Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 2958/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án phát triển ngành trồng trọt tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn 2030

Số hiệu 2958/QĐ-UBND
Ngày ban hành 19/11/2013
Ngày có hiệu lực 19/11/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Khánh Hòa
Người ký Lê Đức Vinh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2958/QĐ-UBND

Khánh Hòa, ngày 19 tháng 11 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGÀNH TRỒNG TRỌT TỈNH KHÁNH HÒA ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 824/QĐ-BNN-TT ngày 16 tháng 4 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ‘‘Về việc phê duyệt Đề án phát triển ngành trồng trọt đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030”;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1963/TTr-SNN-NVTH ngày 18 tháng 10 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển ngành trồng trọt tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 (đính kèm).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Đức Vinh

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN NGÀNH TRỒNG TRỌT TỈNH KHÁNH HÒA ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2958/QĐ-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)

Phần I

ĐẶC ĐIỂM VÀ DỰ BÁO CÁC ĐIỀU KIỆN VÀ ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN NGÀNH TRỒNG TRỌT

I. Đặc điểm của ngành trồng trọt

Sản xuất trồng trọt là ngành kinh tế gắn liền với đời sống và hoạt động của con người là ngành sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên (đất đai, nguồn nước...) và gắn chặt với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Sản xuất trồng trọt được tiến hành trên không gian rộng và chịu ảnh hưởng lớn của điều kiện tự nhiên.

Đất đai là tư liệu sản xuất chính của ngành trồng trọt, diện tích có hạn và ngày càng bị thu hẹp để phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, vì vậy để phát triển ngành trồng trọt, con đường tất yếu là phải thâm canh, luân canh đi đôi với việc lựa chọn chủng loại cây trồng và giống cây trồng hợp lý.

Thực tế cho thấy và khoa học đã chứng minh, để nâng cao hiệu quả cây trồng trên một đơn vị diện tích đất canh tác thì cần thâm canh, chuyên canh kết hợp với kinh doanh tổng hợp trong nội bộ ngành hoặc gắn sản xuất trồng trọt với các lĩnh vực sản xuất khác theo các mô hình VAC (vườn – ao – chuồng); RAC  (rừng – ao – chuồng); gắn trồng trọt với chăn nuôi, với du lịch sinh thái với sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh, với môi trường...

Yếu tố nước tưới cho cây trồng là điều kiện tiên quyết thâm canh tăng năng suất trong trồng trọt.

II. Dự báo các điều kiện và động lực để phát triển ngành trồng trọt

1. Các yếu tố cần dự báo

Sản xuất trồng trọt phụ thuộc vào các nhóm yếu tố sau:

- Nhóm yếu tố sinh thái bao gồm đất, nước, thời tiết khí hậu, đặc điểm cây trồng, côn trùng, sinh vật và vi sinh vật. Vì vậy, loại cây trồng nào thỏa mãn được các điều kiện sinh thái thì có nhiều cơ hội được lựa chọn là cây trồng để phát triển. Đặc biệt đối với cây dài ngày như Sầu riêng, xoài, hồ tiêu thì yếu tố sinh thái có ý nghĩa quyết định vì cây dài ngày có bộ rễ ăn sâu, năng suất, chất lượng, hiệu quả phụ thuộc phần lớn vào điều kiện sinh thái.

- Nhóm yếu tố đầu tư và thị trường: Sản xuất trồng trọt phụ thuộc vào khả năng đầu tư và phải gắn với thị trường, vì vậy trên cùng 1 vùng sinh thái có thể trồng được nhiều loại cây nhưng chỉ chọn cây nào có suất đầu tư thấp và có thị trường tiêu thụ mạnh, ổn định; yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp và tức thời đối với cây trồng ngắn ngày như cây rau, mầu, cây lương thực (giá dưa hấu có thể biến động rất lớn theo từng ngày); quy mô, công suất, vị trí và tình hình sản xuất kinh doanh của các nhà máy chế biến nông sản như: Nhà máy đường, chế biến hạt điều, chế biến xoài là yếu tố thị trường rất quan trọng trong việc xác định loại cây trồng.

- Nhóm yếu tố quản lý và lao động: Chuỗi sản phẩm của mỗi loại cây trồng có yêu cầu kỹ thuật khác nhau đòi hỏi kỹ năng của người sản xuất và phương thức quản lý khác nhau. Vì vậy, cần lựa chọn các loại cây trồng phù hợp với kỹ năng lao động và khả năng quản lý của con người; các cây đòi hỏi kỹ thuật cao, phức tạp chỉ có thể phát triển có hiệu quả ở các vùng người lao động có trình độ kỹ thuật cao.

[...]