Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 2839/QĐ-UBND năm 2012 về Chương trình hành động thực hiện Đề án thực thi Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh Tiền Giang

Số hiệu 2839/QĐ-UBND
Ngày ban hành 20/11/2012
Ngày có hiệu lực 20/11/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Dương Minh Điều
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2839/QĐ-UBND

Tiền Giang, ngày 20 tháng 11 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN THỰC THI HIỆP ĐỊNH HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 CỦA TỈNH TIỀN GIANG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 682/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thực thi Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2011 - 2015;

Căn cứ Thông tư số 24/2011/TT-BKHCN ngày 30/9/2011 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án thực thi Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2011 - 2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ theo Tờ trình số 63/TTr-SKH&CN ngày 27/9/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động triển khai thực hiện Đề án thực thi Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh Tiền Giang.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Giám đốc Sở Công Thương; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và các hội, hiệp hội có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Minh Điều

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN THỰC THI HIỆP ĐỊNH HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 CỦA TỈNH TIỀN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2839 /QĐ-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)

Đề án thực thi Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại (the Agreement on Technical Barriers to Trade, sau đây gọi là Hiệp định TBT) giai đoạn 2011 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 682/QĐ-TTg ngày 10/5/2011. Để triển khai thực hiện Đề án này Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang xây dựng Chương trình hành động triển khai Đề án thực thi Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2011 - 2015 (sau đây gọi là Đề án TBT) của tỉnh Tiền Giang với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Góp phần thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng;

2. Nâng cao năng lực của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh trong việc thực thi các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Hiệp định TBT của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời bảo vệ quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của tỉnh Tiền Giang.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động về hàng rào kỹ thuật trong thương mại

Định kỳ rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh có liên quan đến hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và áp dụng hàng rào kỹ thuật trong thương mại cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật của cấp Trung ương và các cam kết quốc tế, đặc biệt là cam kết WTO.

2. Xây dựng các biện pháp kỹ thuật để triển khai áp dụng trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu bảo đảm sự phù hợp với quy định của hiệp định TBT và pháp luật Việt Nam

a) Nghiên cứu, đánh giá các biện pháp kỹ thuật của các nước thành viên WTO có khả năng ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp trong tỉnh, đưa ra chế độ cảnh báo và hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các biện pháp ứng phó.

b) Đề xuất ban hành và góp ý hoàn thiện các các tiêu chuẩn, quy chuẩn và biện pháp kỹ thuật trong thương mại để áp dụng nhằm ngăn ngừa sự xâm nhập của hàng hóa nhập khẩu kém chất lượng, bảo đảm an toàn cho người, động vật, thực vật, bảo vệ môi trường.

c) Xây dựng và áp dụng cơ chế kiểm soát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, đặc biệt là hàng hóa nhập khẩu, nhằm ngăn chặn sự thâm nhập và lưu thông trên thị trường hàng hóa nhập khẩu kém chất lượng, không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không bảo đảm an toàn vệ sinh và không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

d) Tham gia vào hệ thống cảnh báo nhanh về chất lượng, về nguy cơ mất an toàn của hàng hóa sản xuất trong nước và nhập khẩu nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan quản lý, người sản xuất và người tiêu dùng.

[...]