THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 1065/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 03
tháng 07 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT NHIỆM VỤ ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM
2030 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12
năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng
01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Xét đề nghị của Bộ Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ Quy
hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với
những nội dung chủ yếu sau:
1. Phạm vi, ranh giới lập điều
chỉnh quy hoạch:
Phạm vi lập quy hoạch vùng thành phố Hồ Chí Minh
bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Hồ Chí Minh và 07 tỉnh xung
quanh gồm: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng
Tàu, Tiền Giang. Quy mô diện tích khoảng 30.404 km2. Dân số hiện trạng
toàn vùng năm 2013 khoảng 18,023 triệu người.
- Phía Tây Bắc giáp Vương Quốc Campuchia.
- Phía Tây Nam giáp vùng đồng bằng sông Cửu Long.
- Phía Đông Nam giáp biển Đông.
- Phía Đông Bắc giáp vùng duyên hải Nam Trung Bộ và
vùng Tây Nguyên.
2. Mục tiêu:
- Nâng cao vai trò vị thế của vùng thành phố Hồ Chí
Minh trong khu vực và thế giới. Phát triển vùng thành phố Hồ Chí Minh trở thành
một vùng đô thị lớn phát triển năng động với chất lượng tăng trưởng cao và bền
vững trên cơ sở phân công, hợp tác, chia sẻ và liên kết về động lực, cơ hội
phát triển, bảo đảm phát triển cân bằng giữa đô thị và nông thôn, bảo vệ môi
trường, giữ gìn cảnh quan đặc trưng của vùng; đảm bảo an ninh quốc phòng. Phát
triển vùng phù hợp với yêu cầu chiến lược tăng trưởng xanh và thích ứng với biến
đổi khí hậu.
- Phát triển vùng thành phố Hồ Chí Minh trở thành một
vùng kinh tế động lực hàng đầu của cả nước, có cơ cấu kinh tế hiện đại và là
trung tâm kinh tế lớn của khu vực và châu Á. Xây dựng vùng trở thành trung tâm
thương mại và tài chính, dịch vụ tầm quốc tế, cửa ngõ giao thương quốc tế quan
trọng của quốc gia; trung tâm công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chuyên
sâu với trình độ chuyên môn hóa cao; trung tâm văn hóa, thể thao, du lịch, giáo
dục - đào tạo, khoa học công nghệ và y tế chất
lượng cao tầm khu vực.
Xây dựng đồng bộ và hiện đại hệ thống hạ tầng kỹ
thuật và hạ tầng xã hội của vùng, tạo điều kiện cho các đô thị tiếp tục phát
huy vai trò là những hạt nhân tạo động lực thúc đẩy phát triển cho các khu vực
lân cận về kinh tế văn hóa và xã hội,
trong đó thành phố Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân, trung tâm kinh tế tổng hợp
đa chức năng, với kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại ngang tầm với các đô thị hiện
đại trong khu vực.
3. Tính chất:
- Là vùng đô thị lớn có tốc độ đô thị hóa cao và chất
lượng sống tốt, vùng phát triển kinh tế năng động có tốc độ tăng trưởng kinh tế
cao và bền vững.
- Là trung tâm giao thương quốc tế của vùng Nam bộ
và quốc gia, đầu mối liên kết các vùng kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm phía
Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên, vùng duyên Hải Nam Trung Bộ.
- Là trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp
chuyên sâu; trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ chất lượng cao tầm quốc
gia và khu vực; trung tâm du lịch văn hóa lịch sử, du lịch rừng cảnh quan tầm
quốc gia.
- Là trung tâm văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo,
trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của quốc gia và khu vực;
trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chuyên canh của vùng Nam Bộ và
cả nước.
- Là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về an
ninh quốc phòng.
4. Dự báo quy mô dân số, đất đai:
a) Dự báo dân số.
- Dự kiến đến năm 2020: Dân số trong vùng khoảng 20
- 22 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 60 - 65%;
- Dự kiến đến năm 2030: Dân số trong vùng khoảng 23
- 25 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 65 - 75%;
b) Dự báo đất đai.
- Dự kiến quy mô đất đai xây dựng đô thị đến năm
2020 khoảng 180.000 - 210.000 ha; đến năm 2030 khoảng 220.000 - 240.000 ha.
- Dự kiến quy mô đất đai công nghiệp tập trung đến
năm 2020 khoảng 30.000 - 40.000 ha; đến năm 2030 khoảng 40.000 - 50.000 ha.
(Các kết quả dự báo về quy mô dân số, đất đai có thể
thay đổi trong quá trình nghiên cứu luận cứ quy hoạch).
5. Các yêu cầu nội dung:
a) Phân tích đánh giá các điều kiện tự nhiên và hiện
trạng:
- Phân tích đánh giá các điều kiện tự nhiên, đặc biệt
đánh giá về vị trí địa kinh tế chính trị của vùng trong khu vực và thế giới.
Phân tích, đánh giá tiềm năng tài nguyên tự nhiên và điều kiện xã hội.
- Đánh giá hiện trạng phát triển vùng về kinh tế -
xã hội, hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn, sử dụng đất đai, không gian
vùng, hệ thống hạ tầng xã hội, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và môi trường.
- Phân tích đánh giá các tác động của biến đổi khí
hậu, nước biển dâng, tác động ngập lũ và các xu hướng, kịch bản biến đổi khí hậu
tác động đến định hướng không gian vùng.
b) Đánh giá việc thực hiện Quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đã được phê
duyệt năm 2008, các quy hoạch ngành liên quan:
- Đánh giá các ưu điểm và những hạn chế của đồ án
trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội mới của quốc gia, quốc tế.
- Đánh giá các chương trình, dự án, chiến lược phát
triển ngành đã và đang được triển khai trong vùng, đặc biệt là các chiến lược
thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đánh giá quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, các quy hoạch ngành của vùng thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng.
+ Đánh giá chính sách phát triển vùng, cơ chế quản
lý và liên kết vùng, công tác triển khai các dự án quy hoạch, các dự án đầu tư
có tính chất liên kết vùng, khung hạ tầng giao thông và công trình đầu mối hạ tầng
kỹ thuật cấp vùng.
c) Đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên, hiện trạng
phát triển vùng và công tác thực hiện quy hoạch.
- Phân tích bối cảnh phát triển mới của quốc gia,
quốc tế; phân tích đánh giá vai trò, vị thế và các mối quan hệ vùng, các tiềm
năng và động lực phát triển của vùng thành phố Hồ Chí Minh.
- Đề xuất quan điểm phát triển, tầm nhìn đến năm
2050 và các mục tiêu chiến lược phát triển vùng.
- Xác định tính chất vùng; dự báo phát triển vùng về
kinh tế - xã hội, quy mô dân số, lao động, đất đai, khả năng và quá trình đô thị
hóa; dự báo sự thay đổi môi trường tự
nhiên do sự tác động của phát triển kinh tế - xã hội, biến đổi khí hậu và nước
biển dâng.
- Dự báo phát triển vùng, mô hình phát triển và cấu
trúc không gian vùng:
+ Xác định các nội dung chính cần điều chỉnh trong
đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030.
+ Lựa chọn các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật phù hợp với
đặc thù của Vùng và các tiểu vùng.
+ Điều chỉnh cấu trúc không gian vùng đáp ứng yêu cầu
kết nối với các vùng kinh tế lớn trên thế giới và kết nối với các vùng kinh tế
trọng điểm quốc gia như vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng duyên hải Nam Trung
Bộ, vùng Tây Nguyên trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đặc biệt
kết nối giữa vùng đô thị trung tâm với
các cực phát triển đối trọng trong vùng.
d) Đề xuất điều chỉnh phân bố các vùng chức năng,
bao gồm:
- Điều chỉnh phân vùng phát triển kinh tế và đô thị
đáp ứng yêu cầu liên kết vùng và phát huy tiềm năng lợi thế riêng của các tỉnh
trong vùng, tích hợp với phân vùng phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm
phía Nam.
- Điều chỉnh định hướng phân bố hệ thống đô thị,
trong đó thành phố Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân động lực phát triển của toàn
vùng, các đô thị, vệ tinh trong vùng trung tâm, hệ thống các vùng đô thị đối trọng,
hệ thống đô thị theo các tuyến hành lang kinh tế đô thị hướng tâm, hệ thống các
đô thị chuyên ngành. Xác định tính chất quy mô, chức năng các đô thị và phân loại
đô thị. Định hướng phát triển không gian nông thôn phù hợp với đặc điểm tự
nhiên, văn hóa truyền thống và điều kiện sản xuất và theo mô hình xây dựng nông
thôn mới.
- Điều chỉnh phân bố các vùng công nghiệp công nghệ
cao, các vùng công nghiệp chuyên sâu, các vùng công nghiệp tập trung đa ngành gắn
với các vùng đô thị trung tâm và các vùng đô thị đối trọng, các trục hành lang
kinh tế đô thị và các đầu mối hạ tầng kỹ thuật của vùng, khai thác hiệu quả các
lợi thế vùng nguyên liệu, nguồn nhân lực.
- Điều chỉnh định hướng phân bố các vùng du lịch
sinh thái rừng cảnh quan, đặc biệt rừng ngập mặn Cần Giờ, rừng Nam Cát Tiên,
vùng ngập nước Đồng Tháp Mười, vùng biển đảo. Đề xuất các trung tâm du lịch tầm
quốc gia, quốc tế về văn hóa lịch sử, giải trí. Đề xuất các tuyến du lịch quốc
tế, quốc gia và nội vùng.
- Điều chỉnh phân bố các vùng sản xuất nông nghiệp,
lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, hình thành các vùng nông nghiệp công nghệ cao,
nông nghiệp đô thị, nông nghiệp chuyên canh, vùng phát triển vườn cây ăn trái tập
trung, các vùng rừng trồng, rừng phòng hộ, rừng ngập nước, rừng ngập mặn, hình
thành các vùng đánh bắt nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo
tồn các vùng cảnh quan thiên nhiên, vùng sinh thái đặc trưng.
- Điều chỉnh định hướng phân bố hệ thống hạ tầng xã
hội và dịch vụ, bao gồm các trung tâm chuyên ngành cấp vùng, tiểu vùng, quốc
gia và quốc tế.
đ) Điều chỉnh định hướng tổ chức không gian vùng:
- Tổ chức không gian đô thị theo hướng phát triển bền
vững, tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu, liên kết phát triển không
gian đô thị vùng trung tâm và các chuỗi không gian đô thị theo các tuyến hành
lang kinh tế đô thị hướng tâm, phát triển
liên kết không gian đô thị tại các vùng đô thị đối trọng.
- Tổ chức không gian các khu công nghiệp tập trung,
khu kinh tế cửa khẩu gắn với không gian đô thị và các trục hành lang kinh tế đô
thị hướng tâm, các đầu mối hạ tầng kỹ thuật của vùng; tổ chức không gian các
khu công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch tại vùng đô thị trung tâm và
các khu công nghiệp tập trung chuyên sâu tại các cực đối trọng của vùng.
- Tổ chức không gian bảo tồn vùng cảnh quan dọc các
sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Bé, sông Vàm Cỏ, sông Tiền; các hồ: Trị An, Dầu
Tiếng; cảnh quan vườn cây ăn trái dọc sông Tiền, cảnh quan rừng ngập mặn Cần Giờ,
rừng ngập nước Đồng Tháp Mười, cảnh quan các khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc
gia trong vùng.
- Tổ chức không gian du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng,
du lịch văn hóa lịch sử tầm quốc gia và quốc tế gắn với tài nguyên cảnh quan rừng,
tài nguyên biển.
- Tổ chức không gian sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp
và nuôi trồng thủy sản theo hướng các khu nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp
đô thị, các vùng nông nghiệp chuyên canh và không gian nuôi trồng thủy sản
thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo tồn các không gian rừng cảnh quan, rừng trồng,
rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
e) Chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng:
- Phân tích đánh giá về địa hình, các tai biến địa
chất, cảnh báo các vùng cấm và hạn chế xây dựng.
- Xác định lưu vực, hướng thoát nước chính, các công trình tiêu thoát nước đầu mối, tích hợp quy hoạch thủy lợi của vùng.
- Đề xuất các giải pháp về phòng chống và xử lý tai
biến địa chất, ngập lụt đối với vùng ngập lũ và vùng chịu ảnh hưởng nước biển dâng, đảm bảo thích ứng và ứng
phó với biến đổi khí hậu.
g) Giao thông:
- Phân tích mô hình phát triển giao thông và xác định khung giao thông vùng; tổ chức mạng
lưới và xác định các tuyến giao thông về đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường
hàng không phù hợp với chiến lược phát triển giao thông quốc gia và quốc tế.
- Xác định tính chất, vị trí quy mô các công trình
đầu mối giao thông gồm cảng hàng không quốc tế, cảng biển, các bến thủy nội địa,
ga đường sắt.
- Đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông
và hành lang bảo vệ các công trình giao thông.
h) Cấp nước:
- Đánh giá về tài nguyên nước mặt và nước ngầm: Xác
định trữ lượng, chất lượng và khả năng khai thác trên địa bàn. Xác định tiêu
chuẩn và chỉ tiêu cấp nước.
- Dự báo tổng hợp nhu cầu dùng nước cho các đô thị,
khu dân cư nông thôn, khu công nghiệp, vùng sản xuất...
- Xác định các công trình đầu mối cấp nước có ý
nghĩa vùng và liên vùng, các tuyến đường ống cấp
nước, chuyển tải chính có ý nghĩa vùng và
liên vùng. Đề xuất các giải pháp cấp nước phù hợp với yêu cầu phát triển vùng,
lưu ý giải pháp đối với các vùng bị tác động của biến đổi khí hậu.
- Đề xuất giải pháp chính bảo vệ nguồn nước và các
công trình đầu mối, đặc biệt là nguồn nước ngầm.
i) Cấp điện:
- Xác định chỉ tiêu và tiêu chuẩn cấp điện toàn
vùng.
- Dự báo nhu cầu sử dụng điện, xác định phụ tải và
khả năng tiêu thụ điện.
- Xác định nguồn điện theo hướng đa dạng về nguồn
năng lượng, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Điều chỉnh
giải pháp cấp điện, xác định lưới truyền tải cao thế và các trạm biến áp nguồn
110 KV trở lên.
k) Thoát nước
thải, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang:
- Xác định các chỉ tiêu về nước thải, chất thải rắn,
đất nghĩa trang theo loại đô thị.
- Dự báo tổng khối lượng nước thải, chất thải rắn,
nhu cầu đất nghĩa trang toàn vùng. Lựa chọn hệ thống thoát nước thải cho các đô thị, khu chức năng lớn và tổ chức thu
gom, xử lý nước thải, chất thải rắn theo từng tiểu vùng.
- Xác định vị trí quy mô các công trình đầu mối xử
lý nước thải, chất thải rắn, nghĩa trang liên đô thị, phù hợp với đặc điểm tự
nhiên, văn hóa vùng, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường.
l) Đánh giá môi trường chiến lược.
- Đánh giá các tác động tích cực và tiêu cực đối với
môi trường.
- Đề xuất các giải pháp tổng thể giải quyết các vấn
đề môi trường nhằm giảm thiểu tác động đến đa dạng sinh học vùng thành phố Hồ
Chí Minh.
- Đề xuất chương trình quản lý và quan trắc môi trường
cho toàn vùng. Nghiên cứu lồng ghép đánh giá môi trường chiến lược và công tác
quy hoạch môi trường và quy hoạch không gian.
m) Các chương trình ưu tiên đầu tư phát triển vùng.
- Đề xuất các chương trình đầu tư phát triển vùng.
Đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư phù hợp với dự báo nguồn lực.
- Đề xuất quy mô xây dựng, phân kỳ đầu tư, dự báo
nhu cầu vốn và kiến nghị nguồn vốn đầu tư đối với các dự án ưu tiên trọng điểm.
n) Nghiên cứu mô hình quản lý và điều phối phát triển vùng, các giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch:
- Nghiên cứu, đánh giá và đề xuất mô hình quản lý,
điều hành đảm bảo liên kết phát triển vùng.
- Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù phát triển cho
vùng thành phố Hồ Chí Minh.
- Giải pháp về thể chế, chỉ đạo, nguồn nhân lực,
nguồn lực tài chính, liên kết, cơ chế đặc thù.
- Lập Quy chế quản lý vùng nhằm quản lý phát triển
vùng theo nội dung quy hoạch.
6. Yêu cầu về hồ sơ sản phẩm:
Thành phần hồ sơ và nội dung đồ án thực hiện theo
Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch
xây dựng.
7. Tổ chức thực hiện:
- Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ.
- Cơ quan thẩm định - trình duyệt: Bộ Xây dựng.
- Cơ quan chủ đầu tư: Bộ Xây dựng.
- Thời gian lập điều chỉnh quy hoạch là 12 tháng kể
từ khi Nhiệm vụ Quy hoạch được phê duyệt.
- Bộ Xây dựng tuyển chọn tổ chức tư vấn, chuyên gia
quốc tế tham gia nghiên cứu ý tưởng quy hoạch và phản biện; tổ chức làm việc,
khảo sát, kinh nghiệm quá trình lập quy hoạch tại một số quốc gia có điều kiện
tương tự.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
Giao Bộ Xây dựng:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương
trong quá trình chỉ đạo việc lập, thẩm định Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng
vùng thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo chất lượng và tiến độ.
- Tổng hợp, lồng ghép các nội dung tham gia nghiên
cứu các Bộ, ngành liên quan và địa phương trong vùng trong quá trình lập, thẩm
định điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh.
- Bố trí nguồn vốn, phê duyệt tổng dự toán chi phí lập điều chỉnh Quy hoạch
xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và
các hoạt động khác có liên quan.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban
hành.
Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải,
Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Quốc phòng; Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Bình Dương, Bình Phước,
Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang và Thủ trưởng các cơ
quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận
tải, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quốc
phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và
Công nghệ;
- UBND các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Bình
Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, V.III,
NC, KGVX;
- Lưu: Văn thư, KTN (3b).KN 50
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Hoàng Trung Hải
|