Quyết định 2911/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng năm 2025

Số hiệu 2911/QĐ-UBND
Ngày ban hành 06/11/2017
Ngày có hiệu lực 06/11/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Đào Anh Dũng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2911/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 06 tháng 11 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH XÂY DỰNG CÁNH ĐỒNG LỚN THÀNH PHỐ CẦN THƠ ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ đầu (2011-2015) của thành phố Cần Thơ;

Căn cứ Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn;

Căn cứ Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp;

Căn cứ Thông tư số 15/2014/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số điều tại Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn;

Căn cứ Quyết định số 606/QĐ-BCT ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Bộ Công Thương về việc ban hành lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo giai đoạn 2015-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2109/TTr-SNN&PTNT ngày 08 tháng 9 năm 2017; Giám đốc Sở Tài chính tại Công văn số 3591/STC-TCHCSN ngày 26 tháng 10 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng năm 2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung Kế hoạch đã được phê duyệt.

2. Các sở, ban ngành thành phố có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Kế hoạch để đạt được mục tiêu đề ra. Trong quá trình thực hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi để báo cáo và đề xuất giải pháp điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tế trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đào Anh Dũng

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG CÁNH ĐỒNG LỚN THÀNH PHỐ CẦN THƠ ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG NĂM 2025
(Kèm theo Quyết định số 2911/QĐ-UBND ngày 06 tháng 11 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)

I. Sự cần thiết lập Kế hoạch

1. Trong những năm qua, mô hình cánh đồng lớn đã góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, giúp nông dân ứng dụng tốt và đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, phát triển cơ giới hóa, giảm chi phí sản xuất, hiện đại hóa sản xuất và hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Nhà nước, nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam.

2. Phương thức tổ chức liên kết đa dạng, nhiều hình thức, bước đầu hình thành các mô hình từ sản xuất đến thu mua hoặc liên kết nhiều đơn vị tổ chức sản xuất và tiêu thụ theo hình thức khép kín.

3. Mô hình tạo môi trường nâng cao trình độ sản xuất của nông dân về tổ chức, quản lý, nắm bắt thị trường, áp dụng khoa học công nghệ.

4. Mô hình cánh đồng lớn góp phần cải thiện cuộc sống nông dân trồng lúa trong điều kiện quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, liên kết sản xuất và tiêu thụ là tiền đề giúp doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu tạo sản phẩm đồng nhất, xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam, khẳng định vị thế xuất khẩu và gia tăng giá trị trong chuỗi lúa gạo.

5. Xây dựng cánh đồng lớn là đòi hỏi tất yếu của phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Để phát triển nông nghiệp hàng hóa cần thiết phải có sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn. Vì vậy, việc xây dựng cánh đồng lớn là tất yếu và là cụ thể hóa chủ trương xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm thông qua hình thức hợp đồng với quy mô sản xuất lớn.

[...]