Quyết định 824/QĐ-BNN-TT năm 2012 phê duyệt Đề án phát triển ngành Trồng trọt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 824/QĐ-BNN-TT
Ngày ban hành 16/04/2012
Ngày có hiệu lực 16/04/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 824/QĐ-BNN-TT

Hà Nội, ngày 16 tháng 04 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGÀNH TRỒNG TRỌT ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008;

Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trồng trọt,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển ngành Trồng trọt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với các nội dung chính sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Sản xuất trồng trọt có tầm quan trọng đặc biệt, vì trực tiếp đóng góp cho đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia, tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xóa đói giảm nghèo.

2. Phát triển sản xuất trồng trọt phải gắn kết chặt chẽ với công nghiệp bảo quản, chế biến; tập trung ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

3. Tái cơ cấu ngành trồng trọt phải theo chiều sâu, tăng giá trị gia tăng và bền vững bằng việc tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), hữu cơ, phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng.

4. Phát triển sản xuất trồng trọt phải trên cơ sở đổi mới tư duy, tiếp cận thị trường; ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học về giống, công nghệ sinh học, công nghệ cao, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.

5. Phát triển sản xuất trồng trọt phải gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn, cùng với nguồn nhân lực được đào tạo, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa với trình độ kỹ thuật và công nghệ ngày càng cao.

6. Phát triển sản xuất trồng trọt phải đảm bảo huy động cao các nguồn lực xã hội, phát huy sức mạnh hội nhập quốc tế và chính sách hỗ trợ của nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển ngành trồng trọt theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn; tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực Quốc gia cả trước mắt và lâu dài, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và xuất khẩu; nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nước, lao động và nguồn vốn; nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân.

2. Một số chỉ tiêu cụ thể

a) Thời kỳ 2011-2020:

- Cơ cấu ngành trồng trọt đến năm 2020: cây lương thực 50,7%, cây rau đậu 9,7%, cây công nghiệp 24,0%, cây ăn quả 14,4%.

- Tốc độ tăng trưởng GTSX Trồng trọt bình quân đạt 2,0-2,5%/năm.

- Sản lượng lương thực có hạt đạt 49,5 triệu tấn, trong đó lúa 42 triệu tấn, ngô 7,5 triệu tấn.

- Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 22 tỷ USD.

- Giá trị sản lượng trên 1 ha đất trồng trọt bình quân 70 triệu đồng.

b) Tầm nhìn năm 2030:

- Cơ cấu ngành trồng trọt đến năm 2030: cây lương thực 47,5%, cây rau đậu 11%, cây công nghiệp 24,6%, cây ăn quả 15,7%.

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt 2-2,5%/năm.

[...]