3. Trưởng
phòng triển khai mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật
Nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo đến Phó Trưởng phòng, cán bộ,
công chức thuộc phòng và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc.
4. Phối hợp với
các cơ quan chức năng liên quan, thực hiện việc quản lý Nhà nước về Phòng Giáo
dục và Đào tạo trên địa bàn.
Điều 7. Phó Trưởng phòng
1. Phó Trưởng
phòng là người giúp Trưởng phòng lãnh đạo công tác chung của ngành, trực tiếp
phụ trách và chỉ đạo một số lĩnh vực công tác theo sự phân công của Trưởng
phòng và chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng, Ủy ban nhân dân huyện và pháp luật
về lĩnh vực công tác được giao.
2. Phó Trưởng
phòng có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn các đơn vị thực hiện;
chủ động trong việc giải quyết những công việc phát sinh. Trường hợp các vấn đề
vượt thẩm quyền giải quyết hoặc những vấn đề quan trọng khác thì phải xin ý kiến
của Trưởng phòng trước khi quyết định.
Điều 8.
Việc bổ nhiệm
Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện (thành phố)
quyết định theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, quy chế phối hợp giữa Sở Giáo
dục và Đào tạo với Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) do Ủy ban nhân dân tỉnh
ban hành và theo quy định của pháp luật. Việc miễn nhiệm, cách chức, giáng chức,
khen thưởng, kỷ luật và các chế độ chính sách khác đối với Trưởng phòng, Phó
Trưởng phòng thực hiện theo quy định của pháp luật.
Chương IV
TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1. Trưởng
phòng Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:
a) Tổ chức
triển khai, chỉ đạo, hướng dẫn thủ trưởng các cơ sở giáo dục trực thuộc kiện
toàn tổ chức, thực hiện Nghị định số 115/2010/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số
47/2011/TTLT-BGDĐT-BNV và Điều lệ trường học theo quy định hiện hành, đảm
bảo hoạt động đạt hiệu quả;
b) Xây dựng,
điều chỉnh và ban hành các văn bản hướng dẫn về bổ nhiệm, luân
chuyển, thuyên chuyển, đánh giá cán bộ, ... theo quy định tại Nghị
định số 115/2010/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT-BGDĐT-BNV và Quy
định này;
c) Thực hiện
nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra bảo đảm
mọi hoạt động của phòng và các cơ sở giáo dục trực thuộc.
2. Trong quá
trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, không hợp lý, Trưởng phòng Giáo dục và
Đào tạo tổng hợp, đề xuất trình Ủy ban nhân dân huyện (thành phố) quyết định sửa
đổi, bổ sung cho phù hợp./.