ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2908/QĐ-UBND
|
Long An, ngày 29
tháng 08 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỒ ÁN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG HUYỆN
CẦN GIUỘC ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
Căn cứ Luật tổ chức
HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng
ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số
08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Thông tư số
07/2008/TT-BXD ngày 07/4/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt
và quản lý quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị quyết số
138/2014/NQ-HĐND ngày 21/7/2014 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Long An khóa VIII về
việc thông qua đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Cần Giuộc đến năm
2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Xét Tờ trình số
64/TTr-UBND ngày 04/6/2014 của UBND huyện Cần Giuộc; văn bản số 2118/SXD-KT ngày
25/8/2014 của Sở Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Cần Giuộc
đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với nội dung như sau:
- Phạm vi lập quy hoạch: là toàn bộ địa giới
hành chính huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
- Chủ đầu tư lập quy hoạch: UBND huyện Cần
Giuộc.
- Đơn vị tư vấn: Phân viện quy hoạch Đô thị
- Nông thôn Miền Nam.
I. Vị trí, giới hạn khu quy
hoạch:
- Khu vực lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành
chính huyện Cần Giuộc gồm 16 xã và 1 thị trấn. Ranh giới được giới hạn như sau:
+ Phía Bắc giáp thành phố Hồ Chí Minh.
+ Phía Nam giáp huyện Cần Đước.
+ Phía Đông giáp thành phố Hồ Chí Minh và sông Soài
Rạp.
+ Phía Tây giáp huyện Cần Đước và huyện Bến Lức.
- Diện tích: 21.019,8 ha.
II. Mục tiêu phát triển
- Cụ thể hóa quy hoạch tổng
thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Long An.
- Cụ thể hóa chiến lược
phát triển kinh tế, xã hội huyện Cần Giuộc.
- Tạo tiền đề thúc đẩy
phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống, bảo vệ môi trường.
- Điều chỉnh định hướng tổ
chức không gian toàn vùng như không gian xây dựng đô thị, nông thôn, không gian
công nghiệp tập trung, không gian du lịch, không gian sản xuất nông nghiệp, thủy
sản, không gian cảnh quan.
- Làm cơ sở để các ngành,
các cấp chính quyền lập các dự án quy hoạch chuyên ngành, lập các chương trình
đầu tư và hoạch định các chính sách phát triển.
- Làm công cụ quản lý đô
thị, các khu dân cư nông thôn, các khu công nghiệp, khu du lịch và hệ thống các
công trình chuyên ngành phát triển hài hòa và bền vững.
- Làm cơ sở để thực hiện
thu hút đầu tư.
III.
Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chính
- Dân số toàn huyện:
+ Năm 2012: 172.330 người
+ Năm 2020: ≥ 200.000 người.
+ Năm 2030: ≥ 300.000 người.
- Dân số đô thị:
+ Năm 2012: 11.153 người.
+ Năm 2020: ≥ 100.000 người.
+ Năm 2030: ≥ 210.000 người.
- Đất xây dựng đô thị:
+ Năm 2020: ≥ 2.000 ha.
+ Năm 2030: ≥ 4.200 ha.
- Đất xây dựng công nghiệp:
+ Năm 2020: 2.000 - 2.500
ha.
+ Năm 2030: 3.000 - 3.500
ha.
- Tỷ lệ đô thị hóa:
+ Năm 2020: ≥ 50%.
+ Năm 2030: ≥ 70%.
IV. Tính chất vùng
- Là vùng phát triển đô
thị, công nghiệp tổng hợp; vùng phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao; trong đó
thế mạnh là công nghiệp và dịch vụ cảng.
- Là đầu mối giao thông
đường thủy và đường bộ có khả năng lưu thông vận tải hàng hóa cao và thuận tiện
kết nối với các vùng tỉnh, thành lân cận.
V. Định hướng tổ chức không
gian vùng
1. Cấu trúc không gian vùng
a) Cấu trúc lưu thông:
- Trục Quốc lộ 50 là hành
lang kinh tế đô thị Quốc gia, kết nối với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền
Giang.
- Trục đường tỉnh 826C kết
nối huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh và huyện Cần Đước; đi qua trung tâm
phía Đông của thị trấn Cần Giuộc.
- Trục đường tỉnh 826D kết
nối từ khu đô thị Long Hậu đến sông Rạch Cát, kết nối các khu vực phát triển tập
trung về đô thị, công nghiệp, cảng,
- Trục đường tỉnh 826 kết
nối với thành phố Hồ Chí Minh và huyện Cần Đước.
- Trục Long Hậu - Hiệp
Phước (đường ấp 3 Long Hậu) kết nối với thành phố Hồ Chí Minh.
- Trục đường tỉnh 835 từ
trung tâm thị trấn Cần Giuộc nối ra Quốc lộ 1.
- Đường vành đai 3 của
thành phố Hồ Chí Minh giáp phía Bắc huyện Cần Giuộc, giao cắt với các trục đường
chính hướng từ phía Nam lên phía Bắc của huyện như Quốc lộ 50, đường tỉnh 826,
đường tỉnh 826C.
- Đường vành đai 4 của
thành phố Hồ Chí Minh nối với Quốc lộ 1 đi vùng đồng bằng Sông Cửu Long về phía
Tây, nối với trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về phía Đông.
b) Cấu trúc không gian vùng cảnh quan:
Vùng cảnh quan sông nước
dọc sông Soài Rạp, sông Cần Giuộc, hệ thống các kênh rạch khác và vùng nông
nghiệp chuyên canh lúa là những vùng sinh thái mang tính đặc trưng cho huyện Cần
Giuộc cần được gìn giữ và phát huy trong bối cảnh phát triển, đáp ứng được tác
động của biến đổi khí hậu cũng như là vùng tiềm năng phát triển du lịch sinh
thái và cảnh quan sông nước của huyện.
2. Phân bố các vùng chức năng:
a) Phân bố các vùng phát triển kinh tế:
phân thành 2 vùng phía Tây và phía Đông.
- Vùng phía Tây: phát triển nông nghiệp chất lượng
cao kết hợp với phát triển thương mại dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp.
- Vùng phía Đông: phát triển đô thị, công nghiệp, dịch
vụ là vùng phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh.
b) Phân bố hệ thống đô thị và điểm dân cư
nông thôn:
- Định hướng phát triển hệ
thống đô thị:
+ Năm 2020 có 3 đô thị,
trong đó có 1 đô thị loại IV (thị trấn Cần Giuộc), 2 đô thị loại V (đô thị Đông
Hòa và đô thị Long Đức Đông).
+ Năm 2030 có 3 đô thị,
trong đó có 1 đô thị loại III (thị trấn Cần Giuộc), 1 đô thị loại IV (đô thị
Đông Hòa) và 1 đô thị loại V (đô thị Long Đức Đông).
- Vai trò của các đô thị:
+ Đô thị Cần Giuộc là đô
thị trung tâm của huyện Cần Giuộc và là đô thị vệ tinh của đô thị trung tâm
vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - thành phố Hồ Chí Minh.
+ Đô thị Long Đức Đông là
đô thị hạt nhân phát triển khu dân cư - công nghiệp phía Đông Bắc của huyện Cần
Giuộc.
+ Đô thị Đông Hòa: là
trung tâm hành chính, kinh tế khu vực phía Nam huyện Cần Giuộc, đóng góp chức
năng hậu cần công nghiệp.
- Định hướng phát triển
dân cư nông thôn:
+ Chủ yếu là hình thái
tuyến - cụm dân cư trong các khu vực chuyên lúa, chuyên nuôi trồng thủy sản, gắn
kết các hình thái dân cư này với mô hình du lịch cộng đồng.
+ Sắp xếp, tổ chức dân cư
dần theo mô hình tập trung tại trung tâm xã và các điểm dân cư tập trung. Đưa
dân định cư phân tán rải rác trong nội đồng, trên các tuyến kênh rạch vùng sâu
vào các điểm dân cư tập trung nhằm nâng cao chất lượng sống các cộng đồng dân
cư nông thôn.
c) Phân bố các vùng phát triển công nghiệp:
- Khu đô thị Cần Giuộc: gắn với khu công nghiệp Tân
Kim và dự án của công ty Fuluh, phát triển các ngành công nghiệp ít gây ảnh hưởng
môi trường.
- Khu công nghiệp, dân cư chỉnh trang: phát triển
công nghiệp chế biến và đóng gói hàng nông sản, hàng xuất khẩu, kho bãi và các
ngành nghề ít gây ô nhiễm môi trường.
- Khu quy hoạch cảng biển, dịch vụ, logistics: phát
triển mạnh các ngành công nghiệp cảng biển, dịch vụ, logistics.
d) Phân bố các vùng du lịch, vùng cảnh quan,
bảo tồn thiên nhiên:
- Du lịch văn hóa lịch sử,
khảo cổ phân bố ở các đô thị, các xã: du lịch sông nước, du lịch sinh thái, du
lịch nghỉ dưỡng, miệt vườn ở vùng phía Tây.
- Bảo tồn vùng cảnh quan
ven sông: các cồn, cù lao, các khu di tích lịch sử, đặc biệt là khu di tích khảo
cổ Rạch Núi - xã Đông Thạnh.
đ) Phân bố các vùng nông nghiệp, thủy sản:
- Vùng nông nghiệp chính
của huyện Cần Giuộc chủ yếu nằm về phía Tây Quốc lộ 50, thuộc các xã Phước Lý,
Long Thượng, Phước Lâm và một phần các xã Mỹ Lộc, Trường Bình, Thuận Thành.
Phát triển chính là trồng lúa, rau màu và một số trang trại chuyên nông nghiệp
ven đô (phong lan, kiểng, sinh vật cảnh).
- Nuôi trồng thủy sản tại
vùng nông nghiệp phía tây với loại hình chủ yếu là nuôi tôm nước lợ ngoài đê.
e) Phân bố hệ thống hạ tầng xã hội:
- Hệ thống giáo dục, đào tạo vùng: Cải tạo nâng cấp
trường trung cấp nghề đã có, hình thành thêm các trường dạy nghề mới đáp ứng
yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho các khu cụm công nghiệp, du lịch của
địa phương. Phát triển cơ sở vật chất Trung tâm giáo dục thường xuyên tại thị
trấn Cần Giuộc, liên kết chặt chẽ với các trường Đại học, Cao đẳng tại thành phố
Hồ Chí Minh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
- Hệ thống văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao: tập
trung đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, thể dục thể thao tại thị trấn Cần
Giuộc và các đô thị trung tâm. Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa hiện có.
- Hệ thống y tế: xã hội hóa ngành y tế, phát triển
các bệnh viện dịch vụ khám chữa bệnh ngoài công lập, mạng lưới y tế dự phòng, y
tế cơ sở trong toàn vùng.
- Hệ thống thương mại, dịch vụ: hình thành các
trung tâm thương mại, siêu thị, dịch vụ chất lượng cao tại các đô thị Cần Giuộc,
đô thị Long Đức Đông, đô thị Đông Hòa. Phát triển chợ đầu mối nông sản tại đô
thị Cần Giuộc và các khu dịch vụ tại các khu công nghiệp, cảng.
3. Định hướng phát triển không gian vùng
Vùng huyện Cần Giuộc phân bổ thành 6 khu vực chức
năng theo mô hình tập trung đa cực lấy đô thị Cần Giuộc làm trung tâm vùng.
- Khu vực 1: khu đô thị Cần Giuộc là trung tâm của
vùng, phát triển đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị. Tập
trung các công trình hành chính, dịch vụ, thương mại cấp vùng. Không mở rộng
các khu, cụm công nghiệp hiện hữu và từng bước di dời ra khỏi khu vực đô thị.
- Khu vực 2: khu công nghiệp, dân cư chỉnh trang,
trung tâm khu vực là đô thị Long Đức Đông. Các khu ở có mật độ xây dựng thấp và
bố trí cách ly với khu công nghiệp. Ngành nghề tại các khu công nghiệp là ngành
nghề ít gây ô nhiễm môi trường. Trục thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở mật độ cao
bố trí dọc đường tỉnh 826C.
- Khu vực 3: khu phát triển đô thị, trung tâm khu vực
là đô thị Đông Hòa. Tận dụng khai thác hệ thống sông, kênh, rạch hiện hữu, hình
thành khu ở mật độ thấp. Trục thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở mật độ cao bố
trí dọc đường tỉnh 826C.
- Khu vực 4: khu quy hoạch cảng biển, dịch vụ,
logistics ưu tiên phát triển đa dạng các ngành dịch vụ cảng, chú trọng phát triển
các ngành công nghiệp mang tính công nghệ kỹ thuật cao, liên quan đến hàng hải,
vận tải biển, xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua cảng biển.
- Khu vực 5: khu dự trữ phát triển ảnh hưởng lan tỏa
đô thị hóa từ khu vực 3. Bố trí một phần diện tích đất cho công nghiệp và đầu mối
hạ tầng kỹ thuật.
- Khu vực 6: khu phát triển nông nghiệp, phát triển
nông nghiệp kỹ thuật cao kết hợp du lịch sinh thái, dân cư nhà vườn, nông nghiệp
ven đô, chuyên canh. Các khu, cụm công nghiệp phát triển theo quy hoạch đã được
phê duyệt, không phát triển khu công nghiệp mới.
VI. Định hướng phát triển hệ
thống hạ tầng kỹ thuật
1. Chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng
- Cao độ khống chế nền xây dựng được xác định trên
cơ sở mực nước ngập lụt tính toán cao nhất (cao hơn ít nhất 0,5m) và đảm bảo đô
thị không bị ngập lụt, không bị ảnh hưởng của triều cường, tác động của biến đổi
khí hậu.
- Cao độ nền khống chế H ≥ +2,3m, kết hợp đê bao.
- Khi san nền các khu vực
xây dựng mới phải đảm bảo cao độ sân đường hoàn thiện thấp hơn các tuyến đường
giao thông chính hiện hữu đã hoàn chỉnh trong khu vực tối thiểu là 0,1m.
2. Thoát nước mưa
- Đối với các khu đô thị mới, xây dựng hệ thống
thoát nước mưa riêng và nước thải riêng.
- Đối với khu vực đô thị cũ, cải tạo xây dựng hệ thống
thoát nước chung và chọn giải pháp cống bao, có hố tách dòng để thu gom nước thải
dẫn tới trạm xử lý nước thải tập trung của đô thị. Từng bước cải tạo, nâng cấp
để tách riêng hệ thống thoát nước mưa và thoát nước thải.
- Hướng thoát nước mưa theo địa hình tự nhiên xuống
kênh, rạch sau đó thoát ra sông Soài Rạp và sông Cần Giuộc.
3. Giao thông
a) Giao thông đường bộ:
- Quốc lộ 50: tiêu chuẩn đường cấp III, quy mô 2÷4
làn xe, đến 2030 sẽ nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp II, quy mô 4 làn xe.
- Vành Đai: đường vành đai 3, vành đai 4 xây dựng đạt
tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc 100km/h.
- Đường tỉnh:
+ Đường tỉnh 826: tiêu chuẩn đường cấp III, nền
12m, mặt 14m.
+ Đường tỉnh 826C: tiêu chuẩn đường cấp IV (giai đoạn
1 cấp V, nền 35, mặt 5,5m) sau 2030 sẽ nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp IV và
cấp II (đoạn Long Hậu - Rạch Dơi).
+ Đường tỉnh 835: tiêu chuẩn đường cấp III, nền
12m, mặt 11m.
+ Đường tỉnh 835B: tiêu chuẩn đường cấp IV, nền 9m,
mặt 7m.
+ Đường Tân Tập - Long Hậu (ĐT 826D), đến 2030 sẽ
nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III, mặt 11m, nền 13m, xây dựng hoàn chỉnh đảm
bảo mặt cắt ngang rộng 80m.
+ Đường tỉnh 830:
Đoạn Quốc lộ 50 - Tân Tập: tiêu chuẩn đường cấp
II, mặt 14m, nền 19m, lộ giới 62m.
Đoạn đường tỉnh 826 - Quốc lộ 50: tiêu chuẩn đường
cấp III, mặt 12m, nền 7m.
- Đường huyện:
+ Đường huyện 11, 14, 20, 21, 22, 24, 25: nâng cấp
các tuyến đường hiện hữu mặt nhựa - cứng hóa đạt cấp IV, mặt rộng tối thiểu 7m,
nền 9m, lộ giới 30m.
+ Đường huyện 26 sáp nhập vào đường huyện Tân Kim -
Long Hậu.
+ Đường huyện 23, sáp nhập vào đường tỉnh 835.
- Hệ thống bến bãi:
+ Quy hoạch xây dựng bến xe mới với diện tích khoảng
10.000 m2, tại Tân Kim.
+ Xây dựng các điểm đầu cuối phục vụ xe buýt tại
các khu đô thị và khu công nghiệp, có diện tích 2.000m2/điểm.
b) Giao thông đường sắt:
Tuyến đường sắt chuyên dụng
ra cảng Hiệp Phước: Điểm đầu từ ga Long Định của đường sắt tốc độ cao thành phố
Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ, đi song song với đường vành đai 4, giao cắt với
quốc lộ 50, vượt sông Cần Giuộc đi vào ga Cảng Hiệp Phước. Từ đây tuyến rẽ 2
nhánh đi vào cảng Hiệp Phước thuộc huyện Nhà Bè và khu cảng Đông Nam Á của tỉnh
Long An.
c) Giao thông đường thủy:
- Hai tuyến sông quốc gia
gồm sông Soài Rạp và sông Cần Giuộc là hai luồng tuyến quan trọng cho giao
thông thủy.
+ Sông Cần Giuộc là sông
cấp III, tuyến nối thông với sông Soài Rạp.
+ Sông Soài Rạp là tuyến
sông cấp I, là tuyến đường thủy đối ngoại quan trọng của toàn vùng.
- Cảng quốc tế Long An
thuộc nhóm cảng biển nhóm 5, là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại
I), nằm bên bờ hữu của sông Soài Rạp.
- Xây dựng một số cảng
hàng hóa và hành khách dọc sông Cần Giuộc và Rạch Cát.
4. Cấp nước
a) Nguồn nước:
Nguồn nước cấp cho khu vực
Huyện Cần Giuộc là nguồn nước từ thành phố Hồ Chí Minh, nước ngầm khoan tại chỗ
và các nguồn cấp nước theo dự án Quy hoạch cấp nước của vùng.
b) Dự báo tổng hợp nhu cầu dùng nước:
- Nhu cầu dùng nước đô thị đến năm 2020 là 15.000 m3/ngày,
đến năm 2030 là 35.000 m3/ngày.
- Nhu cầu dùng nước nông thôn đến năm 2020 là 7.000
m3/ngày, đến năm 2030 là 6.000 m3/ngày.
- Nhu cầu dùng nước khu, cụm công nghiệp đến năm
2020 là 45.600 m3/ngày, đến năm 2030 là 69.600 m3/ngày.
5. Cấp điện
Nguồn điện: từ nguồn điện lưới quốc
gia qua các tuyến và trạm biến thế 110kV. Phát triển nhà máy nhiệt điện tại vị
trí phù hợp, phát triển điện từ năng lượng mặt trời, gió, ...
- Trạm khu công nghiệp Nam Tân Tập: 110/22kV -
2x63MVA.
- Trạm khu công nghiệp Long Hậu: 110/22kV -
2x40MVA.
- Trạm Hiệp Phước: 110/22kV - 2x63MVA.
- Trạm Cần Giuộc: 110/22kV - 2x63MVA.
- Trạm Cần Đước: 110/22kV - (16 + 40)MVA.
6. Thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và
nghĩa trang
a) Thoát nước thải:
- Đối với thị trấn Cần Giuộc và các đô thị đang sử
dụng hệ thống cống chung thì xây dựng hệ thống thoát nước chung một nửa (có cống
bao tách nước thải và trạm xử lý nước thải), xây dựng các hố ga tách dòng để
thu gom nước thải đưa về khu xử lý.
- Đối với các khu vực xây dựng mới phải xây dựng hệ
thống thoát nước mưa tách riêng với hệ thống thoát nước thải.
- Tiêu chuẩn lưu lượng nước thải tính bằng 80% lượng
nước cấp.
- Nước thải công nghiệp phải được xử lý đạt quy chuẩn
QCVN 24:2009/BTNMT (giới hạn A); nước thải khu dân dụng phải xử lý đạt quy chuẩn
QCVN 14:2008/BTNMT (giới hạn A), ra hồ kiểm soát trước khi thải ra môi trường
bên ngoài.
b) Xử lý chất thải rắn:
Bố trí các trạm trung chuyển rác để thu gom tập
trung chất thải rắn trước khi đưa về khu xử lý chất thải rắn tại xã Đa Phước -
huyện Bình Chánh - thành phố Hồ Chí Minh (hoặc khu xử lý chất thải rắn Tâm Sinh
Nghĩa) trong giai đoạn đầu. Dài hạn, sẽ đưa về khu liên hợp xử lý chất thải rắn
tại huyện Thủ Thừa - Long An.
c) Nghĩa trang:
- Quy hoạch mới nghĩa trang tại xã Tân Tập, các
nghĩa trang hiện hữu sẽ tiến hành chỉnh trang di dời phù hợp với quy hoạch.
- Phát triển các khu vực hỏa táng, cải táng, giảm dần
địa táng.
7. Bảo vệ môi trường sinh thái
- Tăng cường kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường đô
thị, xử lý triệt để các loại nước thải, chất thải rắn, kiểm soát khí thải.
- Phát triển vùng phải gắn với bảo vệ môi trường
các lưu vực vùng ven sông Cần Giuộc và sông Soài Rạp.
- Tăng cường các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu.
- Tăng cường kiểm soát, xử lý triệt để ô nhiễm môi
trường do nước thải, khí thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại trong các
khu công nghiệp, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.
- Kiểm soát hoạt động sản xuất công nghiệp, nuôi trồng
thủy hải sản.
VII. Đề xuất các dự án ưu tiên
đầu tư và nguồn lực thực hiện
1. Giai đoạn 1 đến năm 2020
- Dự án:
+ Khu dân cư Chợ Mới - thị trấn Cần Giuộc.
+ Khu dân cư Nam Hoa - xã Trường Bình.
+ Khu dân cư Tân Phú Thịnh - xã Trường Bình.
+ Khu dân cư - trung tâm thương mại Long Đức Đông.
+ Khu dân cư xã Long Hậu.
+ Khu dân cư - tái định cư xã Phước Vĩnh Tây.
+ Phát triển khu công nghiệp Bắc Tân Tập và Nam Tân
Tập.
- Hạ tầng:
+ Đầu tư xây dựng cầu Cần Giuộc 1.
+ Đầu tư tuyến đường Tân Kim - Long Hậu.
+ Hoàn thiện đường Tân Tập - Long Hậu (đoạn từ ấp 3
đến rạch Dừa).
+ Triển khai đường Tân Tập - Long Hậu (đoạn từ rạch
Dừa đến đường Vành đai 4).
+ Các dự án trọng điểm thúc đẩy phát triển trung
tâm phía Tây Bắc, phía Đông Bắc và Tây Nam khu đô thị Cần Giuộc ở các xã Tân
Kim, Phước Lại, Long Hậu, Trường Bình.
2. Giai đoạn 2 đến năm 2030
Giai đoạn này tiếp tục phát triển và mở rộng giai
đoạn 1:
- Dự án:
+ Các dự án dọc Quốc lộ 50, giáp sông Cần Giuộc ở
thị trấn Cần Giuộc, Trường Bình, Phước Lại.
+ Các dự án dọc tuyến đường nối đường 835 với khu
công nghiệp Hiệp Phước xã Phước Lại.
+ Các dự án dọc tuyến Tân Tập - Long Hậu.
+ Khu dân cư - đô thị Đông Hòa.
+ Khu dân cư Long Đức Đông.
+ Khu dân cư khu vực 3.
+ Khu đô thị - công nghiệp - cảng Long An tại xã
Phước Vĩnh Đông và xã Tân Tập.
- Hạ tầng:
+ Đầu tư xây dựng cầu Cần Giuộc 2, cầu Cần Giuộc 3.
+ Hoàn thiện đường Tân Tập - Long Hậu.
+ Đầu tư tuyến đường nối đường 835 với KCN Hiệp Phước.
+ Đầu tư tuyến đường vành đai trong thị trấn Cần
Giuộc: đường Vành đai 4.
Điều 2.
- Giao UBND huyện Cần Giuộc
chủ trì phối hợp với Phân viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn Miền Nam và các Sở,
ngành liên quan tổ chức công bố Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng huyện Cần
Giuộc, tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và tổ chức thực hiện
quy hoạch theo quy định pháp luật hiện hành.
- UBNB thị trấn Cần Giuộc, UBNB các xã tiến hành rà
soát, điều chỉnh, triển khai lập các quy hoạch xây dựng đô thị và dân cư nông
thôn theo định hướng quy hoạch xây dựng vùng huyện được duyệt.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Xây dựng; Kế hoạch
và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Tài chính; Khoa học Công nghệ; Thông tin
và Truyền thông; Công Thương; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Nội vụ; Văn hóa Thể
thao Du lịch; Lao động - Thương binh và Xã hội; Giao thông Vận tải; Nông nghiệp
và Phát triển Nông thôn; Ban Quản lý khu kinh tế; Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc;
Giám đốc Phân viện Quy hoạch Đô thị Nông thôn Miền Nam và Thủ trưởng các ngành
liên quan thi hành Quyết định này.
Quyết định này thay thế Quyết định số 952/QĐ-UBND
ngày 07/4/2010 của UBNB tỉnh Long An về việc phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng
vùng huyện Cần Giuộc đến năm 2025./.
Nơi nhận:
- TT.TU;
- TT.HĐND, các Ban HĐND (tỉnh);
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- Phòng NCKT;
- Lưu: VT, SXD, Th
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thanh Nguyên
|