Quyết định 2852/QĐ-UBND năm 2021 về Chương trình phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 2852/QĐ-UBND
Ngày ban hành 08/10/2021
Ngày có hiệu lực 08/10/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Trần Văn Tân
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2852/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 08 tháng 10 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP VĂN HÓA TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

Căn cứ Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 20/7/2021 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ tư, khóa XXII về phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 250/TTr-SVHTTDL ngày 27/9/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Chương trình phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình), với những nội dung cụ thể sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

a) Cụ thể hóa, thực hiện đầy đủ, kịp thời, toàn diện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp theo Quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (gọi tắt là Quyết định số 2215/QĐ-TTg và Kết luận số 76-KL/TW) và các nội dung phát triển sự nghiệp văn hóa tại Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 20/7/2021 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ tư, khóa XXII về phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 U 2025 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết số 11-NQ/TU).

b) Phân công trách nhiệm cụ thể để các Sở, Ban, ngành, địa phương, các cơ quan và đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế nhằm đạt các mục tiêu đã đề ra. Tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các Sở, Ban, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan trong thực hiện Chương trình. Tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của toàn xã hội đối với việc xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa, con người Quảng Nam, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới.

2. Yêu cầu

Các cơ quan, Ban, ngành, hội, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực, chủ động trong việc tham mưu, đề xuất và tổ chức triển khai, thực hiện các nội dung Chương trình. Xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ phải gắn với các giải pháp đồng bộ, toàn diện, khả thi; gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của ngành, địa phương, đơn vị, phù hợp với điều kiện chung của tỉnh.

II. Quan điểm

Văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững. Xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa Quảng Nam là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân. Đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa phải tương xứng với đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa; đẩy mạnh công tác xã hội hóa; mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo và khát vọng phát triển, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và chỉ số hạnh phúc của người dân.

III. Mục tiêu

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hóa, con người Quảng Nam hướng đến mục tiêu gìn giữ, lan tỏa giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc gắn với không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; góp phần tích cực xây dựng Quảng Nam phát triển toàn diện, bền vững, trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền. Thực hiện tốt mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn các giá trị văn hóa, gắn văn hóa với phát triển du lịch, dịch vụ.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025

- 100% di tích đã xếp hạng bị xuống cấp được tu bổ, tôn tạo.

- Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, nhất là Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An; Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương; các Di tích quốc gia: Địa điểm Chiến thắng Núi Thành, Dinh trấn Thanh Chiêm, Chùa Cầu - Hội An, Địa đạo Kỳ Anh; Xây dựng Đô thị di sản Hội An.

- Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh; chú trọng Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh (Nghệ thuật Bài chòi), các di sản thuộc Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi.

- Hằng năm, có từ 03 đến 05 tác phẩm sáng tác và nghiên cứu đạt chất lượng cao, phản ánh truyền thống lịch sử, văn hóa, con người Quảng Nam.

- 100% huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là huyện) có thư viện và được ứng dụng CNTT, kết nối hệ thống thư viện toàn tỉnh, 50% thư viện huyện đạt chuẩn; 40% xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) có thư viện hoặc phòng đọc; 100% xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao; 100% Nhà văn hóa - khu thể thao thôn, nóc, tổ dân phố, khối phố, khu phố... (gọi chung là thôn, tổ dân phố) được chuẩn hóa và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

- Ở khu vực đô thị và đồng bằng, trên 90% gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa; trên 90% thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa, trên 95% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; trên 85% xã và 90% thôn, tổ dân phố có thiết chế văn hóa đạt chuẩn; 70% xã đạt chuẩn văn hóa NTM; 65% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; trên 55% tộc họ được công nhận tộc họ văn hóa. Ở khu vực miền núi, trên 90% gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa; 88% thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; trên 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 80% xã và 90% thôn, tổ dân phố có thiết chế văn hóa đạt chuẩn; 50% xã đạt tiêu chí văn hóa NTM; 50% thị trấn đạt tiêu chí văn minh đô thị; phát động xây dựng tộc họ văn hóa ở những nơi có đủ điều kiện.

[...]