Quyết định 286/QĐ-BYT năm 2025 phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện giải pháp đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm HIV tại Việt Nam, giai đoạn 2025-2030 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 286/QĐ-BYT
Ngày ban hành 22/01/2025
Ngày có hiệu lực 22/01/2025
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thị Liên Hương
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 286/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2025

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN GIẢI PHÁP ĐÁP ỨNG Y TẾ CÔNG CỘNG VỚI CHÙM CA NHIỄM HIV TẠI VIỆT NAM, GIAI ĐOẠN 2025-2030

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 14/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030;

Căn cứ Nghị định số 95/2022/NĐ-CP ngày 15/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Thông tư số 07/2023/TT-BYT ngày 04/4/2023 của Bộ Y tế hướng dẫn quy trình, phương pháp giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và giám sát các bệnh lây truyền qua đường tình dục;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này: “Kế hoạch hành động thực hiện giải pháp đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm HIV tại Việt Nam, giai đoạn 2025-2030”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng, Cục trưởng các Vụ, Cục; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hưng Yên; Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Như Điều 3;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế;
- Lưu: VT, AIDS.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Liên Hương

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN GIẢI PHÁP ĐÁP ỨNG Y TẾ CÔNG CỘNG VỚI CHÙM CA NHIỄM HIV TẠI VIỆT NAM, GIAI ĐOẠN 2025-2030
(Kèm theo Quyết định số 286/QĐ-BYT ngày 22 tháng 01 năm 2025 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

PHẦN I: SỰ CẦN THIẾT

I. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG ĐÁP ỨNG Y TẾ CÔNG CỘNG KIỂM SOÁT LÂY NHIỄM HIV

Tính đến 12/2024, toàn quốc có 245.762 người nhiễm HIV còn sống, lũy tích tử vong 116.004 người. Năm 2024, phát hiện trên 13.000 trường hợp nhiễm HIV, mặc dù dịch HIV là dịch tập trung trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao, được kiểm soát. Tuy nhiên vẫn có nguy cơ tiềm ẩn gia tăng trong nhóm MSM (tăng từ 3,6% lên 12,5% vào năm 2022), khu vực miền Nam (chiếm 60% số ca nhiễm trên toàn quốc), nguy cơ bùng phát ở một số địa bàn không được quan tâm đầu tư. Kích cỡ quần thể có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV có dấu hiệu gia tăng như nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tăng từ 270.883 người (năm 2019) lên 428.450 người (năm 2023).

Để kiểm soát được dịch, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 với 11 nhóm giải pháp, trong đó có biện pháp giám sát, theo dõi và đánh giá như xác định các khu vực lây nhiễm, xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo dịch, áp dụng kỹ thuật chẩn đoán mới nhiễm để đánh giá và ước tính nguy cơ lây nhiễm; nâng cao chất lượng dữ liệu, sử dụng dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong cảnh báo sớm, kiểm soát và đáp ứng y tế công cộng trong phòng, chống HIV/AIDS. Để triển khai được các giải pháp này, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2520/QĐ-BYT ngày 15/6/2020 về Kế hoạch triển khai mở rộng xét nghiệm nhiễm mới HIV cho giai đoạn 2020-2024, Quyết định số 2834/QĐ-BYT ngày 09/6/2021 về việc hướng dẫn thực hiện xét nghiệm phát hiện nhiễm mới HIV và sử dụng số liệu xét nghiệm phát hiện nhiễm mới HIV trong phòng chống HIV/AIDS. Cho đến nay, 50/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện và phát hiện khoảng 1,7% nhiễm mới HIV. 05 tỉnh/ thành phố triển khai thành công mô hình đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm HIV, kiểm soát dịch và cải thiện chất lượng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Tại Cần Thơ, số phát hiện mới giảm 17%, tỷ lệ khách hàng HIV(+) được kết nối điều trị ARV tăng từ 68,2% lên 96,3%, tỷ lệ điều trị trong ngày tăng từ 8% lên 57%. Tại Kiên Giang, tỷ lệ khách hàng HIV(+) được kết nối điều trị ARV tăng từ 84% lên 91%. Tại Sóc Trăng, tăng 8% tỷ lệ điều trị trong ngày, tăng 21% khách hàng PrEP mới, và tăng gần 10% tại Đồng Tháp. Tại Cao Bằng đã huy động được kinh phí của địa phương để thực hiện hoạt động đáp ứng y tế công cộng kiểm soát dịch trong nhóm nghiện chích ma túy.

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, vẫn còn một số tồn tại, khoảng trống: Hệ thống các văn bản, hướng dẫn về phát hiện nhiễm mới, xác định chùm ca, ổ dịch, biện pháp đáp ứng y tế công cộng với chùm ca lây nhiễm HIV đã được phát triển nhưng chưa đầy đủ các tình huống thực tiễn phát sinh. Các mức độ đáp ứng, hướng dẫn về sử dụng số liệu, đảm bảo chất lượng dữ liệu chưa đầy đủ. Chưa có công cụ giám sát, đánh giá hiệu quả và kết thúc quá trình đáp ứng y tế công cộng với chùm ca lây nhiễm HIV.

Việc quản lý, sử dụng số liệu phát hiện các điểm nóng, cảnh báo nguy cơ về dịch, cải thiện chất lượng hoạt động chưa đồng đều, còn hạn chế trong việc vận dụng số liệu để nhận định tình hình dịch, cảnh báo nhóm quần thể, địa điểm có nguy cơ bùng phát, phát hiện các khoảng trống về dịch vụ nhằm tăng cường hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và kiểm soát sự gia tăng lây nhiễm HIV ở trong nhóm quần thể và địa điểm có nguy cơ.

Nhân lực ở các tuyến thiếu kiến thức, hạn chế về kỹ năng đánh giá, nhận định tình hình dịch và triển khai đáp ứng y tế công cộng. Việc áp dụng các giải pháp chuyên môn kỹ thuật về đáp ứng y tế công cộng còn thụ động, chưa đồng bộ, thống nhất, chưa xác định được các ưu tiên can thiệp phòng, chống HIV/AIDS dựa trên bằng chứng. Chưa có kế hoạch triển khai đáp ứng y tế công cộng với chùm ca lây nhiễm HIV dài hạn để địa phương có căn cứ triển khai đồng bộ trên toàn quốc.

Việc triển khai biện pháp đáp ứng y tế công cộng đang được các tổ chức quốc tế khuyến cáo áp dụng. Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị: tối ưu hóa hệ thống, ban ngành, quan hệ đối tác và quản lý bùng phát dịch, tận dụng bài học từ đại dịch COVID-19 để tăng cường sự chuẩn bị, phát huy tính linh hoạt của hệ thống và cộng đồng, nhằm ngăn ngừa và quản lý dịch bệnh HIV trong tương lai. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến nghị: thực hiện giám sát nhiễm mới để hiểu dịch bệnh; phát triển và đổi mới công cụ giám sát theo dõi các ca nhiễm mới, giám sát sinh học phân tử và biện pháp đánh giá các nhóm quần thể nguy cơ liên tục và định kỳ. Trên cơ sở đó, Việt Nam cũng đang từng bước triển khai các khuyến nghị. Trong quá trình triển khai cần theo dõi, đánh giá hiệu quả, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hợp tác góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Năm 2020, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch triển khai mở rộng xét nghiêm nhiễm mới HIV giai đoạn 2020-2024 với mục tiêu sử dụng xét nghiệm phát hiện nhiễm mới HIV để xác định: tỷ lệ nhiễm mới HIV; chùm lây nhiễm (cluster), địa bàn điểm nóng về dịch HIV (outbreak); nhóm nguy cơ cao mới nổi; các địa bàn cần can thiệp và đề xuất các giải pháp ưu tiên để khống chế lây nhiễm. Để tiếp tục triển khai các biện pháp theo đúng quy định, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các giải pháp chuyên môn về giám sát dịch, theo dõi đánh giá chương trình HIV/AIDS của Chiến lược quốc gia đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc. Việc xây dựng “Kế hoạch hành động thực hiện giải pháp đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm HIV tại Việt Nam, giai đoạn 2025-2030” là thực sự cần thiết.

II. CÁC KHÁI NIỆM VÀ THUẬT NGỮ

1. Chùm ca nhiễm HIV: là nhóm người nhiễm HIV (đã được chẩn đoán hoặc chưa được chẩn đoán HIV) có liên quan đến đường lây truyền HIV. Các chùm ca nhiễm HIV sẽ bao gồm chùm ca nhiễm mới hoặc chùm ca lây truyền đang diễn ra trong cộng đồng. Bằng các nỗ lực và các can thiệp phòng chống sẽ có thể ngăn ngừa xuất hiện thêm các ca nhiễm mới. Chùm ca nhiễm HIV bao gồm:

[...]
35
Quản lý: Công ty TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số ..., do ... cấp ngày ... (dự kiến) Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ