Quyết định 3004/QĐ-UBND năm 2021 về Chương trình hành động thực hiện Quyết định 531/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên địa bàn tỉnh Sơn La

Số hiệu 3004/QĐ-UBND
Ngày ban hành 06/12/2021
Ngày có hiệu lực 06/12/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Nguyễn Quốc Khánh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3004/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 06 tháng 12 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 531/QĐ-TTG NGÀY 01/4/2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT “CHIẾN LƯỢC TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KHU VỰC DỊCH VỤ CỦA VIỆT NAM THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050;

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 549/TTr-SKHĐT ngày 26/11/2021 và ý kiến thống nhất của các đồng chí thành viên UBND tỉnh tại phiên họp thứ năm, UBND tỉnh khóa XV.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Chương trình hành động thực hiện Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên địa bàn tỉnh Sơn La với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ; nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thống nhất hành động của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của nhân dân về xác định mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả, huy động mọi nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ phát triển khu vực dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Việc triển khai thực hiện phải đảm bảo sự quản lý, điều hành tập trung của UBND các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương. Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo thực hiện các mục tiêu chung về phát triển khu vực dịch vụ và phù hợp với các điều kiện thực tế của tỉnh. Phân công trách nhiệm cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các ngành và địa phương.

II. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU

1. Quan điểm phát triển

Phát triển khu vực dịch vụ theo hướng phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và lợi thế đặc trưng của tỉnh để đưa khu vực dịch vụ trở thành khu vực kinh tế quan trọng, đóng góp tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Phát triển dịch vụ đa dạng theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển theo chiều sâu, hướng tới cung cấp dịch vụ chất lượng cao, khẳng định thương hiệu, tính hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Phát triển khu vực dịch vụ trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, sáng tạo, ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Phát triển các ngành dịch vụ đảm bảo phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế, có khả năng tự chủ và thích ứng linh hoạt trước ảnh hưởng tiêu cực từ các cuộc khủng hoảng lớn về kinh tế, thiên tai, dịch bệnh. Tập trung huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tham gia đầu tư, phát triển dịch vụ; ưu tiên phát triển một số ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển khu vực dịch vụ trở thành khu vực quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao.

2.2. Mục tiêu cụ thể

Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 7,5-8,5% cao hơn tăng trưởng chung của tỉnh. Đến năm 2030, tỷ trọng của khu vực dịch vụ chiếm khoảng 45% cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ thời kỳ 2030-2050 tiếp tục duy trì ở mức cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH DỊCH VỤ

1. Định hướng phát triển các ngành dịch vụ ưu tiên

1.1. Dịch vụ du lịch

Phát huy tiềm năng lợi thế về du lịch, bản sắc văn hóa, sản vật địa phương đưa du lịch Sơn La trở thành điểm đến an toàn hấp dẫn vùng Tây Bắc, xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo khác biệt, chuyên nghiệp, đẳng cấp quốc tế. Phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, trong đó lấy Khu du lịch Mộc Châu; Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La làm động lực cho phát triển các khu, điểm du lịch khác. Phấn đấu đến năm 2025 du lịch Sơn La thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Phát triển các loại hình du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng cao dựa trên tiềm năng, lợi thế của tỉnh như: Du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch sinh thái, du lịch thể thao khám phá, du lịch nghỉ dưỡng...để phát huy thế mạnh các giá trị tài nguyên du lịch của tỉnh và tạo sản phẩm du lịch khác biệt, chuyên nghiệp, đẳng cấp, có giá trị gia tăng cao.

Phát triển du lịch phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển du lịch các tỉnh Tây Bắc mở rộng và các trung tâm du lịch lớn như thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và các tỉnh Bắc Lào... nhằm tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Phát triển đồng thời du lịch quốc tế và du lịch nội địa trong đó lấy du lịch nội địa làm nền tảng, mở rộng thị trường quốc tế.

[...]